Lâu nay người ta thường chỉ chú ý đến mặt trái của mạng xã hội mà quên rằng không gian ảo này mở ra những luồng suy nghĩ đa chiều, giúp cho xã hội tiến bộ và có không khí tranh luận về các vấn đề thời sự cởi mở hơn kiểu truyền thông một chiều lâu nay.
ảnh minh họa
Cuối tháng 1-2015, Facebook thông báo họ đã có gần 1,4 tỉ người dùng, tức nhiều hơn dân số Trung Quốc (1,36 tỉ người, là quốc gia đông dân nhất thế giới). Cùng thời điểm, người dùng cũng quan tâm đến việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng không thể cấm thông tin trên mạng xã hội và yêu cầu cung cấp thông tin chính thống, minh bạch. Cư dân mạng có vẻ tâm đắc với lời của Thủ tướng được dẫn lại: “Thông tin đưa lên mạng không cấm được mà phải đưa đúng, kịp thời, chính xác để định hướng. Đó là nguồn tin chính thống từ Chính phủ. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống từ Chính phủ thì người dân mới tin”.
Không gian ảo mà thật
Tại Việt Nam, cộng đồng Facebooker tiếp tục lớn mạnh và trở thành một không gian ảo mà thật, vì nhiều sự kiện trên mặt báo hiện nay đều xuất phát từ những vụ việc được quan tâm nhiều nhất trên Facebook.
Lẽ dĩ nhiên, do là không gian ảo, Facebook cũng “thượng vàng hạ cám”, thường xuyên khiến người dùng đôi lúc khó chịu vì những tin đồn giật gân, những tấm ảnh có mục đích câu view, status hấp dẫn nhằm… lan truyền virus, mã độc hại. Vấn đề là chất lượng của thông tin chia sẻ trên Facebook tùy thuộc vào chuyện bạn kết nối với ai. Nếu biết “chọn bạn mà chơi”, mỗi người trong chúng ta sẽ được khơi gợi suy nghĩ về các vấn đề thời sự xã hội mà mình khó tìm thấy trên những tờ báo truyền thống.
Chẳng hạn, nhà văn Nguyễn Đình Bổn mới đây bình luận: “Trong vụ ồn ào vì chai Number One của Công ty Tân Hiệp Phát có con ruồi, liệu người chủ quán đòi tiền “mua sự im lặng” có phạm tội hình sự hay không mà công an còng tay và cho báo chí in ảnh công khai vậy? Bên cạnh đó, trong vụ tờ vé số trúng mà trật, rõ ràng là do công ty vé số không cẩn thận mua nhầm. Anh mua nhầm thì anh phải chịu thiệt. Giờ giả sử đó là sự thật (chưa nói đến nghi vấn đánh tráo vé số), anh phải thương lượng xin lại tiền hoặc có thể kiện ra tòa dân sự. Sao công an lại có thể khởi tố hình sự? Báo chí nếu không bênh vực được người dân thì cũng nên phân tích luật cho rõ ràng. Ví dụ có tờ đăng vụ con ruồi trong chai Number One sau đó lẳng lặng rút bài là sao?”.
Tập thói quen lắng nghe phản biện
Tất nhiên, không phải tất cả ý kiến đưa ra trên mạng xã hội đều đáng tin cậy và mang tính thuyết phục cao. Bởi dù là blogger nổi tiếng có hàng ngàn người trong danh sách và mỗi status có vạn lượt like, chẳng ai đủ tư cách để định hướng, chi phối dư luận nghĩ theo hướng mình muốn. Tuy vậy, nhờ việc trao đổi, phản hồi thông tin qua lại mang tính tương tác cao mà Facebook hấp dẫn hơn bất kỳ trang báo nào. Không thể phủ nhận cách tiếp cận thông tin từ mạng xã hội cũng giúp người ta rèn luyện phương pháp tư duy đa chiều, tập thói quen lắng nghe phản biện, nhất là những ý kiến đi ngược lại với suy nghĩ chủ quan của mình. Từ đó không khó để nhận ra mạng xã hội đang tác động rõ nét đến các phương tiện truyền thông chính thống. Điều này biểu hiện qua việc một số tờ báo mở rộng cửa cho bạn đọc bình luận dưới mỗi bài báo, cũng như việc một số dự luật phải thay đổi sau khi vấp phải phản ứng gay gắt của người dân trên mạng xã hội.
Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1082808#ixzz3QV1mCLG5
doc tin tuc www.xaluan.com