Có thời bóng đá Việt Nam chứng kiến cảnh tượng đầy xúc động khi các CĐV tràn xuống sân sau khi kết thúc một trận đấu, trên tay cầm những tờ bạc vài chục ngàn đồng để "thưởng nóng" cho các cầu thủ con cưng sau khi họ cống hiến hết mình. Nhưng ngày nay, việc thưởng cầu thủ như thế nào là chuyện của các ông bầu và tất nhiên là số tiền cũng lớn hơn gấp bội. Cầu thủ bây giờ sống khỏe với nghiệp quần đùi áo số, đủ tiền mua nhà, sắm xe hơi và lui tới những nơi sang trọng bậc nhất mà không có nhiều điều phải bận tâm suy nghĩ.
Xe hơi là chuyện nhỏ với giới cầu thủ |
Đơn giản như việc uống cafe sáng, nếu như hóa đơn cho 2 cốc cafe sữa chỉ khoảng 50 ngàn thì nhân viên phục vụ sẽ phải "chết đứng" một lúc vì choáng khi cầu thủ T. (HN T&T) hào phóng đưa ra tờ bạc 200 ngàn rồi đứng dậy ra về mà không cần lấy tiền trả lại. Ai đã chứng kiến cảnh tượng này chắc chắn là sẽ phải lắc đầu, lè lưỡi và không thể không công nhận dáng dấp đại gia của T. Nhưng chuyện tiền bo chỉ là "muỗi" nếu như bạn đã từng tận mắt chứng kiến các buổi chè chén của giới cầu thủ Việt trong các nhà hàng sang trọng mà họ lui tới thường xuyên như người ta đi ăn cơm bình dân. Mỗi hóa đơn thanh toán, nhẹ nhàng cũng phải tiền triệu khi các cầu thủ luôn yêu cầu mang ra những món ngon nhất và các loại đồ uống đắt tiền cho xứng tầm với danh tiếng của mình trên sân cỏ. Điều này chẳng hề đáng trách khi giới cầu thủ dù sao cũng đã phải bỏ rất nhiều mồ hôi trên sân cỏ mới đổi lại được những khoản thu nhập cao và họ hoàn toàn có quyền hưởng thụ công sức lao động của mình.
Sành điệu cả khi uống cafe |
Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của cả tảng băng chìm về đời tư của các cầu thủ Việt. Có những câu chuyện "tối" hơn mà không nhiều người được biết. Phần đông cầu thủ cố gắng giữ gìn và để dành sức lực của mình cho việc tập luyện cũng như thi đấu nhưng một bộ phận nhỏ lại không cưỡng nổi cám dỗ của các vũ trường, quán bar náo nhiệt hay thậm chí các trò tiêu khiển thiếu lành mạnh khác.
Có đủ các lý do để giới cầu thủ tìm đến vũ trường, từ ăn mừng chiến thắng, buồn vì thất bại hay muốn tìm đến rượu để giải sầu. Tuy nhiên, tất cả đều dẫn đến một điểm chung là những chai rượu tây giá bạc triệu liên tục được khui, khói thuốc nồng nặc và sự góp mặt của vô số chân dài. Thường thì mỗi cuộc vui như vậy sẽ có một chủ xị và người này thường cũng phải tốn tới cả chục triệu đồng thanh toán. Nhưng cũng có lúc các cầu thủ trẻ và còn ít tên tuổi cố giành nhiệm vụ ấy về mình để tạo cảm tình với các đàn anh và mong được "nâng đỡ" nhiều hơn trên bước đường sự nghiệp.
Tiêu tiền không tiếc tay |
Không chỉ dừng lại ở rượu, một vài "anh hùng" còn sẵn sàng chơi tới bến bằng những "viên thuốc lạ" để rồi đến sáng kiệt sức hoàn toàn nhưng vẫn cắn răng ngậm sâm, vật vờ trên sân tập để không phải chịu án phạt của CLB. Những màn ăn chơi liên miên như thế khiến không ít tài năng triển vọng dần đánh mất bản thân khi họ nghĩ mình là một dân chơi nhiều hơn là một VĐV thể thao.
Ngoài ra, cá độ bóng đá cũng có ma lực ghê gớm đối với các cầu thủ. Nhiều người lầm tưởng rằng mình "làm trong nghề" nên sẽ dễ dàng tìm được vận may đỏ đen trong từng trận bóng và có trường hợp đã thua độ tới con số hàng trăm triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Với thu nhập cao và các mối quan hệ sẵn có, họ sẽ không mất quá nhiều thời gian để xoay sở kiếm tiền chung độ nhưng cũng có người đã phải sống chết xin được chuyển nhượng để dùng tiền lót tay trả nợ xã hội đen.
Hiệp Gà và Công Vinh sau khi "đọ tửu" ở sinh nhật con trai Hồng Sơn |
Có rất nhiều hệ quả tiêu cực xuất phát từ thú ăn chơi có phần quá đà của các cầu thủ đại gia. Thế giới của họ thực sự là một thế giới không bình thường với quá nhiều điều kì dị. Dường như những ngôi sao ngày nay không phải chỉ hay trên sân cỏ mà còn phải "hay" ở cả ngoài đời - ít nhất là theo quan niệm của chính họ…