Dân chơi 2011-09-09 15:23:01

Chân dung đại gia từng kiếm... 3 tấn vàng


Từng được mệnh danh là người giàu nhất Hải Phòng, thậm chí giàu nhất Việt Nam, có thời, Hải "đồ cổ" sở hữu tài sản lên tới… 3 tấn vàng.




Chân dung doanh nhân Hải "đồ cổ"

"Có lẽ tôi sinh… nhầm thời"

- Ông có thể mô tả “thời hoàng kim” của Hải “đồ cổ”?

Hải "đồ cổ" tên thật là Bùi Xuân Hải, sinh năm 6/12/1943.

Quê gốc: Thôn Bình Hồ, Xã Quảng Lãng, Huyện Ân Thi, Hưng Yên. Nhưng gia đình sống ở Hải Phòng từ năm 1927.

Sinh ra trong gia đình có 10 anh chị em, là con trai cả trong gia đình.

Tốt nghiệp khoa địa lý, Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội niên khóa 1962 – 1965.

Giành giải thưởng: Giải nhì địa lý Quốc Gia, Giải nhì cuộc thi Lê Nin trong lòng chúng ta (1970), Giải thưởng chủ nghĩa Lê Nin và vấn đề Dân tộc (1972), cùng rất nhiều huy chương vàng về sáng tác mẫu mã gốm sứ.

Tuy không còn là cái tên lừng lẫy trong giới doanh nhân, thế nhưng, Hải “đồ cổ” vẫn luôn khiến nhiều người kính nể về sự thông minh, vốn hiểu biết sâu rộng.

- Tôi có hai thời hoàng kim. Lần thứ nhất khởi nghiệp từ 11 con ngan, bắt đầu từ tháng 9/1966, tôi biến nó thành rất nhiều kho đồ cổ. Nếu tôi nhớ không nhầm trên toàn quốc tôi có khoảng 300 điểm chứa đồ cổ. Có điểm mang giá trị vài cây vàng, vài trăm cây thậm chí lớn hơn. Quy ra vàng, theo đánh giá của cơ quan CA khoảng chừng trên 3 tấn, theo giá thấp nhất khi đó. Theo giới đồ cổ, giá đồ cổ tăng nhanh gấp 10 giá vàng. Kho đó mà giữ được đến bây giờ thì là tài sản lớn của quốc gia.

Tôi nhớ mãi kỷ niệm hôm đó là gần khai giảng, tôi dậy rất sớm, khi đó tôi dạy học, nuôi 3 đứa em. Tôi ra gần cổng trường thì thấy có một bà gánh hàng đi qua, trong đó có một đàn ngan, đếm được 11 con xinh quá. Bà ấy bảo, anh mua giúp tôi nhé.

Mặc cả mãi 2 đồng 1 con, nhưng trong túi tôi khi ấy chỉ có hơn một đồng. Thấy đàn ngan đẹp quá, trong đầu đã tính ngay cách sinh lời, tôi liền vào vay hiệu trưởng được 22 đồng. 11 con ngan, tính toán làm thế nào nuôi không phải mất thóc gạo cho nó ăn, 4, 5 tháng thì tôi mua được 1 đàn vịt. Nhưng đàn vịt vài chục con tôi nuôi lãi hơn ông chủ 150 con. Từ vịt, có một số tiền giắt lưng, tính ra bằng khoảng vài triệu bây giờ.

Tôi rất giỏi về mỹ thuật, nhìn cái đẹp tinh hơn người khác, kiên trì và có phương pháp để mua bán tối ưu nhất. Nhờ chăn nuôi có 3-4 cây vàng, cộng với việc… bán đi những giải thưởng đạt được khi ấy có khoảng 17 cây vàng. Người ta để dành, tôi đem bán đi, bắt đầu mua vài món đồ cổ.

Một chỉ vàng khi ấy có thể mua được rất nhiều món, lãi hàng chục lần. Sau nhiều lần quay vòng, tôi mua hàng ô tô, hàng nhà đồ cổ. Một vốn 4 lời, 14 lời thậm chí 140 lời.

Thời hoàng kim thứ 2, vào cuối năm 1987, đầu tháng giêng 1988, tôi xây được 5 xí nghiệp, một trường dạy nghề, 2 chi nhánh kinh doanh ở Hà Nội và Sài Gòn với 100 công nhân. Đến tháng 6/1990, số lao động của tôi đã lên tới con số 4.000.

Để so sánh hữu hình về độ “giàu có” của Hải “đồ cổ” những năm 1980, 1981, tôi có thể lấy ví dụ thế này: Ở đất Hải Phòng xếp ra 100 người giàu nhất, cộng từ 2 đến 100 cũng không bằng tôi. Vợ con tôi cũng không bao giờ biết nổi tôi có bao nhiêu tiền.

- Vậy còn Hải “đồ cổ” của ngày hôm nay thì sao?

- Nói một cách rất chân thật, nếu không tính những gì “người ta nợ tôi”, tài sản tôi đang nắm trong tay có đến hơn 30 % là nợ. Nói một cách khác là trắng tay… (cười)

- Người ta vẫn còn nhắc đến resort Tiểu Đồ Sơn lừng lẫy của ông và dự án xây “lâu đài” vương quốc gốm sứ từ hàng chục năm trước. Nhưng hiện nay, Tiểu Đồ Sơn bị cỏ mọc tràn, còn lâu đài vương quốc gốm sứ vẫn chỉ là viễn tưởng, sự thất bại ấy là do Hải “đồ cổ” không nhạy bén trong kinh doanh hay còn vì lý do nào khác?

- Không, tôi có thể khẳng định nói về kinh doanh, tôi nhanh nhạy không kém bất cứ ai. Tôi đã từng “đầu têu” xuất khẩu sứ và gỗ mỹ nghệ, khi đó xuất khẩu đánh thuế rất nặng, mở màn cho cả nước xuất khẩu sứ mỹ nghệ. “Vàng hóa” đồ gốm sứ và kiến trúc, ở Việt Nam tôi cũng là người đi đầu…

Làm kinh tế, 4 lần “vào tù ra tội”. Nhưng có lần bị bắt giam, sau đó tôi lại được tuyên bố trắng án, khi thì vướng tội “đầu cơ không trục lợi”, khi lại dính án mua đất đai… Mỗi lần như thế, tài sản của tôi lại hao hụt đi đến 80 – 90 %.

Có người nói với tôi, “Suy đến cùng, anh có một cái lỗi là quá giỏi, quá giàu, và quá thông minh. Anh đi trước thời đại xa quá”. Tôi thấy đúng!

- Tự nhận mình tài giỏi, Hải “đồ cổ” có sợ thiên hạ chê… ngông?

- Tôi nghĩ, người kinh doanh giỏi trước hết phải biết mình, hiểu rõ về khả năng của mình. Tôi chỉ nói sự thật.

- Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, trở thành nhà kinh doanh lừng lẫy, 4 lần vào tù rồi tay trắng, ông có nghĩ mình thiếu may mắn?

- Không hẳn thế, có lẽ tôi đã sống thật quá, bị một số người chơi xấu, ghen tỵ với tôi. Có lẽ, sinh ra nhầm thời, nếu bây giờ Hải Đồ cổ 30 tuổi thì tốt.

“Tôi là một động vật kinh tế”

- Được biết Hải “đồ cổ” đã viết đề án biến Việt Nam thành cường quốc trong 30 năm nữa và mới đây đã trình chính phủ “Huyết tâm thư” viết về các vấn đề kinh tế, sự mâu thuẫn trong một số chính sách kinh tế, và đề xuất các giải pháp cho nền kinh tế hiện tại. Ông đã viết bức “Huyết tâm thư” này bao lâu và với mục đích gì?

- Mục đích chính của tôi là muốn ngăn sự sa sút của kinh tế đất nước. Và cũng như bao người dân yêu nước khác, tôi mong muốn kinh tế Việt Nam phát triển một cách bền vững.

Bức tâm thư dài 28 trang, tôi đặt bút viết trong khoảng tháng 5/2011 nhưng sau đó lại xóa đi bắt đầu lại vào ngày 9/6, ngày hoàn thành là 27/7, kéo dài bổ sung đến 9/8 thì tôi đem gửi lãnh đạo quốc gia.

Nghĩa là, nếu tính về mặt thời gian là khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, thời gian để nghiền ngẫm, để học và đọc các vấn đề kinh tế thì đã được 54 năm rồi.

Tôi tự nhận mình là động vật kinh tế. Những sự biến chuyển của kinh tế, nó khiến tôi say mê vô cùng và có nói vài ngày cũng không biết chán. Từ cái thời tôi còn là giáo viên giảng dạy môn địa lý, lương tháng chưa đến 47 đồng, thì tôi cũng mất ít nhất ¼ lương để mua sách kinh tế, dù cho khi ấy phải nuôi 4 miệng ăn.

Tôi giữ thói quen ấy cho đến tận bây giờ. Dù ngày bận rộn hay rảnh rỗi, tôi đều dành thời gian nghiên cứu về các vấn đề kinh tế. Viện nghiên cứu của tôi là thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, tôi theo dõi báo đài, tivi cùng nhiều tài liệu tham khảo khác.

Tài liệu kinh tế tôi yêu thích nhất là cuốn “Tư bản luận Các Mác”, “Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy” do một nhà kinh tế nổi tiếng của Hàn Quốc viết cách đây 7-8 năm, “Bí ẩn của vốn” của một nhà kinh tế Peru… Hiện tại, tôi đang đọc một số cuốn viết về Keynes….

Một số đề án của Hải "đồ cổ"

- Nhưng nhiều người nói, đề án biến Việt Nam thành cường quốc trong vòng 30 năm nữa là không tưởng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nếu đi đúng hướng, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

So với Hàn Quốc và Trung Quốc, hai nước phát triển mạnh hiện nay, chúng ta có nhiều điểm thuận lợi hơn họ. Thứ nhất, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Thứ hai, ta rất mạnh về nông sản như: hồ tiêu, điều, gạo, cao su, cà phê… đều đứng thứ hạng cao trên thế giới. Thế giới lo an ninh lương thực, ta lại có thể xuất khẩu, rất hiếm nước có điều này.

Tài nguyên sinh thái du lịch của chúng ta rất đẹp. Việt Nam có rất nhiều vịnh đẹp như: Nha Trang, Lăng Cô, Hạ Long…

Vị trí địa lý, địa kinh tế và địa chính trị đều rất thuận lợi. Chúng ta có một dải bờ biển, nằm đúng trên con đường hàng hải sầm uất nhất thế giới, nối liền 3 châu lục, chiếm đến 6/7 dân số thế giới….

Chúng ta là một dân tộc tuyệt vời, với những cá nhân kiệt xuất, GS.Ngô Bảo Châu là một ví dụ. Ngoài ra, còn rất nhiều yếu tố khác mà tôi đã đề cập trong đề án.

- Trong mỗi đề án, và “Huyết tâm thư” của ông đều có rất nhiều ý kiến nói thẳng, nói thật, là một nhà kinh doanh ông không sợ “đụng chạm”?

- Không, tôi không sợ! Tôi nói với tấm lòng tôn trọng, kính yêu và trách nhiệm nhất, nói để xây dựng đất nước thì sao tôi phải sợ.

Bức tâm thư của tôi, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo dùng làm tài liệu tham khảo, phục vụ nhiệm vụ được giao…

Một số mẫu gốm sứ của Hải "đồ cổ".

Một lò sản xuất gốm của Bùi Xuân Hải.

- Sau gần 50 năm kinh doanh và 54 năm nghiên cứu, điều mà Hải “đồ cổ” tự hào nhất và tiếc nuối nhất là gì?

- Điều tôi tự hào nhất là luôn tìm cho mình con đường đi độc đáo. Luôn muốn hơn người và khác người.

Chẳng hạn như, tôi đã “vàng hóa” sứ đưa vào dân dụng và kiến trúc. Cụ thể đưa vàng vào 2 công trình: Vòm trần vàng của ông Mai Thế Uyên ở khu Vườn Đào Hà Nội, Phòng khách của chủ tịch Tập đoàn nhân nghĩa ở 25 Lê Đại Hành. Ngoài ra, tôi dùng vàng vẽ lên sứ, không dùng nguyên liệu nào khác, chỉ vẽ bằng tay… Điều này ở Việt Nam, tôi là người khởi xướng.

Điều tôi tiếc nuối nhất là thời gian của tôi không còn nhiều, giờ Hải “đồ cổ” đã ngót nghét 70 rồi, mà tôi còn muốn làm việc nữa, phấn đấu hơn nữa….

Ngoài ra, tôi cũng có thiệt thòi là dành quá ít thời gian cho gia đình. Nhưng may mắn vì vợ con tôi ủng hộ. Tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái, chúng không chỉ ủng hộ bằng lời, mà còn đi theo công việc kinh doanh của tôi.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)