Các bác sĩ Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga phải khám lại và theo dõi độ cận của bé Nguyễn Hải Minh sau khi có khiếu nại của gia đình - Ảnh: N.Huệ |
Bé Nguyễn Hải Minh (Hà Nội) bắt đầu theo điều trị cận thị tại Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga từ năm học lớp 1- năm 2009. Lúc đầu, bé được xác định cận thị nhẹ (một bên 1 đi-ốp, một bên 1,5 đi-ốp) và được chỉ định tập trên máy.
Sau phẫu thuật, bệnh nặng hơn
Cần tạm đình chỉ thực hiện 2 kỹ thuật chưa được phê duyệt Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay việc bệnh viện triển khai biện pháp kỹ thuật mới chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt là trái pháp luật. Do Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga nằm trên địa bàn Hà Nội nên trước mắt Sở Y tế Hà Nội cần có ngay quyết định tạm đình chỉ hai kỹ thuật chưa được cấp phép kể trên, tiến hành kiểm tra về nhân sự thực hiện kỹ thuật, hiệu quả phương pháp, tổn hại đến người bệnh và có các quyết định tiếp theo. L.ANH |
Cùng đợt mổ với bé Minh, sau một năm bé Mai Gia Huy (9 tuổi, Hà Nội) cũng bị tăng độ cận từ trước mổ là 2,5 đi-ốp lên hơn 6 đi-ốp cho lần kiểm tra gần đây nhất.
Tại Bệnh viện Mắt T.Ư, từ những năm 1990 phương pháp phẫu thuật tạo hình củng mạc điều trị cho bệnh nhân cận thị tiến triển nhanh đã được áp dụng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thị Khánh Vân (Bệnh viện Mắt T.Ư) - người đã du học tại Liên bang Nga và đưa kỹ thuật này về ứng dụng tại Việt Nam, kỹ thuật tạo hình củng mạc chỉ được bệnh viện áp dụng ở người bệnh trên 18 tuổi.
“Nhãn cầu ở người bình thường có hình tròn giống quả bóng bàn. Ở người bệnh cận thị, trục nhãn cầu bị giãn ra. Nguyên lý của phương pháp tạo hình củng mạc giống như việc gia cố, “thắt đai” cho nhãn cầu không giãn để hạn chế độ cận tiến triển. Trẻ nhỏ đang tuổi lớn, nhãn cầu còn phát triển nên việc bao đai quanh nó không khả thi. Chưa kể bệnh nhân trước phẫu thuật phải được theo dõi một thời gian xem có đúng là cận thị tiến triển hay không và loại trừ được các tổn thương vùng đáy mắt. Nếu có tổn thương thì không được đụng vào vì có thể gây rách rất nguy hiểm”, bác sĩ Vân chia sẻ. Đây cũng là lý do các chuyên gia nhãn khoa Việt Nam băn khoăn khi tham mưu cho Bộ Y tế rằng kỹ thuật này chưa đủ cơ sở để triển khai trên bệnh nhi Việt Nam.
Song thực tế tại Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga, phương pháp này được áp dụng thường quy cho bệnh nhi, như trường hợp con chị Huệ được phẫu thuật từ năm 7 tuổi. Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Nguyễn Trọng Nhân - chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam - cho hay năm 2010 Bộ Y tế đã mời các chuyên gia mắt đầu ngành của Việt Nam xin ý kiến về việc thẩm định các kỹ thuật mới được triển khai tại Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga.
Tại đây, Hội Nhãn khoa Việt Nam đã đưa ra ba yêu cầu đối với bệnh viện: phải tổ chức thuyết trình giới thiệu trước các chuyên gia Việt Nam về các kỹ thuật triển khai ứng dụng; tổ chức thao diễn kỹ thuật; tổng kết sự thành công của kỹ thuật trên những ca bệnh cụ thể. “Đến nay, sau một năm nhưng hội vẫn chưa nhận được phúc đáp của bệnh viện về những yêu cầu tối thiểu này. Đáng buồn, họ vẫn quảng cáo và áp dụng các phương pháp đó trên người bệnh” - GS Nhân nói.
Chưa được cấp phép
Ngoài phương pháp tạo hình củng mạc áp dụng trên bệnh nhi, Bệnh viện Mắt quốc tế Việt- Nga còn khiến giới chuyên môn lo lắng khi thực hiện “kỹ thuật phẫu thuật chuyển mạch”, được giới thiệu để điều trị các bệnh gây suy giảm thị lực và mù do tổn thương thần kinh thị giác và võng mạc.
“Chỉ định của phương pháp chuyển mạch được áp dụng với những bệnh lý thuộc hàng “thập tử nhất sinh” của ngành nhãn khoa như bệnh nhân glocom có teo gai thị và các bệnh thoái hóa võng mạc khác… Với những bệnh này, ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới mới dừng lại ở điều trị bổ sung dinh dưỡng, chứ không có biện pháp điều trị triệt để” - PGS Hoàng Thị Minh Châu, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Mắt T.Ư, nói.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - nói theo Luật khám chữa bệnh mới, việc thẩm định cấp phép các kỹ thuật mới lần đầu tiên ứng dụng tại Việt Nam thuộc chuyên ngành nhãn khoa sẽ được các chuyên gia của Bệnh viện Mắt T.Ư tham mưu, Bộ Y tế căn cứ vào đó để quyết định cấp phép hay không. Đại diện của phòng quản lý hành nghề y ngoài công lập (Cục Quản lý khám chữa bệnh) cũng cho hay do Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga chưa thỏa mãn được về mặt khoa học đối với các chuyên gia nên các kỹ thuật mới này chưa được Bộ Y tế cấp phép.
Tại văn bản Sở Y tế Hà Nội về “Danh mục kỹ thuật thực hiện tại Bệnh viện tư nhân chuyên khoa Mắt quốc tế Việt - Nga”, có 85 danh mục được cấp phép nhưng không có phương pháp kỹ thuật tạo hình củng mạc và phẫu thuật chuyển mạch. Ông Dương Chí Kiên, tổng giám đốc Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga, lập luận: “Các kỹ thuật này chưa được Bộ Y tế cấp phép, bệnh viện vẫn phẫu thuật cho bệnh nhân Việt vì đó là phẫu thuật do bác sĩ nước ngoài thực hiện(?)”.
Theo ông Kiên, kỹ thuật tạo hình củng mạc đã được bệnh viện triển khai trên khoảng 20 bệnh nhân và kỹ thuật chuyển mạch cũng ứng dụng điều trị cho bệnh nhân khoảng một năm qua.
NGỌC HÀ (theo Tuổi Trẻ)