Một nữ sinh sắp lên lớp 12 nói trong nước mắt: "Cứ đến bữa cơm là cha mẹ lại bắt đầu càm ràm, nhiếc móc con đủ điều, từ chuyện học hành đến công việc nhà, so sánh con với bạn bè. Bữa cơm mà như địa ngục. Có lần con đứng dậy bỏ ăn luôn…".
Một người mẹ giọng ngắt quãng khi kể về kỷ niệm cậu con trai duy nhất đấm tay vào tường đến tóe máu vì bị cha nghi oan lấy tiền và hai cha con rất ít trò chuyện với nhau.
Đó chỉ là hai trong số khá nhiều nỗi niềm mà các bậc phụ huynh, bạn trẻ chia sẻ tại tọa đàm “Đối thoại cùng con - Dễ hay khó” vào sáng nay 11-6 tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM. Chương trình do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức.
Cha mẹ vừa là "thầy", vừa là "bạn" của con là một trong những yếu tố giúp đối thoại với con dễ dàng hơn - Ảnh chỉ mang tính minh họa: Khểnh |
Đủ kiểu gút mắc
Chị Ngô Thị Hồng Thắm (P.15, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cảm thấy khó bắt nhịp với đứa con 9 tuổi: “Mỗi khi tôi hỏi: Sao con đi học về trễ vậy? Sao con nói chuyện trong lớp? Cháu lại bực bội trả treo: Tại con đi đường vòng, con chỉ trao đổi bài chứ có nói chuyện đâu?”.
Thạc sĩ Hà Trung Thành (đứng, bìa phải) - giảng viên Trường Cán bộ TP.HCM - chia sẻ về những nguyên tắc quan trọng cần nắm để cha mẹ có thể đối thoại cùng con - Ảnh: Trung Uyên |
Đồng cảnh ngộ, chị T.H.N. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) từng không kiềm chế được và tát con đến chảy máu miệng khi con "cãi tay đôi với mẹ": “Tôi nói một câu, con đáp ngay lại hai ba câu. Nhiều lần như vậy nên tôi mới tát con. Phải mất một thời gian dài tôi và con mới hóa giải được mâu thuẫn đó”.
Thạc sĩ Hà Trung Thành gợi mở: "Có phải mỗi khi con đi học về, những câu đầu tiên cha mẹ thường hỏi là: hôm nay được mấy điểm? Có kết quả đứng thứ mấy trong lớp chưa? Đi đâu mà bây giờ mới về? Và không ít khi hỏi những câu ấy với vẻ mặt bực bội, căng thẳng?". Hàng loạt cánh tay phụ huynh đưa lên.
Những gợi ý phạt con sao cho đúng - Không phạt khi nóng giận. - Không đánh, mắng. Cần phân tích đúng - sai. - Không phạt khi có người thứ ba. - Làm cho con yêu mến, tin, phục. Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy |
Nhiều bạn trẻ cũng đang cảm thấy không thoải mái, tự nhiên khi trò chuyện với ba mẹ.
Bạn H.M.T.A. (Q.1, TP.HCM) không muốn nói chuyện với ba vì lúc nào cũng bị ba kết tội: “Mình không thể quên việc bị ba dùng cán chổi đánh chỉ vì đi học về trễ. Sao lúc đó ba không hỏi mình có gặp vấn đề gì trên đường về hay không mà kết luận ngay rằng: Mày là đứa hư hỏng, tối ngày chỉ biết rong chơi ngoài đường, giỏi thì đi luôn đi!”.
Để yêu thương không lạc nhịp
Con ít tâm sự với cha mẹ mà thường tìm đến bạn bè là bức xúc của không ít phụ huynh. Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính cơ sở TP.HCM) liệt kê những yếu tố tạo nên khoảng cách cha mẹ - con cái: khoảng cách về tâm lý theo lứa tuổi; về kiến thức văn hóa và kiến thức sư phạm; về văn hóa truyền thông như Internet, điện thoại di động.
Và để xóa nhòa những khoảng cách này, thạc sĩ Phạm Thị Thúy gợi ý: "Các bậc cha mẹ hãy xem mỗi đứa con là một người đặc biệt, duy nhất từ đó tôn trọng con; yêu con đúng cách, dành thời gian cho con, làm bạn với con, biết lắng nghe con, tạo môi trường tốt cho con phát triển, làm gương tốt cho con, cho con tổ ấm yêu thương".
Cùng học, cùng chơi với con sẽ giúp gắn kết tình cảm ruột thịt - Ảnh minh họa: Khểnh |
Hạn chế hiểu nhầm ý của con là điều thạc sĩ Hà Trung Thành lưu ý: "Khi đứa con thấy mẹ làm việc vất vả, liền đến bóp vai mẹ. Lập tức, mẹ nói: "Định xin tiền hả?". Đứa con mất hứng ngay, rồi buồn bã. Cha mẹ cần chọn lọc từng cử chỉ, lời nói với con".
5 nguyên tắc quan trọng để cha mẹ có thể đối thoại cùng con: - Biết bỏ qua những lỗi lầm của con. - Biết chấp nhận cá tính của con: không thể quy đồng tích cách con như quy đồng mẫu số, vì vậy hãy giúp con phát triển cá tính. - Tập trung tìm hiểu sở thích, cảm xúc của con. - Không đánh mất niềm tin vào con. - Chia sẻ với con: cha mẹhãy trò chuyện thân mật với con, biết xin lỗi, cảm ơn con; âu yếm, vỗ về con một cách tích cực. Thạc sĩ Hà Trung Thành |
TRUNG UYÊN - HỒNG THẮM
(trích báo Tuổi Trẻ)