Tin tức - pháp luật 2013-05-31 08:14:40

Chuyện "đỡ lắm" ở quán cơm Nụ Cười


11g, quán cơm xã hội Nụ Cười (6 Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM) mới bắt đầu bán phiếu. Nhưng mới hơn 10g, tôi thấy một người đàn ông trạc 60 tuổi, gầy gò, áo quần bạc thếch, đứng trước cửa quán.
Khách đến ăn tại quán cơm xã hội Nụ Cười - Ảnh: T.ĐẠM

 
Ông im lặng chăm chú đọc những tấm bảng treo trước quán: : “Cơm trưa 2.000 đồng - vào cửa tự do”; thực đơn: “Gà kho gừng - Xào chua ngọt - Canh cải thịt bằm - một miếng đu đủ - Cơm canh không hạn chế - Trà đá miễn phí - Giữ xe miễn phí”.
Thấy ông đứng ngoài nắng, một cô tình nguyện viên vội bước ra mời ông vào. Ông cứ chần chừ rồi rụt rè hỏi: “Thiệt không cháu, hai ngàn?…”. Cô tình nguyện viên cười: “Dạ, thiệt mà, bác chịu khó vào ngồi đợi tí. 11g bác đến quầy này mua cái phiếu rồi vào lấy cơm…”.
Nụ cười của khách hàng
Có lẽ không riêng gì người đàn ông ấy, nhiều người mới đến quán lần đầu đều hỏi như vậy. Rồi khi đã mua cái phiếu 2.000 đồng và bưng khay cơm có nhiều ngăn đựng đầy đủ những món ghi trong thực đơn cùng muỗng, nĩa bọc trong miếng giấy lau trắng toát, đến ngồi ở chiếc bàn sạch sẽ… thì không hỏi nữa mà ai cũng nói: “Đỡ lắm…”.
Như ông Nguyễn Văn Dương, 65 tuổi, đang bị bệnh gan cũng phải ráng đi làm bảo vệ ở Bệnh viện Da liễu, vừa ăn miếng đu đủ tráng miệng vừa nói: “Hôm khai trương, tôi qua thấy bữa cơm có hai ngàn mà ghi “sạch, no, ngon, thân thiện”, cứ ngờ ngờ, nhưng ăn rồi mới thấy y như vậy. Có cái quán này đỡ lắm…”. Đỡ làm sao? Ông chứng minh cụ thể: “Thường tôi ăn bữa hết 19.000 đồng, ăn ở đây dư ra được 17.000, tuần ba bữa, gom lại, bù vào tiền khám bệnh, khỏi ngửa tay xin thêm con cái…”.
“Đỡ lắm” là hai từ tôi nghe nhiều nhất ở quán. Tôi gặp nhiều người trong số 250 khách của quán hôm ấy (mỗi buổi quán bán 250 suất, vào các trưa thứ hai, tư, sáu), hầu hết ai cũng nói đi nói lại hai từ ấy. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, cái “đỡ lắm” của người này khác với cái “đỡ lắm” của người kia, nhưng tất cả đều giống nhau là bữa cơm ở quán đều giúp họ giảm nhẹ phần nào những khó khăn, nhọc nhằn, lo toan mà họ luôn phải mang vác trên đường đời.
Với cháu Hùng, 13 tuổi, ở Tuy Hòa, đi bán vé số, thì ngoài chuyện “ăn được miếng thịt gà kho sả ngon quá chú ơi”, cái “đỡ lắm” của cháu là “dư ra thêm được mấy chục ngàn gửi về phụ mẹ nuôi em”. Vì cha cháu mất rồi, mẹ ở quê nhà phải nuôi ba đứa em của cháu mà chỉ dựa vào gánh rau cải tròng trành…
 
“Tiền thiêng liêng”
Ông Nguyễn Minh Lộc (Nam Đồng, nguyên tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, chủ nhiệm quán Nụ Cười) cho biết sau mấy ngày hoạt động, có thể ước tính về thành phần khách như sau: 30% là sinh viên, học sinh; 30% là bà con bán vé số, xe đẩy, xe ôm, đạp xích lô, lượm ve chai, thợ hồ…; 25% là bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh ở Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Mắt; 15% không xác định được thành phần, ăn mặc sạch sẽ, lịch sự.
Quán cơm xã hội Nụ Cười thuộc quỹ từ thiện Tình Thương. Quỹ được sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm. Trong “10 nguyên tắc ứng xử cho các thành viên quỹ từ thiện Tình Thương” có ghi: “Những đóng góp dù ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng hướng thiện. Những đồng tiền đó rất dễ thương, rất đáng quý nên chúng ta gọi là tiền thiêng liêng…”. Tiền thiêng liêng nên chỉ dành toàn bộ để chi cho người nghèo, không chi bất cứ một đồng nào cho “bộ máy” quản lý, tất cả đều là tình nguyện viên.
Ngồi chung bàn với mấy em học sinh là một người đàn ông mặc chiếc áo kaki đầy những vết bẩn, tóc loe hoe khô cháy, đi lượm ve chai. Ông tên Hùng, ở Bình Dương. Khi tôi dò hỏi một ngày lượm bán được bao nhiêu, ông không trả lời, cứ từ từ bỏ chiếc muỗng xuống, đưa tay moi vào túi quần và móc ra một mảnh giấy nhàu nát: “Không giấu gì chú, đây, lượm cả chiều với đêm hôm qua đây…”. Thì ra đó là mảnh giấy của một vựa ve chai ghi: “Mủ 3.800 - bình 1ký 8 21.500 - lon 20c 7.600 - cộng 32.900”.
Với số tiền ít ỏi đó, hằng ngày ông phải tìm về tận khu Vườn Chuối để ăn đĩa cơm “nhiều cơm, ít đồ ăn” và trả 12.000 đồng. Giờ đây, với ông, ăn bữa cơm 2.000 đồng “no, ngon, sạch…” tất nhiên đỡ lắm. Biết vậy, nhưng điều tôi không ngờ là nhờ những bữa cơm của quán Nụ Cười mà trong tuần qua ông… tắm được vài lần. “Có dư đồng tiền mới tắm được, mỗi lần tắm mất 5.000 đồng chớ có ít đâu…”.
Tất nhiên, đến với quán cũng có những khách khá đặc biệt, như một anh nọ, ăn xong đứng dậy cứ gật gật đầu, hỏi quán bán đến mấy giờ rồi đi. Một đỗi sau, bất ngờ anh chở đến hai bao gạo, bỏ xuống rồi đi, không chịu nói tên nói tuổi. Một anh khác mặc quần lửng áo thun, ăn xong hỏi quán có bao nhiêu người phục vụ, không biết để làm gì, té ra anh đi mua 20 ly sữa đậu nành đem lại quán: “Cho mấy em phục vụ uống, thấy em nào cũng tận tình, thương quá…”.
Như bốn em học sinh lớp 6, lớp 7 ăn xong chưa chịu về, cứ ngồi xầm xì với nhau, rồi một em đến quầy mua một cái phiếu nữa. Một anh tình nguyện viên ân cần hỏi: “Em ăn chưa no à? Sao không lấy cơm thêm?”. Em rụt rè đáp: “Dạ không, no lắm rồi ạ. Cho cháu mua phiếu nhưng không lấy phần ăn nữa, cháu xin góp cho quán ấy mà”.
Nụ cười tình nguyện viên
Trong sổ tay tình nguyện viên của quán ghi rất rõ: “Quán cơm xã hội Nụ Cười luôn chào đón những tình nguyện viên mới. Các bạn sẽ được phân công theo nhóm, và dù có thực hiện nhiệm vụ gì thì tình nguyện viên chúng ta phải thật sự hòa nhã, vui vẻ…”. Tình nguyện viên được chia làm bảy nhóm: nhóm P (bán phiếu), nhóm R (rửa khay cơm), nhóm B (bếp)…
Mới hoạt động được năm ngày mà nhóm nào cũng thừa người. Nhiều bạn trẻ đến, quán đành phải hẹn hôm sau. Sáng sớm đến quán, xuống bếp tôi thấy ai cũng cặm cụi làm việc như trong một nhà hàng chuyên nghiệp: hai cô gái rửa rau, hai cô xắt thịt, một cô đang đun chiếc xoong to, hai cô khác tỉ mỉ lau những chiếc khay…
Hầu hết các cô đều là sinh viên, nhân viên ở các công ty, trừ cô đang đun chiếc xoong to làm món gà kho gừng. Đó là cô Thường, bán hột vịt lộn - cháo lòng ở lề đường Hồ Xuân Hương, đối diện với quán. 12g cô mới bắt đầu bán. Bán đến tối, dọn hàng xong là mẹ con cô lại tất tả chạy qua quán làm thịt, cá, ướp sẵn đâu vào đó rồi mới về, và sáng sớm cô lại đến nấu, kho…
9g, quán còn vắng, bỗng một chiếc ôtô màu đen bóng loáng dừng ngay trước quán. Một người ăn mặc tươm tất bước xuống, xăm xăm đi vào và không nói không rằng, anh kéo những chiếc bàn kê lại cho ngay ngắn rồi rút chiếc khăn lau bàn ghế. Hỏi ra mới biết anh là Hùng, tài xế của một công ty viễn thông. Sáng anh đưa giám đốc đến cơ quan và đánh xe về đây làm tình nguyện viên, trưa lại đến đón vị giám đốc. Anh thuộc nhóm T (trật tự), nhưng khi chưa có khách anh làm đủ việc: lau bàn ghế, chuẩn bị bình nước đá, xếp ly… Khách đến, anh đứng ngoài nắng đón khách, hướng dẫn để xe. Có khách đi xe lăn đến, anh nhanh nhẩu bế khách vào tận bàn, móc tiền mua chiếc vé và nhờ người vào lấy cơm cho khách…
Một nội dung ghi trong sổ tay tình nguyện viên đã toát lên rất rõ ở nơi này: “Hòa nhã, vui vẻ”. Tôi thấy thêm: sự trân trọng và lòng yêu thương. Chính điều đó đã làm an lòng những người khách bước vào quán, nhất là những người khách đang rơi vào cảnh khốn khó, đói nghèo nhất trong cuộc đời này, như anh Hùng lượm ve chai đã ứa nước mắt nói: “Từ trước tới giờ mình có được ai mời chào gì đâu…”.
HÀNG CHỨC NGUYÊN
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)