Ảnh minh họa |
Tất cả chỉ bởi vì cô vợ lúc cáu bẳn lên lại nhiếc mắng chồng là vô tích sự, dù Hưng đã luôn cố gắng cả việc cơ quan lẫn việc nhà.
Khổ cho Hưng là cô vợ trẻ hay cằn nhằn, nói nhiều vô kể. Ban đầu, Hưng còn gắng chịu đựng, cho là do mới sống với nhau, hai vợ chồng còn nhiều điều chưa thông suốt. Nghe vợ nói xong đâu đấy, khi đi ngủ, Hưng mới nói lại cho vợ nghe về công việc và những điều mình suy nghĩ. Nhưng cũng chỉ đợi Hưng cất lời, là y như rằng vợ Hưng lại tiếp tục “bài ca”. Một lần, rồi hai lần, ba lần vẫn thế… Hưng phải tìm đến nhà bạn thân giãi bày mà không dám về nhà bố mẹ đẻ, vì chỉ sợ bố mẹ mình biết chuyện lại buồn lòng.
Gia đình Quang – Oanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì hay mâu thuẫn vì cách cư xử của Oanh đối với gia đình nhà chồng và bạn bè của chồng. Vốn xuất thân từ quê, Quang lên thủ đô học, trụ lại làm việc và lập gia đình. Tình máu mủ ruột già sao tránh được việc cha mẹ Quang lên thăm hai vợ chồng, rồi họ hàng bên chồng ở dưới quê lên chơi.
Mỗi lần có người ở quê đến, Quang trân trọng bao nhiêu thì Oanh lại tỏ ra khó chịu, thờ ơ với mọi người bấy nhiêu. Cô cảm thấy bực bội với thói sinh hoạt, ăn ở của người nhà quê. Cái gì ở nhà Oanh cũng để vào thùng, vào hộp, nhìn sạch sẽ, bắt mắt. Bố mẹ ở quê lên, cứ đựng tất cả vào bao tải dứa, bao thì rau, bao thì gà, cá…, cô nhìn thấy khó chịu vô cùng.
Vào nhà vệ sinh, cô cũng phát hoảng vì người ở quê chồng lên đi vệ sinh vô ý, không biết cách xả nước, cô lại phải làm thay cái việc đó. Rồi bạn bè của chồng đến, cô làm mặt nặng như cái thớt – bởi cô không muốn chồng mình giao du khi ở nhà, rồi cô lại phải cơm cơm nước nước phục vụ mọi người.
Những việc như vậy, đối với Oanh là khó chấp nhận, cô tích tụ lại rồi “nổ bùng” với chồng lúc nào không hay. Cô đâu biết rằng, mỗi lời cô nói ra đầy ấm ức về gia đình chồng, về bạn bè của chồng làm tim Quang đau nhói. Có lẽ thái độ của Oanh đã phần nào giúp cô hài lòng, vì những cuộc thăm con của bố mẹ Quang cũng giảm, bạn bè cũng chẳng mấy khi đến chơi nữa. Nhưng thay vào đấy, sự có mặt ở nhà của Quang thưa vắng hẳn. Anh luôn cố gắng tranh thủ về quê một mình thăm bố mẹ, họ hàng. Có bạn bè, anh lại rủ họ ra quán nước, nhà hàng cho tiện. Mỗi lần đi anh lấy lý do, nào vợ mình ốm, vợ mình bận, rồi con nhỏ không tham gia được…
Anh Cường (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cảm thấy dường như không chịu nổi vợ mình. Sau một ngày làm việc, người ta muốn trở về ngôi nhà ấm cúng của mình, nhưng nhiều lúc anh lại chẳng biết đi đâu. Bởi về đến nhà là vợ anh quản lý gắt gao từ cái ví tiền, đến cái điện thoại của anh. Thậm chí, Lan – vợ anh - còn đăng ký dịch vụ thống kê, kiểm tra các cuộc gọi đến, gọi đi của anh trên mạng. Cứ khi nào chị kiểm tra, thì máy của anh lại nhận được tin nhắn, là thông tin điện thoại của bạn đã được kiểm tra.
Đã thế, chuyện riêng tư, thầm kín của hai vợ chồng cũng không hòa hợp. Bên Lan, Cường không thấy thỏa mãn và cũng cảm thấy mình không làm cho Lan thỏa mãn. Những bức xúc, căng thẳng của hai vợ chồng ngày càng nhân lên. Đến độ, anh luôn xung phong đi công tác mỗi khi công ty đề xuất. Và sự vắng mặt ở nhà của Cường với lý do “chính đáng” là đi công tác đã để lại khoảng trống vô hình cho căn nhà của cả hai vợ chồng.
Để chồng không “bỏ nhà”
Hôn nhân là cái đích của tình yêu. Nhưng khi đã đi đến cái đích đó rồi, ta mới thấy muôn vàn khó khăn phải vượt qua để giữ gìn vun đắp cái mà ta đã đạt được. Sau khi kết hôn, chúng ta phải đối mặt với một thực tế phức tạp của những vấn đề về kinh tế, quan hệ xã hội, gia đình, họ hàng, bạn bè, về quan điểm, cách sống khác biệt, thậm chí với cả mặt trái trong tính cách của người bạn đời… Nhiều người bị bối rối trong cách xử lý khiến cuộc sống trở thành căng thẳng, thậm chí hạnh phúc gia đình bị tan vỡ. Vậy thì làm sao đây?
Người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập không khí yên ấm, hạnh phúc. Ai đó đã từng nói: “Hạnh phúc của một người đàn ông trong hôn nhân tùy thuộc trước hết vào tính tình của đàn bà”. Nhiều người đàn ông thay đổi hẳn tính tình, bỏ dở việc phấn đấu trên đường đời chỉ vì vợ luôn luôn chỉ trích, cằn nhằn, làm tiêu tan hết ước vọng. Làm sao họ còn hăng hái gắng sức được, khi vợ lúc nào cũng ca thán so bì.
Ông Ferman, một nhà tâm lý cho hay: Các ông chồng sợ cái tật cằn nhằn của vợ nhất. Bởi vậy, để giữ cho gia đình được hòa ấm thì trước hết người vợ hãy luôn luôn ăn nói dịu dàng, nhã nhặn, tế nhị, mềm mỏng với chồng. Nên dùng những câu khen ngợi, khích lệ, động viên chồng. Muốn chồng phải có chức này, quyền nọ với thái độ hào hứng, chồng bạn sẽ có suy nghĩ cực đoan rằng vợ chỉ là người luôn trông đợi vào tiền tài, danh vọng, dễ là người phụ nữ thực dụng, phô trương.
Đối xử đúng mực, tôn trọng, lễ phép với gia đình, họ hàng, bạn bè bên chồng, tránh tình trạng “nhất bên trọng nhất bên khinh”. Bạn có tôn trọng mọi người trong gia đình chồng, thì chồng mới tôn trọng bạn và gia đình bạn. Quý trọng các bạn của chồng thì chồng bạn mới cảm thấy được “mở mày mở mặt”. Yêu thương, chăm lo cho gia đình chồng còn thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn của bạn. Vì vậy, bạn nên rèn luyện cho mình đức tính này. Và bạn hãy nhớ rằng, cho là được chứ không bao giờ là mất.
Vợ chồng dù tâm đầu ý hợp đến mấy, mỗi người đều có “khoảng trời riêng” của mình, ít nhất cũng là: dùng điện thoại, tiêu xài vặt… Bạn nên tôn trọng và đặt niềm tin vào chồng ở khoản này. Một người đàn ông khi biết vợ mình đã hy sinh hết lòng, thì họ hiểu họ sẽ phải làm gì. Đặc biệt, bạn đừng coi việc chăn gối là chuyện phàm tục mà xem nhẹ. Đây là chuyện khoa học nghiêm túc, có vai trò quan trọng trong việc duy trì, củng cố, bảo vệ tình yêu, hạnh phúc gia đình. Bạn nên học hỏi, tham khảo thêm sách báo để mình được nồng nàn, quyến rũ mỗi khi bên chồng.
Gia đình yên ấm là mơ ước của tất cả mọi người. Là phụ nữ, bạn cần phải “giữ lửa” trong ngôi nhà của mình. Hãy luôn trau dồi, rèn luyện, hoàn thiện mình mỗi ngày. Trước mỗi sự việc, bạn nên đặt câu hỏi: “Làm thế chúng ta được gì?”, chứ không phải là: “Tôi được gì?” – có như vậy, hạnh phúc mới luôn nằm trong tầm tay của bạn.
Theo Gia Đình Và Trẻ Em