[size=6]Một nhiếp ảnh gia người Tây Ban Nha đã cất công đi tới khu rừng mưa nhiệt đới Monteverde ở Costa Rica để ghi lại những hình ảnh hiếm có về loài ếch thủy tinh – một trong những sinh vật lưỡng cư kỳ lạ nhất hành tinh, theo bình chọn của tạp chí New Scientist.[/size]
Ếch thủy tinh có tên gọi khoa học là Hyalinobatrachium valerioi, thuộc họ lưỡng cư Centrolenidae. Chúng được phát hiện lần đầu tiên năm 1872. Điểm đặc biệt về loài lưỡng cư này là chúng sở hữu lớp da hình mắt lưới trong suốt như thủy tinh. Không chỉ có tác dụng ngụy trang, làn da của ếch thủy tinh còn làm được nhiều việc khác, chẳng hạn như thở để hấp thụ nước. Tuy nhiên, đây cũng chính là nhược điểm lớn nhất ở loài sinh vật này, vì nó là nguyên nhân khiến chúng rất dễ bị nhiễm trùng da.
Trang Daily Mail dẫn lời nhiếp ảnh gia Tây Ban Nha Nic Reusens nhận xét: “Mặc dù màu nền da của hầu hết các con ếch thủy tinh chủ yếu là xanh lá cây pha vàng nhạt, lớp da bụng của một số thành viên thuộc họ ếch này có đặc điểm trong mờ. Nhờ đó, các nội tạng, kể cả tim, gan và đường tiêu hóa có thể nhìn thấy rõ qua làn da trong mờ - đặc điểm tạo nên tên chung của loài. Ếch thủy tinhluôn di chuyển tới sông để đẻ trứng nhưng cư trú chủ yếu trong các khu rừng mưa nhiệt đới.
Theo anh Reusens, con người rất khó tìm kiếm và thu thập mẫu về ếch thủy tinh, không chỉ do kích thước tí hon và màu sắc của chúng, mà còn vì môi trường sinh trưởng tự nhiên của loài thường là những nơi khó tiếp cận, chẳng hạn như dọc các sông suối nơi địa hình hiểm trở. Các thành viên trong họ lưỡng cư Centrolenidae thường sở hữu cơ thể tí hon, chỉ 20 - 30mm, nhưng cũng có một số loài như ếch thủy tinh centrolene geckoideum cư trú ở Colombia và Ecuador, có thể đạt kích thước lớn hơn.