Sáng qua, Công an phường Liễu Giai, quận Ba Đình vừa tóm gọn ba thiếu niên gây ra vụ cướp tài sản của một học sinh THCS trên địa bàn quận gồm Trương Quốc Phong, 15 tuổi, trú tại làng Vạn Phúc, quận Ba Đình; Nguyễn Bá Khánh và Nguyễn Anh Hiếu, đều trú trên địa bàn quận Ba Đình.
Ba tên cướp "nhí" Phong, Khánh, Hiếu
Băng cướp nhí của Phong có khoảng chục tên, đều trong độ tuổi 14, có hoàn cảnh gia đình phức tạp, thiếu sự quan tâm của cha mẹ nên thường bỏ nhà tụ tập. Những ngày lang thang, lấy quán nét làm nhà, chúng phát hiện có nhiều học sinh con nhà khá giả được bố mẹ cho tới khu vực phường Kim Mã, Giảng Võ, Liễu Giai, học thêm nên bàn nhau chặn cướp tài sản của số học sinh này. Cái mà chúng chọn lấy là xe đạp, điện thoại, tiền bạc, sau khi cướp được mang đi bán rẻ, cầm đồ lấy tiền chơi game.
Ngày 19/5, Phong, Khánh, Hiếu và ba kẻ nữa khống chế em T., một học sinh THCS, lục túi lấy được 50.000 đồng của em này. Thấy cậu bé đi chiếc xe đạp trị giá khoảng 3,5 triệu đồng, chúng cướp luôn đem bán lấy 1,8 triệu đồng tiêu xài. Mấy tiếng sau, chúng về ngã tư Đội Cán - Liễu Giai, tăm tia tìm “mồi” thì bị phát hiện. Phong, Hiếu bị bắt, ba kẻ còn lại bỏ trốn. Một ngày sau Khánh sa lưới.
Bỏ nhau, chỉ thu vén cho tổ ấm mới, ít quan tâm tới con cái của gia đình cũ, nhiều ông bố bà mẹ không biết rằng chính thái độ vô tâm của mình đang dần đẩy con cái vào vòng tội phạm.Cũng có gia đình do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, phải bươn trải nơi xa kiếm ăn, phó mặc con cái ở nhà, đến lúc biết tin con cái hư hỏng thì đã muộn mà điển hình là vụ bảy học sinh ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, rủ nhau chặt cáp thông tin là một ví dụ cho việc lơi lỏng quản lý con cái của cha mẹ. Đó là Nguyễn Văn Đại, 15 tuổi; Nguyễn Văn Hạnh, 15 tuổi; Nguyễn Văn Đoàn, 11 tuổi; Nguyễn Văn Lá, 12 tuổi; Nguyễn Thế Anh, 15 tuổi; Cao Văn Út, 15 tuổi và Nguyễn Văn Linh, 14 tuổi. Chỉ trong 5 tháng, những cậu bé còn ngồi trên ghế nhà trường này đã gây ra 23 vụ chặt cáp thông tin và nhiều vụ trộm sắt thép công trình khác ở hai xã Quỳnh Lập và Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu, chỉ để lấy tiền chơi điện tử và ăn quà vặt.
Theo Trạm công an Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, những bị can nhí này ở độ tuổi từ 11 đến 15, đều sống ở xóm Đồng Thanh, xã Quỳnh Lập, một nơi heo hút chỉ có cát và nắng cháy. Do cuộc sống nghèo khổ, một số người đã bỏ đi nơi khác lao động, để con cái ở nhà cho ông bà, người thân nuôi dạy, tháng gọi điện về nhà hỏi thăm, nghe nói con vẫn khoẻ, ngoan là yên tâm mà không lường trước được nguy cơ con cái hư hỏng.
Bảy đứa trẻ gây ra 23 vụ cắt trộm cáp viễn thông, trộm cắp ở huyện Quỳnh Lưu.
Với bảy "bị can nhí" này, bố mẹ các em đều vào miền Nam kiếm sống. Thế Anh được cha mẹ gửi bà ngoài trông nom; Linh được sang nhà bác tá túc, những em còn lại thì ở nhà một mình, tự lo ăn uống, sinh hoạt hàng ngày như Nguyễn Văn Đại, thủ phạm gây ra 7 vụ trong đó có bốn vụ chặt cáp viễn thông, hai vụ trộm sắt thép của Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) và một vụ trộm chân vịt tàu đánh cá. Bố mẹ đi vào Nam làm thuê để Đại ở nhà một mình, tự lo liệu cuộc sống từ đi chợ, nấu ăn, sinh hoạt. Từ cuộc sống độc thân, tự lập, dần đưa cậu bé này đến chỗ tự do trong cuộc sống cũng như tự do trong mỗi vụ trộm mà không sợ bị ai nhắc nhở, răn đe.
Còn Hạnh thì sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, bản thân Hạnh là thứ 5. Bố mẹ vào Nam làm thuê, mấy anh em Hạnh ở nhà tự lo liệu, từ chỗ không người uốn nắn, Hạnh nghe theo lời rủ rê của đám bạn, tham gia vào hai vụ trộm và chặt cáp viễn thông. Theo lời khai của Đại, Hạnh thì mục đích của chúng không phải phá hoại mà chặt dây cáp để đốt lấy đồng đem bán, có tiền tiêu vặt. Chúng không hề biết rằng việc kiếm vài đồng lẻ của chúng đã gây ra tổn thất rất lớn, thiệt hại có khi lên tới hàng trăm triệu đồng.
Từ những nỗi buồn trên, xã hội cần có biện pháp nâng cao nhận thức cho trẻ vị thành niên về những công trình an ninh quan trọng về quốc gia như: cáp viễn thông, sân bay, đường sắt,… đồng thời cũng nên có quy chế đối với những cơ sở thu mua phế liệu để hạn chế việc thu mua phế liệu vô tội vạ mà không cần biết xuất sứ của chúng.