Trần Văn Lệ (hiện 35 tuổi) ở Phố Thiều, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, là con thứ trong gia đình có 4 chị em. Nhà nghèo nên chưa hết lớp 9 Lệ phải bỏ học đi phụ hồ với bố, sau đó anh vào TP HCM với ước mơ làm giàu, làm thợ xây cho một công ty tư nhân. Một hôm, khi đang làm cốt pha đổ bê tông, thì bất ngờ dàn giáo bị sập, khiến anh rơi từ độ cao 10m xuống đất.
Anh Trần Văn Lệ vươn lên làm giàu sau 15 năm sống bất động trên giường. Sau lưng là người mẹ tần tảo của anh
Thoát chết, nhưng anh bị gẫy cột sống, đứt tuỷ và bị liệt toàn thân. Từ Bệnh viện Chợ Rẫy, anh được chuyển sang Bệnh viện Điều Dưỡng điều trị tiếp nhưng vẫn không tiến triển, cuối cùng gia đình phải chuyển anh về quê sống lay lắt cuộc đời còn lại.
15 năm qua, hàng ngày anh vẫn phải đối mặt với bệnh tật dai dẳng. Những lúc gia đình đi làm vắng, ở nhà một mình anh phải tự xoay xở, chịu đựng như, đại tiện phóng uế một chỗ, đặc biệt tiểu tiện thường xuyên bị tắc rất khó chịu, phải có người thông tiểu hộ. Chưa hết, chân anh lúc nào cũng bị trói, vì người nhà sợ những lúc anh lên cơn co giật té ngã đập đầu xuống đất. Lưng và mông quanh năm lở loét cống mủ do nằm nhiều và thường Lệ phải nhịn đói từ sáng tới chiều, chờ gia đình đi làm về mới có ăn.
"Trong bữa ăn sẻ đôi bát cơm với đứa em trai, tôi vừa ăn vừa khóc, buồn cho số phận cơ cực, lại thêm gánh nặng cho gia đình, nhiều lúc muốn chết cho xong. Nghĩ đến bố, mẹ và mấy đứa em sẽ làm gì để trả món nợ khổng lồ trước kia đã vay để chữa bệnh cho mình, nhiều đêm thức dài suy nghĩ mà càng thêm tủi", anh Lệ kể lại với VnExpress.net.
Giữa lúc cơ cực ấy, bất ngờ bố anh bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người và phải nằm tại chỗ như anh, khiến gia đình càng thêm nheo nhóc. Thương tình, anh em bạn bè và hàng xóm tổ chức quyên góp được ít tiền, mua một chiếc bàn bi-a để anh ở nhà có thể tự kiếm đồng tiền.
Từ đó, với số tiền dành dụm được, anh cùng em trai quyết tâm thoát nghèo, kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ. Mới đầu họ đi mua xe đạp hỏng về tu sửa lại rồi bán, sau đó có chút vốn, vay thêm tiền ngân hàng đầu tư mở quán Internet, rồi hiệu cầm đồ. Sau này người em trai đi học đại học tại Hà Nội, mọi tiền nong học hành đều do anh Lệ cáng đáng cả.
Anh còn đưa tiền cho gia đình trả hết nợ cũ và mua vài miếng đất mặt tiền để kinh doanh, hỗ trợ chị và em gái cùng kinh doanh tại huyện Quảng Xương. Cậu em trai học đại học Bách Khoa ra trường đã cùng anh đầu tư mở công ty hàng điện tử bên Lào.
Đến nay công ty làm ăn rất phát triển, đã có nhiều người góp cổ đông kinh doanh. Người em trai trực tiếp quản lý điều hành công việc bên Lào, còn anh Lệ điều phối hàng hóa và nắm tài chính tại Việt Nam. Hiện công ty đã phát triển thêm một chi nhánh tại thành phố Vinh (Nghệ An) và đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục công nhân Việt Nam và Lào.
Đến thăm Lệ, khó có thể hình dung đây là một ông chủ phát đạt. Cơ thể anh teo tóp đang nằm trên một chiếc giường đệm lò xo - chiếc giường có chức năng mát-xa giúp cơ thể bớt đau nhức, bớt lở loét dưới người. Bên cạnh là chiếc quạt hơi nước giúp anh hạ nhiệt, vì trong người anh lúc nào cũng nóng hơn bình thường.
Cổ bị đóng đinh nên Lệ chỉ có thể cử động cái đầu qua lại. Mỗi khi khách hàng đến giao dịch, anh vẫn trao đổi bình thường, nếu có điện thoại gọi tới, mẹ anh cầm ống nghe ghé sát tai cho con để anh đàm thoại. Trong một tiếng, liên tiếp có những cuộc gọi từ các điểm kinh doanh ở các nơi báo về “tổng đài” để anh nắm bắt tình hình và điều chỉnh công việc.
Anh Phạm Viễn, một khách hàng quen của Lệ cho hay, mặc dù bị bệnh tật nhưng anh Lệ có cái đầu và đôi mắt sáng rất thông minh, anh có thể tính nhẩm rất chính xác và có trí nhớ tốt, "ngoài ra, anh ấy còn giỏi về kinh doanh buôn bán, có thể tính đường đi nước bước cho công việc suôn sẻ".
Một trong những nguyên nhân làm nên thành công, theo Lệ, là hằng ngày phải xem ti vi, nghe đài để nắm bắt thông tin như giá cả thị trường trong và ngoài nước, giúp anh điều chế công việc của mình, từ đó tìm những cơ hội, nhu cầu của xã hội để cung cấp…
Giờ đây bệnh tật của Lệ có giảm hơn trước, nhưng vệ sinh hàng ngày thì vẫn khổ và bất tiện, tiểu tiện phải thông hàng ngày. Dù vậy, "nghĩ đến gia đình đã có bát ăn, bát để tôi cũng phấn khởi, vì đã giúp được điều gì đó cho gia đình", anh tâm sự.
“Cảm ơn bố mẹ, anh em bạn bè và hàng xóm đã cho tôi nghị lực vượt lên tất cả, nhất là tình thương lớn lao của mẹ, đã hết lòng thương con, chăm sóc cho con hằng ngày”, anh nghẹn giọng nói.
Còn bà Lê Thị Xuân, mẹ anh thì giãi bày: “ thấy con tàn tật nằm một chỗ, tương lai chẳng thấy đâu, trong khi đó bố cũng nằm liệt giường như nó, nhiều đêm tôi khóc khô cả nước mắt. Nhưng nó là giọt máu, khúc ruột của mình nên phải thương phải yêu, vả lại thấy con rất cố gắng vươn lên trong cuộc sống để anh em trong gia đình được nhờ và mọi người kính trọng thì tôi cũng vơi đi phần nào…”.
Giờ đây, anh Lệ đang là một trong những gương sáng điển hình nổi bật của huyện Triệu Sơn đã vượt lên số phận sống có ích cho gia đình và xã hội, làm giàu cho bản thân, góp phần làm đẹp cho quê hương và trở thành tỷ phú trước sự cảm phục của nhiều người!.