[size=2]
Khâm phục nghị lực phi thường của Tuấn, cô học trò nhỏ Cao Thị Phương đã nói một câu bất hủ: "Nếu không lấy được thầy Tuấn, tôi sẽ chết".[/size]
[justify]Năm 13 tuổi, từ một cậu bé khôi ngô tuấn tú và đầy hoài bão, Tuấn bỗng dưng bị liệt nửa người, hai chân tê liệt. Biết mình là nạn nhân của chất độc da cam do ảnh hưởng từ người bố, Tuấn đã khóc ròng cả năm trời cho số phận hẩm hiu của mình. Nhưng không đầu hàng số phận, Tuấn đã vượt qua tất cả những hạn chế của cơ thể để trở thành một nghệ sĩ với những bức ảnh để đời.
Tình yêu như trong cổ tích của chàng nghệ sĩ tàn tật và cô học trò can đảm khiến ai ai ở vùng quê lúa huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng phải cảm phục.
Nỗi đau cuộc đời
Từ khi lớn lên, Phạm Văn Tuấn (SN 1979) đã phải chứng kiến nỗi đau của gia đình, khi bố đi chiến trường về phải nằm một chỗ do di chứng của chất độc da cam. Một mình cùng mẹ phải cáng đáng việc lớn, trong đó áp lực kiếm đồng tiền bát gạo nuôi cha và năm đứa em khiến tuổi thơ của Tuấn đầy vất vả.
Nhưng rồi, cuộc đời có ai học được chữ ngờ, bởi lúc đang là chỗ dựa lớn nhất của gia đình, thì bi kịch lại xảy ra với chính bản thân Tuấn. Năm Tuấn tròn 13 tuổi, Tuấn bỗng dưng thấy nhói đau ở lưng, rối cứ thế, lan khắp xuống phần dưới của cơ thể.
Tưởng chỉ là đau nhức do làm việc quá sức, nhưng một tuần sau, mọi thứ càng tồi tệ hơn. "Những cơn đau liên hồi không ngớt, tôi kêu la gào thét. ít ngày sau, chân tôi không còn cảm giác nữa, tôi đã khóc rất nhiều bởi mọi thứ đến quá nhanh", anh Tuấn nhớ lại.
Mẹ Tuấn đã bán hết lợn, gà trong nhà, đồng thời đi vay khắp làng trên xóm dưới để có ít tiền chữa trị cho anh. Gom góp mãi được 5 triệu đồng, gia đình đưa Tuấn ra BV Bạch Mai để điều trị. Sau khi chụp phim, bác sỹ kết luận anh bị viêm đa khớp xương cấp tính mà di chứng là toàn bộ xương sống, xương cổ, xương tay cứng đờ, không thể cử động, cơ hội chữa khỏi là gần như không có.
Hơn một năm điều trị, bao nhiêu tài sản trong gia đình đều đội nón ra đi, số tiền vay của anh em, ngân hàng lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng bệnh tình anh không hề thuyên giảm.
Chữa mãi mà không khỏi, tiền bạc thì đã cạn, nên sau khi bàn với nhau, gia đình đưa anh về nhà và cũng tính luôn chuyện hậu sự. Thời điểm này, cơ thể anh lạnh ngắt, không ăn không uống được gì, bố mẹ ngất lên ngất xuống vì thương cho tuổi đời của con còn quá ngắn ngủi.
May mắn chết đi sống lại, nhưng các khớp xương cột sống, xương cổ vẫn cứng không có tiến triển gì, anh như người bại liệt. Một thời gian sau, nhờ xe lăn, anh có thể đi đây đi đó ra khỏi nhà và bỗng nhiên, khát khao học chữ lại trở nên cháy bỏng.
Sau rất nhiều những lựa chọn, suy nghĩ, anh đã thống nhất bàn với bố mẹ xin học cái nghề gì nhẹ nhàng lại phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Anh đã vào TP.Vinh xin học một lớp đồ họa và nhiếp ảnh với khát vọng trở thành nghệ sĩ “làng”.
Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi Tuấn tỏ ra có năng khiếu với những tác phẩm vẽ tranh cực kỳ ấn tượng. Ngay khi tốt nghiệp trở về, Tuấn đã mở lớp dạy vẽ, chụp ảnh và bắt đầu trở nên nổi tiếng từ đó. Và cũng chính từ đây, anh gặp Phương, cô học trò nhỏ và cả hai đã cùng nhau tạo nên một câu chuyện tình cảm động khắp cả vùng.
Tình yêu như cổ tích
Cảm phục trước nghị lực và tài năng của anh nghệ sĩ tàn tật, rất nhiều cô cậu học sinh trong vùng đã tìm đến xin học. Trong số này, Tuấn để ý cô học trò nhỏ Cao Thị Phương (SN 1986), người thường xuyên chia sẻ với Tuấn những suy tư về cuộc sống. Đặc biệt, sau mỗi giờ học, Phương thường ở lại dọn dẹp, chia thuốc, lo bữa ăn cho thầy xong khi đó mới yên tâm ra về.
Tưởng rằng cô học trò thương cho số phận hẩm hiu của mình nên quan tâm, nào ngờ một ngày nọ, sau khi tan học, Phương gặp riêng thầy và bảo rằng: "Thầy ơi, em yêu thầy". Nghe xong, anh Tuấn chỉ cười, anh tàn tật không dám nghĩ tới điều đó, mà cũng tin chắc rằng, họ đùa thôi chứ ai dám lấy mình làm chồng.
Anh Tuấn chia sẻ: “Nhiều đêm tôi không ngủ được, không thể để Phương hy sinh cả đời vì tôi, con đường của Phương còn dài, rộng mở, Phương sẽ lấy một người chồng lành lặn, tương lai tươi sáng hơn.
Nghĩ nhiều, cuối cùng tôi đã ngồi nói chuyện thẳng thắn với Phương, em đừng nên yêu thầy, đến khi nặng lòng khó dứt ra được. Thầy tàn tật, em khỏe mạnh nên hãy tìm một người khác cho xứng đáng.
Tôi chưa dứt lời thì Phương đã khóc oà và thốt lên: "Em không thể xa thầy được, em đã suy nghĩ nhiều lắm rồi, em nguyện cùng thầy đi hết con đường này. Cuộc đời này em không thể sống nổi nếu thiếu thầy. Nếu không lấy được thầy, em sẽ chết. Tuyên bố của Phương khiến cho tôi bắt đầu phải suy nghĩ nghiêm túc về thứ tình cảm mà cô học trò nghèo dành cho mình”.
Họ đã yêu nhau, thể hiện công khai với tất cả, nhưng để đến được với nhau là cả một câu chuyện dài, khi bố mẹ Phương đã có lúc tuyên bố từ mặt, nếu Phương lấy Tuấn làm chồng.
Đã nhiều lần bố mẹ Phương gọi điện cho Tuấn để cảnh cáo: "Nếu cháu thương Phương thật lòng thì cháu hãy làm cách gì đó cho nó ghét cháu đi, còn không thì cháu là người gây họa cho cuộc đời Phương đó, cháu sẽ phải hối hận đấy”.
Tuấn ngậm ngùi trả lời: “Cháu không thể làm được bác ạ, cháu không làm hại cũng không dùng thuốc mê để giành lấy Phương, cháu chỉ có tình yêu dành cho Phương. Cháu biết cháu là người không lành lặn, tàn tật, nhưng cháu với Phương yêu nhau thật lòng, chúng cháu không có tội tình gì cả”.
Cũng bởi sự cấm đoán mà hai người đã nghĩ ra cách chinh phục khá “độc” khiến giờ nhớ lại, anh chị đều cười thẹn thùng. Chuyện là đứng trước tình hình khó xử đó, anh chị đã nghĩ ra cách là mang bầu trước, cũng là để chứng minh anh Tuấn vẫn có khả năng đàn ông, vừa đẩy cho sự việc tiến sâu, không thể ngăn cản được nữa. Không ngờ kế sách đó lại thành công, khi đằng ngoại chấp nhận, để Phương lấy Tuấn làm chồng.
Từ câu chuyện cuộc đời đầy éo le, đến mối tình với cô học trò nhỏ, Tuấn đã khiến tất cả phải khâm phục. Hạnh phúc là biết nỗ lực, đấu tranh và nó dành cho tất cả mọi người chứ không của riêng ai.
Đơm hoa kết trái
Đám cưới của người nghệ sĩ “làng” này là một đám cưới đặc biệt, bởi sự tham gia của rất nhiều người. Dù phải ngồi trên xe lăn, nhưng khuôn mặt chú rể cười rạng rỡ.
Anh Tuấn hạnh phúc nhớ lại: "Tôi không ngờ mình lại có ngày hạnh phúc như vậy. Tiếng cười, tiếng nói, hòa lẫn lời chúc mừng khiến tôi rơi nước mắt vì sung sướng. Hạnh phúc lại được nhân đôi khi sau ngày cưới không lâu, anh chị đón chào một cậu con trai khỏe mạnh, rất giống bố. Chính đứa trẻ đã cho vợ chồng anh không chỉ nghị lực sống mà còn là sợi dây kết nối hai gia đình nội ngoại lại gần hơn.
Có động lực từ người vợ và tổ ấm hạnh phúc cùng sự giúp đỡ của chính quyền qua việc tạo điều kiện cho mượn miếng đất để xây quán chụp ảnh và dạy vẽ, cái cơ sở kinh doanh và dạy học mang tên Tuấn Hello đang ngày càng có được chỗ đứng và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người.
Khi quán được dựng lên, số tiền nợ ngân hàng của anh hơn 100 triệu đồng và bây giờ vợ chồng anh chị đang cật lực làm để trả nợ. [/justify]
[justify]Theo DS&PL[/justify]