Những lời tâm sự của em Trịnh Thị Nhung, lớp 9A, trường THCS Thành Hưng, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, khiến nhiều người phải rơi nước mắt trước hoàn cảnh éo le của gia đình em với người mẹ chỉ “thích” ngồi ở nhà vệ sinh, chuồng lợn và xó bếp. Chúng tôi tìm về ngôi nhà em Trịnh Thị Nhung (sinh năm 1996) và em Trịnh Văn Quyền (sinh năm 1999) vào một ngày đông trời lạnh giá. Trong ngôi nhà nhỏ, một người phụ nữ ngồi co ro trong xó bếp, mặt cúi gập xuống đất không nói năng gì. Em Quyền vội vàng giải thích ánh mắt thắc mắc của tôi: “Mẹ em đấy ạ. Mẹ như thế này đã mấy năm nay rồi, may mắn hôm nay hai chị em không phải đi tìm mẹ ngoài nhà vệ sinh đấy ạ”.
Người mẹ mắc bệnh tâm thần của hai chị em Nhung chỉ ngồi xó bếp, nhà vệ sinh… |
Đau đớn vì chồng mất, chị Huệ đã sinh ra chứng trầm cảm kéo dài. Không có điều kiện chăm sóc và chữa trị nên bệnh chuyển dần sang chứng tâm thần từ năm 2007. Cứ tỉnh dậy là chị Huệ chạy ra nhà vệ sinh ngồi, có hôm Nhung tìm thấy mẹ bên chuồng lợn nhà hàng xóm. Từ đấy, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai yếu ớt của Nhung khi em chưa tròn 11 tuổi.
Năm nay mới 14 tuổi, nhưng Nhung đã phải đảm nhiệm vai trò như một người phụ nữ chính trong gia đình. Mẹ bị bệnh tâm thần, cậu em trai còn nhỏ, nên Nhung vừa chăm sóc mẹ, nuôi em ăn học, lại vừa vật lộn với mọi công việc để kiếm miếng cơm manh áo nuôi cả gia đình và theo đuổi ước mơ trở thành bác sỹ.
Hàng ngày dậy từ lúc gà chưa gáy, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo rồi rang cơm cho mẹ và em ăn để đi học. Xong xuôi mọi việc, Nhung vội vàng đến trường. Tan học, đón em về nhà rồi Nhung lại lo nấu cơm và làm công việc nhà cửa, đồng áng. Không có tiền thuê người, tuy còn ít tuổi nhưng Nhung đã biết tự cày bừa, làm đất, gieo mạ rồi cấy hái. Ngoài ra, Nhung còn đi làm thuê khắp nơi, ai thuê gì em làm nấy, miễn sao kiếm được chút tiền về đong gạo nuôi mẹ và em. Rồi đêm đến như một người phụ nữ trưởng thành, Nhung chăm lo giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân cho mẹ. Hàng đêm, cô bé Nhung vẫn thường tỉnh giấc khi thấy mẹ thao thức khó ngủ, em vén màn và xoa bóp rồi kể chuyện cho mẹ nghe. Mùa đông giá lạnh như dao cắt, nhưng hai chị em Nhung chỉ có manh áo mỏng tới trường.Dù thiếu thốn và khó khăn về vật chất cũng như tình cảm, nhưng ngược lại, Nhung và Quyền đều học rất giỏi. 9 cắp sách tới trường, Nhung đều đạt học sinh giỏi toàn diện. Noi gương chị, Quyền cũng không thua kém. Mới học lớp 6 nhưng em cũng đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Những năm học tiểu học, năm nào Quyền cũng tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện.
Khi chúng tôi đến trường cũng là lúc Nhung đang dốc sức cho kỳ thi sát hạch để chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi môn Địa Lý. Còn Quyền, đã vượt qua vòng thi thứ 9 cuộc thi giải toán qua mạng. Mục tiêu phấn đấu của em là được tham gia đội tuyển thi quốc gia cuộc thi “giải toán qua Internet”. Thầy giáo Đỗ Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng trường THCS Thành Hưng chia sẻ: “Nói đến hoàn cảnh gia đình hai em Nhung và Quyền, có lẽ rất đặc biệt. Bố mất sớm, mẹ bị tâm thần nhưng hai em lại học rất giỏi, được thầy cô và bạn bè rất quý mến. Khó khăn là thế nhưng hai em chưa bao giờ nghỉ học một buổi. Có lần Nhug tâm sự với tôi em muốn trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho mẹ. Nhiều thầy cô trong trường nghe Nhung tâm sự mà rơi nước mắt”.
Mới 14 tuổi, nhưng Nhung đã sớm trở thành trụ cột trong gia đình |
Quyền ngồi bên vẻ rụt rè nói: “Em sau này sẽ thi vào quân đội để trở thành một chiến sỹ quân đội giỏi, được phục vụ cho đất nước. Em rất thích các chiến sỹ bộ đội cũng như tác phong làm việc và lập trường vững vàng”.
Ước mơ của các em thật giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Liệu các em có thực hiện được ước mơ đó hay không, khi miếng cơm còn bữa đói bữa no, người mẹ tâm thần chỉ suốt ngày thích ngồi gần nhà vệ sinh. Hàng ngày, người ta vẫn thấy hình ảnh hai chị em Nhung cùng người mẹ tâm thần vật lộn với cuộc sống đầy khó khăn vất vả