Sau 1 năm thực hiện Công điện 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội, hôm qua 28-12, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu là Hà Nội-Đà Nẵng và TP.HCM. Tất cả những tồn tại của những mùa lễ hội trước đều đã được đưa ra thảo luận sôi nổi…
Nhiều phương án đảm bảo ANTT sẽ được Nam Định đưa ra, tránh những điều đáng tiếc như mùa hội 2011
Ấn đền Trần sẽ phát quanh năm?
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã chính thức đưa ra kết luận: Không phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, lễ khai ấn vẫn được tiến hành theo đúng truyền thống. Đêm khai ấn sẽ không có sự tham dự của các quan chức Nhà nước như những năm trước, thay vào đó là một lễ dâng hương trang trọng vào sáng 14. Bắt đầu từ sáng 15 tháng Giêng, phát ấn không hạn chế cho khách thập phương.
Ông Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật (VHNT) cho biết, trong tháng Chạp sẽ phát động hẳn một “chiến dịch truyền thông” để người dân thấy được giá trị thật của lá ấn. Viện VHNT sẽ đưa ra những bằng chứng cho thấy lá ấn chỉ là một vật có tính cầu an, chứ hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện thăng quan tiến chức. Bên cạnh đó, Viện cũng đã có đề xuất với UBND tỉnh Nam Định mở rộng, nâng cấp không gian lễ hội, diện tích hơn 1.000m2 như hiện nay là quá hẹp. Đi kèm với đề xuất này còn là các giải pháp phân luồng giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống thảm họa. Có 2 phương án được đưa ra để Nam Định chọn lựa, một là sẽ phát ấn từ ngày 15 cho tới hết tháng Giêng. Phương án thứ 2 coi lá ấn như một sản phẩm lưu niệm, và phát quanh năm cho tất cả những người có nhu cầu. Phương án thứ 2 này xem ra được sự đồng thuận cao. Nói theo cách của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái thì chỉ có cách phát ấn quanh năm, mới “giải được giá trị ảo của lá ấn”.
Nhiều biến tướng gây phản cảm
Việc đốt đồ mã tại những nơi thờ tự dù đã được quy định rõ trong một số văn bản pháp quy, song cho tới thời điểm này việc xử phạt lại hoàn toàn không thể thực hiện được. Có rất nhiều nhà đền, nhà phủ dự trữ cả kho đồ mã. Lực lượng thanh tra biết nhưng “bó tay”, bởi theo quy định chỉ có bắt quả tang đốt thì mới có quyền phạt. Đã có không ít nhà nghiên cứu gửi kiến nghị lên Bộ VH-TT&DL khẳng định việc đốt đồ mã hiện nay đã đi quá giới hạn. Có ý kiến đề xuất: cấm sản xuất, vận chuyển và đốt đồ mã. Bộ VH-TT&DL xác định đây là việc làm nghiêm túc và giao Viện VHNT nghiên cứu, đưa ra phương án khả thi. Song, phát biểu tại Hội nghị, ông Lương Hồng Quang thừa nhận, đây là việc khó.
Còn có một việc khó khác cũng đang được Bộ VH-TT&DL nghiên cứu thực hiện là xây dựng một chuẩn chung phân biệt thế nào là “tín ngưỡng tâm linh” và thế nào là “mê tín dị đoan”. Có một vị Phó giáo sư khi biết ý định đã “chắc như đinh đóng cột”: “Đố làm được” bởi phân định rõ được trường hợp này thì lại trượt trường hợp khác. Nhưng xem ra, Bộ rất quyết tâm để tách bạch trắng đen trong xây dựng “cẩm nang quản lý”.
Các điểm nóng ở lễ hội, di tích giờ không chỉ dừng ở tiền giọt dầu rải tràn lan, ăn xin, xóc thẻ, bói toán… mà bắt đầu có thêm những biến tướng phản cảm . Đó là việc công đức bằng hiện vật như đồ thờ tự, rồi nghê đá, sư tử đá… Đơn vị quản lý di tích cứ hồn nhiên mang hiện vật vào thờ mà không biết rằng hành động này vi phạm quy định về quản lý di tích. Có nhiều đền, chùa hiện nay cơi nới, mở rộng diện tích xây nhà bia công đức. Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra cho biết thêm ở chùa Hương cho xây bia công đức hệt với Văn Miếu Quốc Tử Giám, riêng tiền để làm bia đã lên tới 15 triệu đồng/bia. Lăng Liễu Hạnh cũng đang có văn bản gửi Bộ xin xây thêm một ngôi nhà 5 gian để bia khắc tên công đức. Hay như chùa Liên Phái, trổ cả tường để khắc bia. Hài hước ở chỗ, nhiều di tích lập bát hương thờ cả bia công đức. Vậy là, du khách cứ thế mà thắp hương cho cả những người đang… sống.