[justify] Thường thì mới nghe từ “ăn chơi”, một động từ trong tiếng Việt ghép giữa 2 hành động ăn và chơi, người Việt mình có cảm giác là đó là hành động mang hàm ý xấu. Nhưng thực tế không phải cứ “ăn chơi” là xấu, bởi khi con người có đủ danh vọng, kéo theo có tiền tài, thì lẽ thường việc đầu tiên là phải ăn chơi cái đã. Dù gì đời người cũng đâu phải là mãi mãi, không ăn chơi nó phí, với lại lẽ đời ai cũng muốn có “thời oai hùng” tuổi trẻ (chỉ khoảng chục năm là cùng), vậy nên ai đó có ăn chơi thì cũng đừng vội nghĩ họ xấu, đặc biệt liên quan tới giới cầu thủ, những người mà từ trước đến nay vẫn luôn phải (và bị) gắn với 2 chữ “ăn chơi”.
Tất nhiên, cái gì cũng có 2 mặt tốt và xấu, vì chẳng có chuyện nào là hoàn hảo, ăn chơi cũng thế, cũng giống như chuyện xã hội Việt Nam tiếp thu nền văn hóa ngoại nhập, người thì học cái tốt, những cũng không ít kẻ chỉ biết nhận cái xấu. Mà cầu thủ cũng là con người, vậy nên nếu nghĩ họ học đòi tính ăn chơi của các ngôi sao nước ngoài thì cũng hãy nhìn vào cả những mặt tích cực.
Giải Ngoại hạng Anh từ những năm 90 ở thế kỉ trước đã len lỏi khắp ngõ ngách của đất nước và người hâm mộ Việt Nam có khi thuộc "sử" bóng đá Anh còn hơn bóng đá nội, thế nên những chuyện ăn chơi của giới cầu thủ Anh như thế nào, ta ngồi nhà chỉ cần lưới net là biết hết. Giới cầu thủ Việt cũng vậy, phần lớn cũng là những fan của Premier League, của những cầu thủ “quen mặt” hàng ngày như Rooney, Terry, Lampard, Gerrard…, vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi họ cũng chịu ảnh hưởng của những đồng nghiệp xa tít tại xứ sở sương mù.
Lamborghini Gallardo cũng chưa nhằm nhò gì với cầu thủ Việt nếu muốn |
Anh chàng Rooney mua xe hàng trăm nghìn đô, thì cầu thủ chúng ta đâu có kém cạnh. Khoan tính giá trị xe, bởi thuế nước bạn đâu thể giống ta, nhưng tính về giá trị đồng tiền bỏ ra và so sánh với tỷ lệ tiền tệ ở Việt Nam thì cầu thủ nội cũng ở hàng cùng đẳng cấp. Lamborghini Gallardo của Rooney thì cũng có giá trên dưới 200.000 đô la, vị chi tầm 4 tỷ tiền Việt, số tiền mà hiện nay đầy cầu thủ Việt đang sở hữu những chiếc xe bằng phân như thế. Không dám nói về xe “độc” so với ngôi sao bóng đá Anh, nhưng về giá trị và đẳng cấp trong một xã hội, thì cầu thủ Việt nào có thua (thậm chí hơn!).
Xe “ngon” thì phải có nhà đẹp. Cầu thủ Anh thường khoái ở biệt thự xây ở những nơi yên bình xa sự ồn ào của thành phố thì cầu thủ Việt dĩ nhiên chẳng mấy ai có thể chạy theo cái “mốt” thời thượng đó. Nhưng đó là nói về khoản bề thế của nhà cửa, chứ ở đất nước “tấc đất tấc vàng” như Việt Nam, thì phải so đo với mặt bằng chung của xã hội mới đánh giá khả năng ăn chơi của giới quần đùi áo số nước Việt. Lương cầu thủ Anh thì hàng chục tới trăm nghìn/bảng tuần thì lương cầu thủ Việt cũng phải tính hàng chục (thậm chí còn phong phanh có anh đạt tới đẳng cấp “trăm”) triệu/tháng. Thêm lương thưởng, quảng cáo và cả làm ăn kinh doanh bên ngoài, cả năm có cầu thủ nội thu nhập hàng tỷ là việc quá đỗi bình thường. Có tiền hay nhất là đầu tư bất động sản và chuyện cầu thủ Việt có người sở hữu vài ba căn hộ giá mỗi căn chục tỷ (nửa triệu đô la) hay thậm chí vài chục tỷ (vài triệu đô la) thì cũng là lẽ thường.
Hết xe, hết nhà thì đến… WAGs (ở Anh là nói tới bồ và vợ cầu thủ). Cầu thủ Anh cặp kè chân dài, siêu mẫu của họ thì ở ta cũng đâu khác gì. Đã là cầu thủ, là người nổi tiếng, lại đẹp từ trong túi đến bên ngoài thì đâu chả có những mỹ nhân sẵn sàng “chết”. Xưa thì “đại gia” đi đôi “chân dài” thì nay nhiều cầu thủ cũng là đại gia chứ đừng hỏi. Thế mới có chuyện vài cầu thủ ngôi sao nội cứ tụ tập là ầm ĩ chuyện khoe “thành tích” cưa đổ bao em mét bảy “hot girl”. Vậy nên cứ tưởng Cristiano Ronaldo mới có bộ sưu tập mỹ nữ mà dè bỉu CR7 trăng hoa, ngay tại Việt Nam còn có cơ mà.
Đừng tưởng ở Anh mới có, Việt Nam cũng có WAGs (hình minh họa) |
Tiền thì cũng sinh tật, vậy nên nhan nhản trên báo chí vừa qua là những vụ scandal đình đám: nào là Terry ngủ với vợ bạn, nào là Rooney qua đêm với gái gọi trong lúc vợ mang bầu, nào là SAO Ngoại hạng dính scandal Sex… Ở Việt Nam thì chuyện đó vẫn nằm trong vòng bí mật, hoặc nếu gia đình cầu thủ nào có “chuyện” thì thôi, dĩ hòa vi quí. Nhưng chắc chẳng mấy cầu thủ dám tự nhận mình “trong sáng”, chuyện đi nhà nghỉ hay thi thoảng “vui vẻ” cùng anh em sau một trận thắng là chuyện xưa như diễm, chẳng qua với nhiều cầu thủ cũng chỉ là chuyện bình thường như bao chuyện “phình phường” khác mà thôi. Cũng may báo chí ở Việt Nam cũng khác, chứ nếu cũng soi mói tận chân tơ kẽ tóc như ở Anh, chắc hẳn cũng khối chuyện vui để mà bàn.
Thế mới biết, không phải cứ ở giải Ngoại hạng mới có những cầu thủ “đại gia” cùng scandal, ngay bóng đá Việt cũng có chẳng ít. Nhưng nên chăng như lời dạy bất hủ “tiếp thu phải có chọn lọc”, “ăn chơi” tốt thì chẳng sao, chứ “ăn chơi” xấu thì sớm muộn cũng lòi đuôi và lúc đấy có lẽ không phải chỉ những câu chuyện “SAO Ngoại hạng dính…” mà có khi “SAO V-League dính…” cũng không biết chừng.
[/justify]