Tâm sự - chia sẻ 2017-04-07 13:31:34

Chữ Seen rất nhỏ, nhưng cảm giác bị tổn thương vì "không được rep" là rất to!


Tin tôi đi, ít nhất một lần trong đời bạn đã phải trải qua những cảm xúc khó ở, đầy mâu thuẫn, rồi thấy mình bi kịch chẳng ngóc đầu lên nổi chỉ vì bị “seen không rep”.
Thời đại tên lửa này, mọi thứ đều diễn ra, cũng như xoay xung quanh cái trục công nghệ mà cụ thể nhất chính là mạng xã hội. Mạng xã hội gần như thay đổi hoàn toàn cách con người ta đến với nhau, giao tiếp với nhau và rời xa nhau theo một cách không ngờ nhất.

Và để hiểu hơn về cách để con người giao tiếp với nhau bằng công nghệ số ấy, hãy cùng theo dõi chuyên đề "Quan hệ thời mạng xã hội" với chúng tôi nhé!



Theo định nghĩa thông thường, giao tiếp là một quá trình hoạt động trao đổi thông tin giữa người nói và người nghe nhằm đạt được một mục đích nào đó. Tức là có người đưa thông tin thì phải có người tiếp nhận, khi ấy mới là trọn vẹn giao tiếp với nhau. Tôi nói chuyện với ai đó mà người ta không nghe, hoặc giả nghe mà không trả lời thì tôi nói chuyện với cái đầu gối của mình còn đỡ mất thời gian hơn, phải không?

Mà giao tiếp có nhiều loại. Cổ xưa nhất, kéo dài cho đến tận ngày nay, góp phần phát triển, sinh ra khái niệm "xã hội" là cách giao tiếp mặt đối mặt. Dần dà con người phát minh ra con chữ, rồi có cách giao tiếp bằng thư, chuyền tay nhau qua những con tem bưu chính. Và giờ đây, hiện đại, nhanh chóng nhất, chính là giao tiếp qua công nghệ số. Đó là điện thoại, đó là các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội. Nổi tiếng, phổ biến toàn cầu chính là Facebook.

Và để hướng đến mục đích cao cả là nâng cao sự tương tác giao tiếp với nhau, Mark Zuckerberg và đội ngũ phát triển Facebook đã cùng nhau tạo ra nút "seen" thần kỳ sau mỗi tin nhắn gửi đi đã được đọc. Xịn quá chứ còn gì, ngày xưa viết thư xong thấp thỏm mấy tháng là phải tự hiểu là thư thất lạc rồi chứ nào được thần tốc như bây giờ đâu?

Không giống như ứng dụng nhắn tin iMessage trên iPhone, khi bạn không muốn người gửi nhận được thông báo "đã đọc", thì bạn có thể tắt đi, chữ "seen" trên Facebook đâu có tắt được, nó công tâm lắm. Ai đọc được rồi thì nó báo ngay là đọc được rồi.

Để rồi, từ cái nút "seen" nhỏ nhoi ấy, bao nhiêu chuyện khóc cười cứ thế xảy ra.



Ngày nào mà có những chữ "seen" không rep là những ngày buồn tênh…

Hãy thú nhận đi, bạn có nhớ cái cảm giác chuyển từ thấp thỏm sang thất vọng, thậm chí là tức anh ách khi gửi tin nhắn trên Facebook mà người nhận… lẳng lặng seen chứ không thèm rep, có không? Không kể người yêu, người bạn đang thích hay tán tỉnh, mà thậm chí là bạn bè hay bất cứ một ai đó đang tham gia hội thoại với bạn - bạn đều sẽ có chung cảm giác khó chịu như vậy (chỉ khác một chút về cấp độ mà thôi).

Tôi biết nhiều người sẽ cau mày ở đoạn này. Cảm giác khó chịu hay bực tức chỉ vì chat mà không được trả lời nghe nó hơi… ảo quá. Nhiều người cho rằng, những cái gì trên mạng thì tốt nhất chỉ là ở trên mạng thôi, chẳng đánh giá được gì về bản chất những mối quan hệ hay độ yêu quý nhau của người với người đâu. Nhất là mấy cô đang yêu đấy, người yêu seen thôi mà rồ lên đòi chia tay là "trẻ trâu" rồi.

Thực ra người ta cũng có nhiều lý do để lồng lộn về chuyện người kia seen mà không chịu rep.

Ở thời đại nào cũng thế, chúng ta có nhiều phương thức để giao tiếp cùng nhau và thể hiện sự tôn trọng nhau khi tham gia vào quá trình giao tiếp đó. Chẳng hạn như: ngồi mặt đối mặt trò chuyện trực tiếp sẽ là bạn hỏi tôi trả lời. Gửi thư tay sẽ là thư đến thì có thư đi; gửi email cũng có sent mail và rep mail. Tương tự đối với Facebook, chữ "seen" thường xuất hiện sau đoạn chat để báo với người gửi rằng tin nhắn của họ đã được đọc. Chứ nếu tôi gửi đi một tin nhắn cho bạn mà phải đợi tới tận 2 ngày sau mới nhận được tin trả lời thì chẳng thà bảo tôi gửi cho bạn một con bồ câu đưa thư còn hơn…

Đấy, Facebook với Mark Zuckerberg đã giúp chúng ta giao tiếp nhanh gọn như thế rồi, mà còn chầy bửa chỉ seen không rep (thường xuyên) thì có đáng để xem xét lại mối quan hệ của nhau không?



Khoan vội buồn lòng trước chữ "seen" không được rep, bởi vì đằng sau đó là…

Có khá nhiều câu chuyện đằng sau mỗi chữ Seen trên Facebook.

Thứ nhất, tôi gọi là những chữ "seen vô ý". Đó là một thoáng mảy may bấm nhầm vào khung chat, hoặc quẹt nhầm ra xem, nhưng bản thân khổ chủ thì chưa hề tiếp nhận thông tin, cũng chẳng biết mình đã đọc được mớ tin nhắn ấy. Tất cả là do cái tay hư, chứ họ không có ý vứt bỏ bạn!

Thứ hai, cũng vẫn là những chữ "seen" đã đọc, để dành, nhưng sau đó thì quên luôn cả rep. Vậy là sau đó, không còn sau đó nữa. Họ quên mất bạn ngồi bên kia màn hình, ấm ức vì chả được hồi âm hay ngọ ngoạy gì. Đây là tội của đầu óc đễnh đãng.

Cuối cùng, tôi gọi những chữ "seen" này là không biết nói gì, không còn gì để nói, hoặc là không muốn nói. Có những tin nhắn mà người đọc đã tiếp nhận, nhưng quả tình, họ chẳng biết nói gì với bạn cả. Cũng không tránh khỏi một sự thật đau lòng là không hiếm những người, thật sự không muốn đọc tin nhắn của bạn, lại càng không có hứng thú tiếp chuyện cùng bạn. Bởi vậy, nếu nhắn tin cho ai đó quá nhiều lần, mà họ chỉ "seen" không rep, lại chẳng nằm trong số hai trường hợp kể trên, thì thôi đừng nhắn nữa, để tránh làm tổn thương tâm hồn mình.

Nhưng ô kìa, đừng đợi chờ một ai đó quá lâu chứ? Gửi tin đi thì mặc định cho nhau một khoảng thời gian vài giờ đồng hồ kể từ khi xuất hiện chữ "seen". Nếu họ không rep sau khoảng thời gian đó, cần thiết thì chủ động liên lạc bằng hình thức khác. Còn nếu đã chờ, đã gọi, và vẫn tiếp tục chỉ là "seen" hờ hững, thì thôi, người không muốn nói chuyện với ta, mắc gì ta phải quy luỵ.



Sau tất cả, khi xác định tham gia cuộc chơi nào, chúng ta nên tuân thủ theo luật lệ của cuộc chơi đó!

Vẫn biết rằng Facebook là một chốn dừng chân "ảo", bởi ngoài Facebook chúng ta còn có thể kết nối với nhau bằng nhiều phương tiện khác. Nhưng đã xác định lập một tài khoản Facebook, chọn kết nối bạn bè, thì cũng nên tuân thủ theo luật chơi một cách lịch sự và nghiêm chỉnh.

Không bỗng dưng mà dòng thông báo nhỏ tí xíu của Facebook lại có khả năng sát thương tinh thần con người ta quá lớn. Bởi vì trên phương diện của một người gửi tin nhắn đi, chẳng một ai mong nhận về vẻn vẹn một chữ "seen" bé con con và sự im lặng đến khó chịu.

Tôi lại trộm nhớ đến cuộc họp bàn về kế hoạch "tác chiến mùa hè" với hội chị em tuần trước. Trong khi tôi thì hừng hực khí thế, liệt kê ra một chuỗi dài những điểm đến hấp dẫn, thậm chí còn update đầy đủ giá cả thị trường, tin tức báo chí liên quan… Thì đáp lại sự hồ hởi của tôi chỉ là một chuỗi những im lặng. Một vài giây lại thấy Facebook nảy lên cái thông báo trêu ngươi: "A đã xem, B đã xem, C cũng đã xem nhưng không ai buồn trả lời hết…"

Này nhé, mọi người đều đang online - ổn. Mọi người đều đang đọc những gì bạn viết - rất ổn. Nhưng rồi mọi người chỉ "seennnnnn" mà không hề trả lời - ok, không hề ổn chút nào!



Khi người ta bắt đầu trò chuyện, liên lạc, chia sẻ tâm tư hay quan tâm người khác nhiều hơn bằng công cụ Internet, dần dần tự dưng người ta sẽ sinh đủ các quy ước, quy chuẩn để tương tác qua ngôn từ. Từng dấu chấm, dấu phẩy, hay dấu chấm than đặt ở đâu cũng có khả năng thay đổi cả một bầu không khí giữa hai người.

Chuyện seen mà không rep cũng nằm trong phạm trù "các quy tắc ứng xử online" như thế. Nếu để ví von thì chuyện này cũng giống như bạn gửi thư tay mà không nhận được hồi đáp. Kể cả nguyên nhân có là thất lạc, bị chim tha đi, bị cá xé mất thì vẫn âm ỉ đâu đó nỗi bực dọc từ người gửi đi.

Chữ Seen ấy tuy nhỏ, tuy ảo nhưng sát thương là lớn, và rất thật. Đã seen thì nên rep, giống như việc bạn được hỏi thì hãy nên trả lời, đó là phép lịch sự tối thiểu trong thời đại giao tiếp công nghệ số mới đấy.

Ngoài cái chữ Seen bé tí hin quyền lực ấy ra, nương theo sự phát triển của công nghệ thông tin, cách mà chúng ta giao tiếp với nhau thông qua con chữ và bàn phím máy tính cũng sinh ra nhiều quy tắc ứng xử mà buộc chúng ta phải tự thích nghi để hoà nhập thời thế.

Theo : Kenh14
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)