[justify][justify]Theo các kết luận của hai cơ quan này, hệ thống phòng thủ chống tên lửa mà Mỹ triển khai ở châu Âu hoàn toàn là một dự án chính trị và trong tương lai gần không thể hoàn thành được những nhiệm vụ quân sự đặt ra cho nó.
Các văn bản do các chuyên gia của hai cơ quan chính phủ Mỹ cùng soạn thảo tái khẳng định lo ngại của các chuyên gia độc lập nhiều lần tuyên bố về sự không hiệu quả của AMD.
Việc chuẩn bị báo cáo của Hội đồng Khoa học Lầu Năm Góc đã kéo dài gần một năm rưỡi, và văn bản kết luận do chủ tịch - tiến sĩ Paul Kaminski, tướng không quân về hưu Lester Lyles và Đô đốc William Fallon ký đã được đóng dấu “Mật”.
Gần đây phần công khai của công trình nghiên cứu dày 41 trang này đã được chuyển đến Quốc hội.
Radar \"với không tới\"
Khiếm khuyết chủ yếu của hệ thống, theo họ, là bán kính hoạt động của các radar và tên lửa đánh chặn không có khả năng lựa chọn mục tiêu.
Cuộc kiểm tra cho thấy, các hệ thống chiến đấu triển khai ở châu Âu đều chưa qua thử nghiệm ở Mỹ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các radar AMD không thể phát hiện việc phóng tên lửa đạn đạo và bám theo chúng trong giai đoạn đầu của hành trình bay.
Thậm chí, kể cả các đài theo dõi triển khai trên biển, cả các đài triển khai trên mặt đất đều không giải quyết được vấn đề này.
Loại radar AN/TPY-2 bố trí ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ không đủ bán kính hoạt động, còn tầm hiệu dụng của các radar AN/SPY-1 triển khai trên các tàu chiến Aegis không cho phép kịp thời đưa ra tín hiệu chặn thu các tên lửa được phóng lên từ Cận Đông.[/justify]
[justify]AMD gặp rất nhiều vấn đề, Radar AN/TPY-2 ở Thổ Nhĩ Kỳ không đủ bán kính hoạt động.[/justify] |
[justify]Các chuyên gia của Lầu Năm Góc cho rằng, vấn đề chủ yếu là các cảm biến lắp trên tên lửa đánh chặn không phân biệt được đầu đạn của tên lửa với các mục tiêu giả bay kèm theo.
Còn các quân nhân cho rằng, chỉ có thể giải quyết vấn đề này bằng cách phát hiện chặn thu tên lửa đạn đạo ở giai đoạn các động cơ tăng tốc còn hoạt động, đầu đạn và các mục tiêu giả chưa tách ra.
Theo đánh giá của các chuyên gia Lầu Năm Góc, việc thực hiện nhiệm vụ này “đòi hỏi những nỗ lực ghê gớm và trong điều kiện thực tế là không thể thực hiện được”.
Tên lửa đánh chặn hiện chậm hơn so với mục tiêu “không dưới 100 giây”, kết quả là “toàn bộ các phương tiện đánh chặn sẽ được dùng để bắn hạ các mục tiêu giả và rác tên lửa”.
Nhà Trắng vội vàng
Các chuyên gia của Kiểm toán chính phủ Mỹ cũng ủng hộ đánh giá của các chuyên gia Hội đồng Khoa học Lầu Năm Góc, họ cũng đã có báo cáo riêng về triển vọng phát triển của AMD.
Theo các chuyên gia này, việc đẩy nhanh triển khai các thành tố phòng thủ chống tên lửa đã dẫn đến “tăng mạnh giá của dự án, hiệu quả thấp và những vấn đề thường xuyên xuất hiện liên quan đến chất lượng của các bộ phận”.
Cụ thể, do mong muốn kết thúc giai đoạn hai triển khai các hệ thống trước năm 2015, Lầu Năm Góc đã mua mấy chục tên lửa đánh chặn SM– 3 Block IIA mà không chờ thử nghiệm quốc gia chính thức kết thúc.
Nhiều lời buộc tội nghiêm túc cũng được đưa ra cho chính quyền Mỹ. Các chuyên gia của Kiểm toán phát hiện, quyết định mua tên lửa đánh chặn đã được thông qua bất chấp những phản đối của các kỹ sư. Những người này phát hiện ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong động cơ tên lửa sau các cuộc phóng thử.
Tình hình hoàn toàn đúng như vậy đã xảy ra khi kết thúc kiểm tra các bộ phận của radar mà sau đó đã được gửi sang Romania.[/justify]
Tên lửa đánh chặn mới SM-3 Block IIA thì không đáng tin cậy. |
[justify]Đại diện đa số Đảng Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ ngay lập tức kết tội Nhà Trắng đã xem thường lợi ích an ninh quốc gia.
Chủ tịch Tiểu ban vũ khí chiến lược của Quốc hội Michael Turner tuyên bố sau phiên họp kín: “Những chuyện như vậy xảy ra khi không chịu nghe các nhà khoa học và kỹ sư, mà chỉ biết hành động tuân theo các động cơ chính trị”.
Phản bác lại kết luận, đại diện cơ quan phụ trách AMD Richard Liner kêu gọi nhân viên hội đồng khoa học của Lầu Năm Góc và Kiểm toán “đừng quá tô đậm bức tranh”.
Theo ông này, vấn đề tầm hoạt động của radar sẽ được giải quyết trong…9 năm tới, khi triển khai hệ thống theo dõi mới trên vũ trụ.
Tuy phải thừa nhận vấn đề nhận biết mục tiêu của tên lửa đánh chặn đúng là có thật, ông ta vẫn cam đoan là “các hệ thống hiện có có thể đánh chặn cuộc tấn công tên lửa”.
Hôm 16/5, Đô đốc James Stavridis – Tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ ở Châu Âu đã xác nhận là tại hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc ngày 20/5 ở Chicago, ban lãnh đạo liên minh sẽ công bố các hệ thống phòng thủ chống tên lửa triển khai ở châu Âu sẽ được đưa vào trạng thái “sẵn sàng tác chiến tạm thời”.
Nguồn: báo Đất Việt.[/justify][/justify]