Tình yêu - giới tính 2009-08-22 10:27:00

Câu chuyện về “vết hồng đặc biệt” của tớ


Nếu tớ không phải là “khổ chủ”, là “nhân vật chính” trong câu chuyện này thì tớ cũng chẳng tin là có cái căn bệnh “quái dị” như thế đâu!!!
Vết hồng xinh xinh

Ngay từ nhỏ, tớ đã mặc nhiên tự hào rằng mình có 1 điều đặc biệt, đấy là một cái vết hồng hồng rất xinh nằm ngay bên dưới “núi đôi” bên trái. Tớ tự hào lắm vì mẹ tớ đã thủ thỉ bao nhiêu lần vào tai tớ, rằng thì là mà chẳng có đứa bạn nào của tớ có cái vết hồng như thế, ngay từ ngày tớ sinh ra đã có nó rồi, nó thật là đẹp, bla bla. Và đúng là sau bao nhiêu lần “thăm dò”, tớ thấy đúng là chẳng đứa bạn nào của tớ có cái vết giống tớ thật, nó cũng xinh nữa, chỉ nhỏ xíu xiu bằng nửa đầu ngón tay út của tớ thôi.




Tớ cứ thích thú như thế suốt 13 năm “ròng rã” cho đến một tháng trước, bỗng nhiên cái vết hồng – xinh – đặc biệt của tớ bắt đầu “dở chứng”. Không còn vẻ “ngoan ngoãn” cố hữu, nó tự nhiên sưng phồng lên, vướng víu và cực kì khó chịu. Mặc dù tớ không hề “mạo phạm” gì vào nó, cũng không va đập vào đâu, thậm chí giữ vệ sinh còn rất rất sạch sẽ, ấy thế mà nó vẫn cứ đỏ bừng lên và sưng tấy. Điều “kinh hoàng” là từ khi nó bắt đầu “béo ra” thì cũng là lúc tớ nhận thấy… sao nó giống với cái “nhũ hoa iu dấu” thế, chỉ khác là nó bé hơn và độ phồng thấp hơn thui. Càng ‘khủng hoảng” hơn là chính mẹ tớ, “chủ nhân” của “học thuyết” “con là người có vết hồng đặc biệt”, cũng… e dè thừa nhận rằng “cái vết hồng xinh xinh” giống một cái nhũ hoa thật. Thế là sau 1 tuần khó chịu, đau đớn (một chút) và “sống trong sợ hãi”, tớ và mẹ đã quyết định đến bệnh viện để “truy tìm sự thật”.

Và “sự thật kinh hoàng”!!!

Đến nơi, sau một hồi khám xét, cô bác sĩ “phán” một câu làm cả 2 mẹ con tớ suýt “bật ngửa”: “Cái này của cháu là một cái vú phụ, tên y học gọi là đa nhũ”. Trong khi tớ và mẹ tớ vẫn chưa kịp “hoàn hồn” thì cô ấy đã “phán” tiếp: “Đây là một dị tật bẩm sinh nhỏ, gồm có núm vú và/ hoặc mô có liên quan, hay có ở trên ngực dọc theo đường vú phôi thai. Vú phụ có thể có đầy đủ mô vú và các ống dẫn sữa, tiết sữa hoặc chỉ có một phần mô vú như của cháu”. Mãi đến lúc này tớ mới “lấy lại bình tĩnh” (tớ vẫn chưa quen với “sự thật kinh hoàng” là tớ lại có “núi đôi” chính, rồi lại có cả… “núi đôi” phụ nữa): “Cô ơi, sao cháu lại bị vú phụ ạ? Bạn bè cháu không có ai bị cả”.

Ừ, thực ra đây là một dị tật thường gặp, không phải là quá hiếm hoi như cháu nghĩ đâu. Vú phụ thường có do di truyền, có trường hợp di truyền tới 4 thế hệ khác nhau.

Mẹ tớ lúc này mới “chen” vào: “Thế mà tôi cứ tưởng nó chỉ là một vết bớt nhỏ cô ạ. Vì từ bé đến giờ nó chỉ nhỏ nhỏ hồng hồng như thế, mãi đến gần đây mới sưng lên như thế này”.

Cô bác sĩ cười: “Vâng, nhiều người nhầm như chị lắm. Vì thông thường vú phụ rất khó nhận biết do không có triệu chứng gì. Sau khi đẻ, có thể ta không nhận ra em bé có vú phụ vì chỉ là một nốt sắc tố nhỏ hay hơi lõm, đa phần vú phụ chỉ bằng 1/3 núm vú bình thường, số còn lại to bằng một nửa vú bình thường và rất ít trường hợp to bằng vú thường, do đó rất dễ bị lầm với các tổn thương khác. Đôi khi chỉ nhận thấy có vú phụ khi cơ thể có những thay đổi về hormone như ở tuổi dậy thì như cháu nhà mình bây giờ, hoặc khi hành kinh, hay khi có thai mới thấy tăng sắc tố, phồng to lên, cương đau hoặc thậm chí tiết sữa”.




Cô ấy vừa dứt lời, tớ vội hỏi tiếp (tại tớ lo lắng quá): “Cô ơi, thế “cái tí” của cháu nó bị sưng phồng lên thế này là có bất thường, có nguy hiểm không ạ?”

Không hề nguy hiểm cháu ạ. Vì đây thực chất không phải là một bệnh, chỉ là dấu vết còn sót lại của thời kỳ thai phôi trong bụng mẹ thôi. Cháu chỉ có một vú phụ, có người còn có 2, 3, thậm chí cô còn gặp trường hợp có cả 5 vú phụ cơ. Với trường hợp của cháu, chỉ cần cắt bỏ là xong.

Nghe cô ấy nói có người có đến… 5 vú phụ, tớ vừa choáng vừa mừng vì… mình chỉ có 1 cái: “Tận 5 cái hả cô? Thế thì nó nằm ở đâu ạ? Có giống như của cháu không ạ?”

Ừ, cũng như của cháu thôi. Vú phụ thường phân bố ở cả 2 bên hoặc chỉ 1 bên ngực, có thể đối xứng hoặc không. Chúng thường nằm dưới núm vú bình thường, một số ở phía trên nhưng vẫn nằm dọc theo đường vú. Tuy nhiên, khoảng 50% vú phụ bị lạc chỗ, tức là nằm ngoài đường vú như lưng, vai, tay chân, cổ, âm hộ, và cả mặt nữa.

Mẹ tớ ngồi cạnh xuýt xoa: “Ôi giời ơi lại còn có cả ở mặt nữa cơ à? Thế thì cháu nhà tôi may quá! - Cắt bỏ vú phụ này có phức tạp không hả cô?”





Cô bác sĩ cười nói: “Không quá phức tạp đâu chị ạ. Một số người có vú phụ nằm lạc chỗ hoặc còn kèm theo các hội chứng khác như Turner, thiếu máu Fanconi, viêm thận, thậm chí ung thư – thì cần phải cân nhắc và việc cắt bỏ cũng phức tạp hơn. Trong những trường hợp này phải kiểm tra bằng siêu âm và làm các thăm dò khác. Nhưng trường hợp của cháu cũng đơn giản thôi nên sẽ nhanh và chóng khỏi, chị đừng lo”.

Đúng như cô bác sĩ nói, sau một cuộc “cắt – cắt và cắt”, tớ đã “bye bye” cái cảm giác vướng víu khó chịu và phồng sưng ở ngực. Vết hồng nhỏ xinh đặc biệt dĩ nhiên không còn (thay vào đó là một chấm sẹo bé xíu xíu), nhưng tớ cũng không lấy làm buồn, vì đến bây giờ thì với cả 2 mẹ con tớ, cái chấm sẹo í lại thành đặc biệt, bởi nó cho tớ biết là tớ đã may mắn đến như thế nào.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)