Với mong muốn giúp đỡ người nghèo được mặc những bộ quần áo lành lặn, ông cụ 77 tuổi ở Đà Nẵng đã cùng "chiếc xe ân tình" của mình hằng ngày đi qua những tuyến phố như một chiếc cầu nối, gắn kết tình thương yêu giữa người cho và người nhận.
Thời gian gần đây, trên các tuyến đường ở Đà Nẵng xuất hiện một chiếc xe lạ với dòng chữ "Cũ cho, sạch cho, người cần dùng lấy dùng" khiến nhiều người tò mò.
Càng bất ngờ hơn khi chủ nhân của chiếc xe đặc biệt này là cụ Nguyễn Công Long, năm nay đã 77 tuổi, trú tại kiệt 12 đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
Chiếc xe tự chế được ông lão 77 tuổi dùng để quyên góp áo quần, giày dép, sách vở cũ từ mọi người để làm từ thiện.
Lòng vòng quanh thành phố, cuối cùng chúng tôi cũng tìm gặp được ông Long đang ngồi bên góc đường gần cầu Rồng. Dù đã hơn 4 giờ chiều nhưng trời vẫn còn nắng gắt, không khí oi ả khiến mồ hôi trên khuôn mặt ông rơi lã chã.
"Sợ đến mai không có đủ áo quần mang về Quảng Nam cho bà con ở làng chài ChanChu nên trưa nay tôi tranh thủ chạy xe lên Cẩm Lệ để chở áo quần người ta cho. Tối nay về nhà tôi sẽ tranh thủ giặt giũ cho khô rồi đóng gói lại, trưa mai mang đến cho những người cần chúng", ông Long cười tươi nói.
Chiếc xe đặc biệt này của ông Long đã gây chú ý với nhiều người đi đường.
Ông Long trước đây là tài xế lái xe tải, sau này già yếu, ông xin qua làm bảo vệ ban đêm cho một công ty tư nhân. Với đồng lương ít ỏi chưa tới 3 triệu đồng, thế nhưng mỗi tháng ông tình nguyện trích ra một nửa để đi làm từ thiện.
Từng đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, trong khi đó nhiều gia đình khác lại có điều kiện, khi đi mua sắm về liền bỏ bớt những món đồ cũ vẫn còn tốt. Vậy là ông quyết định tự bỏ tiền để làm một chiếc xe kéo với mục đích đi quyên góp áo quần, giày dép, sách vở cũ từ mọi người để làm từ thiện. Với tiêu chí "cũ người, mới ta", hằng ngày ông cùng chiếc xe của mình đang đi qua các tuyến phố của Đà Nẵng để quyên góp những bộ áo quần của các mạnh thường quân.
Mỗi ngày ông đi vòng qua nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng và cứ đến một địa điểm cố định như phía đuôi cầu Rồng, Công viên 29/3, đầu đường Phan Chu Trinh thì ông lại dừng lại khoảng 30 phút để chờ các nhà hảo tâm mang áo quần đến.
Nhận được sự ủng hộ, động viên của gia đình và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực từ người dân, ông càng có thêm động lực.
Sợ những người nghèo cảm thấy mặc cảm nên tất cả áo quần, giày dép thu gom được ông Long đều giặt giũ sạch sẽ và xếp gọn gàng vào những chiếc túi ni lông. Sau đó, ông một mình chở đến cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các địa phương còn nghèo khó, hay các trung tâm bảo trợ xã hội để trao tận tay cho những người cần.
Nếu ai có áo quần cũ ủng hộ cho người nghèo nhưng không mang đến được, chỉ cần gọi điện là ông lập tức đến tận nơi để nhận.
Ông bảo kể từ ngày làm công việc từ thiện này, ông thấy tinh thần vui hẳn lên, không còn suy nghĩ những chuyện buồn phiền, sức khỏe cũng tốt hơn rất nhiều.
"Người nghèo cũng có lòng tự trọng của họ, tặng quần áo cũ rồi nhưng phải làm sao đó để khi nhận, họ cảm thấy vui mới được. Nói là đồ cũ nhưng tôi cũng đã lựa rất kỹ, những bộ nào cũ quá tôi bỏ ra, còn những bộ nào được thì tôi mang giặt sạch sẽ và là ủi cẩn thận rồi mới mang cho, mình làm sao để khi người nghèo nhận được đồ mình tặng, họ không cảm thấy buồn.
Trước khi chở quần áo đến địa phương nào, tôi sẽ đi tiền trạm ở nơi đó trước một ngày để khảo sát xem bà con cần khoảng bao nhiêu đồ. Mọi người hỏi xin bao nhiêu bộ, tôi sẽ chọn áo quần vừa theo kích cỡ người cần mặc và đúng số lượng, đúng giới tính để mang đến biếu họ, chứ sợ cứ mang đến đó rồi đổ ra mọi người không lấy hết, bỏ tùm lum phí phạm, tôi lại buồn lắm", ông Long tâm sự.
Được biết, trước đây khi còn làm tài xế, mỗi tháng ông Long vẫn thường xuyên cùng vợ mình đi phát cơm từ thiện tại các bệnh viện và giúp đỡ trẻ em bị bệnh tật. "Bây giờ già yếu, làm không ra tiền như trước nữa nên tôi mới nghĩ ra cách dùng sức để đi kêu gọi quyên góp giúp đỡ cho người nghèo như thế này!", ông Long trải lòng.
Mỗi khi nhận áo quần từ ai, ông Long đều ghi chép lại cẩn thận.
Người nghèo cần gì, bao nhiêu bộ áo quần, ông đều ghi hết vào sổ để cố gắng xin cho họ những gì họ cần, tránh lãng phí áo quần mà các nhà hảo tâm ủng hộ.
Bây giờ, việc tốt như được lan tỏa, nhiều người biết việc làm của ông nên cũng nhiệt tình ủng hộ dù họ cũng không khá giả gì. Vừa mang một bao áo quần đến cho ông Long, chị Nguyễn Thị Thu Hà, làm công nhân môi trường ở quận Thanh Khê cười tươi nói: "Thấy ông hằng ngày cứ chạy xe đi quyên góp áo quần cho người nghèo, tôi cũng muốn đóng góp. Dù mình cũng không giàu có gì nhưng ở nhà cũng có một ít đồ cũ không dùng đến nữa nên hôm nay mang ra ủng hộ cho ông, biết đâu ở nơi nào đó sẽ có những người cần đến".
"Mình thấy hành động của cụ Long thật sự rất ý nghĩa và cao đẹp. Mình hy vọng Đà Nẵng sẽ có nhiều hơn những hành động đẹp như thế này để những người trẻ như chúng em học hỏi và noi theo", bạn Nguyễn Thị Ngân, sinh viên trường Đại học Duy Tân, chia sẻ.
Với mong muốn tấm lòng trao đi, nụ cười ở lại, ông Long hy vọng không chỉ là người nghèo mà bất kỳ ai thiếu đều có thể đến đây để lấy quần áo.
Một chiếc áo, một đôi giày tuy nhỏ nhưng đối với người nghèo thì đó là một món quà ấm áp tình người.
Hy vọng, hình ảnh chiếc xe ân tình của ông lão hào hiệp sẽ lan tỏa đến cộng đồng, đánh thức lòng trắc ẩn, sự đồng cảm để ngày càng có thêm nhiều những việc làm nhân văn như thế này.
Chia tay ra về, tôi hỏi ông về những dự định sắp tới, rít một hơi thuốc thật dài, ông Long mộc mạc chia sẻ: "Chừng này tuổi rồi không biết còn sống được bao lâu nữa, nhưng hễ còn người nghèo cần quần áo và còn có người cho quần áo thì tôi vẫn tiếp tục việc làm của mình cho đến khi nào không đi nổi nữa mới thôi".
Theo : Kenh14