Khoa học - Lịch sử 2012-11-02 06:20:32

Câu chuyện sinh tồn khi trôi dạt giữa biển cả


Những người sống gắn liền với biển chắc hẳn đã biết biển cả đáng sợ đến nhường nào. Và một trong những viễn cảnh tăm tối nhất chính là bị bỏ rơi giữa biển, trôi dạt vào không gian vô định, cố gắng sống sót trong lúc chờ người đến cứu.




Lịch sử đã ghi nhận không ít trường hợp như thế. Năm 1998, trong chuyến lặn thám hiểm cùng bạn bè ở dãy san hô Great Barrier Reef (Australia), Tom và Eileen Lonergan đã bị bỏ lại đằng sau. Thi thể của cặp đôi không được tìm thấy song giới điều tra cho rằng họ chỉ sống sót được một đêm. Cách hiện trường khoảng 100 dặm, người ta tìm thấy một tấm bảng viết (loại dùng cho thợ lặn) trôi nổi với dòng chữ:

“Thứ hai, 26/01/1998 8 a.m.Gửi đến bất kì ai có thể giúp: chúng tôi đã bị bỏ rơi ở rặng Agincourt bởi tàu MV Outer Edge vào lúc 3 giờ chiều, 25/01/1998. Làm ơn hãy đến đây trước khi chúng tôi chết. CỨU !!!”

Những bộ đồ lặn và áo phao dạt vào bờ biển sau đó không cho thấy dấu vết tấn công của cá mập. Người ta đoán rằng 2 nạn nhân xấu số đã chết vì mệt và mất nước. Bộ phim “Open Water” năm 2003 được xây dựng dựa theo sự kiện này, tuy nhiên cặp đôi trong phim lại nhận kết cục đẫm máu trong hàm cá mập.




Tháng 01/2000, người thợ lặn tên Paul Lucas cũng bị lạc giữa biển cả vì đã đi quá xa bờ. Sau 24 giờ trôi nổi, anh đã dạt vào một hòn đảo và 15 giờ sau đó thì được cứu thoát. Paul bị kiệt sức, mất nước và cháy nắng nhưng rất may mắn là vẫn còn sống sót.

Trôi nổi giữa biển khơi thật là thảm họa, nhưng nếu có thuyền thì đó lại là một chuyện khác - nạn nhân đã may mắn hơn rất nhiều người. Richard Van Pham (62 tuổi) sống sót tới 4 tháng trên chiếc thuyền dài 7m của mình (sau khi sóng đánh gãy cột buồm và khiến thuyền của ông bị trôi dạt). Ông bám trụ cuộc sống bằng cách hứng nước mưa vào xô và ăn cá hoặc mòng biển. Khi được cứu lên bờ, sức khỏe của ông vẫn tương đối ổn định.




Nếu có ngày phải đón số phận trớ trêu như vậy, liệu chúng ta sẽ sống sót được bao lâu? Tất cả còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và những dụng cụ đi kèm. Sau đây, bài viết sẽ phân tích những mối nguy hiểm tiềm tàng cùng 3 tình huống sinh tồn phổ biến nhất.

Sự đe dọa của biển khơi

1. Mất nước




Đây chính là mối nguy lớn nhất đối với bạn khi lênh đênh giữa biển. Nếu có nước, con người có thể sống từ 4-8 tuần ngay cả khi thiếu thức ăn. Tuy nhiên nguồn nước ngọt lại không sẵn có trong trường hợp như vậy và bạn cũng không thể uống nước biển trực tiếp. Nếu thời tiết không thuận lợi, bạn có thể bắt đầu mất nước ngay sau một giờ. Mồ hôi, bài tiết (phân, nước tiểu) và ngay cả việc hít thở cũng là những nguyên nhân dẫn đến mất nước. Nếu có sức khỏe tốt và thời tiết thuận lợi, bạn cũng chỉ có thể sống sót từ 3-5 ngày không có nước.

2. Hạ thân nhiệt




Nước biển thường tương đối lạnh trừ phi bạn đang ở vùng biển Ca-ri-bê. Bạn sẽ nhanh chóng mất nhiệt, đặc biệt là khi cơ thể bị ướt. Hãy tự làm khô mình bằng mọi cách, sau đó giữ ấm bằng các loại vải, gối, chăn… nếu có thể.

3. Cá mập




Nếu bạn có một chiếc thuyền, hãy ở nguyên trên đó. Cá mập là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với người trôi dạt trên biển. Thông thường cá mập sẽ không chủ động tấn công, nhưng nếu đang đói chúng cũng có thể nhầm bạn thành một miếng mồi ngon. Trong trường hợp tồi tệ nhất, hãy thử đấm vào vùng mũi, chọc vào mắt hoặc kéo mang của con cá – nếu may mắn thì bạn sẽ có cơ hội thoát thân.

Những tình huống trôi dạt phổ biến nhất

1. Trên thuyền




Nếu có thức ăn, dụng cụ câu cá và một ít nước ngọt, bạn có thể sinh tồn rất lâu - đến tận vài tháng trong khi chờ người cứu giúp. Ít ra thì chiếc thuyền cũng đem lại một nơi trú ẩn, giúp giữ bạn khô ráo và giảm bớt những mối nguy hiểm từ yếu tố thời tiết. Bạn có thể tự chế tạo những bộ hứng nước mưa, uống ít nhất một lít nước mỗi ngày và ăn cá hoặc động vật trôi nổi. Nếu vận rủi không đem đến một cơn bão lớn nào thì cơ hội sinh tồn của bạn là rất cao đấy.

2. Trên bè/phao cứu sinh




Bè/phao cứu sinh cũng hữu ích như thuyền, có điều khả năng bị chìm của bạn sẽ cao hơn vì chúng có thể bị rách hoặc thủng. Những chiếc bè cứu sinh hiện đại thường được làm bằng chất liệu tốt và trang bị chuông/còi để giúp bạn kêu cứu. Bè cứu sinh có thể chứa được 2 đến 16 người. Những models tốt và đắt tiền nhất (lên tới 4,000$) có thể được trang bị cả những vật dụng sau: mái chèo, sàn cách nhiệt, xô vét, thang, pháo sáng, túi chứa nước, gương phát tín hiệu, băng dính phản chiếu, đồ câu v.v… Nếu bạn thường xuyên phải lênh đênh trên biển, hãy cân nhắc việc mua một chiếc bè cứu sinh tốt – chúng thật đắt nhưng cũng đáng đồng tiền bát gạo.

3. Dưới nước




Giống như trong bộ phim “Open Water”, đây thực sự là viễn cảnh tồi tệ nhất. Nếu có đồ lặn hoặc áo phao thì ít ra bạn cũng nổi được lâu hơn và dễ dàng được phát hiện bởi những người cứu hộ. Nhưng bạn sẽ không thể bắt cá hoặc lấy nước ngọt (hãy nhớ không được uống nước biển, nó chỉ làm cơ thể mất nước mạnh hơn). Nếu bạn đang trôi trong vùng nước lạnh, hãy áp sát đầu gối vào ngực và lấy tay ôm chân. Tư thế này được gọi là H.E.L.P. (Heat Escape Lessening Position), nó sẽ giúp giảm tốc độ mất nhiệt. Trong trường hợp này, bạn có thể cầm cự được 3-5 ngày trước khi hoàn toàn mất nước. Còn nếu có cá mập ư? Chúng tôi hoàn toàn không thể nói được con số chính xác. Hãy chuẩn bị kỹ càng trước mỗi lần ra biển, đừng bao giờ chủ quan và cầu cho vận may mỉm cười với bạn.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)