[justify]Thi thể một phụ nữ được tìm thấy ở London, Anh. Kết quả kiểm tra ADN khiến cảnh sát bối rối, vì nghi phạm dường như đã chết vài tuần trước nạn nhân. Đây là một trong những trường hợp kỳ lạ nhất mà chuyên gia pháp y Anh, tiến sĩ Mike Silverman từng được chứng kiến trong cuộc đời của mình.[/justify]
[size=6]Bí ẩn về thủ phạm chết trước nạn nhân… vài tuần[/size]
[justify]Theo tiến sĩ Silverman, vụ án từng là một bí ẩn trong đời thực: Một phụ nữ bị thảm sát dã man ở thủ đô London. Vật liệu sinh học được tìm thấy dưới móng tay của nạn nhân ám chỉ, cô có thể đã cào cấu kẻ tấn công ngay trước khi chết. Một mẫu bằng chứng đã được đem đi phân tích, rồi đối chiếu với kho dữ liệu ADN quốc gia Anh và nhanh chóng cho kết quả trùng hợp.[/justify]
[justify]Vấn đề gây sửng sốt là, bằng chứng giúp nhận dạng một phụ nữ từng bị sát hại 3 tuần trước cái chết của nạn nhân nói trên. Hai vụ giết người xảy ra ở các khu vực khác nhau ở London và do các nhóm điều tra riêng rẽ tiến hành.[/justify]
[justify]Do không có dấu hiệu liên hệ nào giữa 2 người phụ nữ và cũng không có điều gì chứng tỏ họ từng gặp gỡ nhau, nhà chức trách nhận định, nhiều khả năng nhất là, các mẫu bằng chứng đã bị trộn lẫn hoặc ô uế tại điểm gặp gỡ nhất định nào đó giữa chúng - phòng thí nghiệm pháp y. Một quan chức phụ trách điều tra cấp cao đã chính thức có lời khiếu nại.[/justify]
[justify]Sự việc xảy ra vào năm 1997. Khi đó, tiến sĩ Silverman đang giữ vị trí lãnh đạo Cơ quan pháp y Anh, nên ông có nhiệm vụ tìm hiểu xem liệu đã xảy ra sai sót nào ở phòng thí nghiệm pháp y.[/justify]
[justify]Ban đầu, ông Silverman suy đoán, có lẽ, mẫu móng tay của nạn nhân thứ hai đã bị dán nhãn nhầm và thực tế thuộc về nạn nhân thứ nhất. Tuy nhiên, khi xem xét mẫu, ông thấy suy đoán này là sai lầm.[/justify]
[justify]Tiến sĩ Silverman sau đó đã kiểm tra kỹ mọi hồ sơ của phòng thí nghiệm pháp y để xem liệu các mẫu có vô tình bị trộn lẫn theo cách nào đó. Rốt cuộc, ông phát hiện, cả 2 thi thể đã trải qua khám nghiệm tử thi ở cùng một nhà xác, mặc dù chúng được đưa đến đó cách nhau nhiều tuần và do các nhóm khám nghiệm tử thi khác nhau tiến hành.[/justify]
[size=6]Lật tẩy nhầm lẫn[/size]
[justify]Việc khám nghiệm tử thi pháp y, vốn được thực hiện trong trường hợp giết người hoặc chết khả nghi, được thực hiện kỹ lưỡng và công phu hơn nhiều so với việc khám nghiệm tử thi bình thường. Trong đó, các chuyên gia sẽ thu thập mẫu máu và nội tạng để kiểm tra độc tính, thu thập và phân tích những thứ có bên trong dạ dày cũng như bóc tách và cắt móng tay của tử thi.[/justify]
[justify]Khi nghiên cứu hồ sơ của nhà xác, ông Silverman bất chợt tìm thấy chìa khóa hé mở sự bí ẩn của vụ việc. Hóa ra, thi thể của nạn nhân thứ nhất đã được cất giữ trong máy lạnh nhiều tuần trong khi cảnh sát tiến hành điều tra ban đầu. Thi thể đã được lấy ra khỏi máy đông lạnh để các chuyên gia bệnh học cắt thêm mẫu móng tay trước khi thi thể của nạn nhân thứ hai được chuyển tới nhà xác.[/justify]
[justify]Ngày hôm sau, cũng chính chiếc cắt móng tay đó đã được dùng để cắt lấy mẫu móng tay của nạn nhân thứ hai. Mặc dù kéo cắt đã được tẩy uế giữa hai lần sử dụng, nhưng do sơ suất, vật liệu di truyền từ nạn nhân thứ nhất vẫn "lọt" qua quá trình tẩy uế và truyền tới móng tay của nạn nhân thứ hai, dẫn đến kết quả phân tích ADN kỳ quặc.[/justify]
[justify]Kết quả kiểm tra đối với các kéo cắt móng tay thử thi của nhà xác thậm chí hé lộ, không chỉ 2 mà có tới 3 mẫu ADN riêng rẽ tồn tại trên nó. Việc ô uế ADN cũng được phát hiện ở nhiều dụng cụ khác của nhà xác, chẳng hạn như dao mổ tử thi, nhưng không gây ra vấn đề vì chúng không được dùng để trích lấy mẫu ADN.[/justify]
[justify]Ông Silverman ngay lập tức đã gửi một bản ghi nhớ khẩn tới tất cả các điều tra viên, chuyên gia pháp y và nhà xác khắp nước Anh, nêu rõ vấn đề và yêu cầu, trong tương lai, tất cả việc cắt móng tay cần phải được thực hiện bằng kéo dùng một lần và chúng sau đó được bỏ vào túi bằng chứng cùng với mẫu móng tay để xác thực điều này. Quy trình hiện vẫn được tuân thủ cho tới nay.[/justify]
[size=6]Thách thức thời hiện đại[/size]
[justify]Việc phân tích ADN thời hiện đại nhạy cảm tới mức, sự ô uế đang là vấn đề lớn do nguy cơ khiến các cuộc điều tra tội phạm diễn ra theo hướng sai lệch. Năm 2007, ở Đức, các dấu vết ADN thuộc về một phụ nữ vô danh được tìm thấy ở hiện trường vụ sát hại một cảnh sát. Khi đối chiếu với cơ sở dữ liệu Đức, mẫu ADN giống hệt dường như đã tồn tại ở hiện trường 5 vụ thảm sát khác tại Đức và Pháp cùng với hiện trường của nhiều vụ trộm, cắp xe hơi. Tổng cộng ADN của người phụ nữ nọ được ghi nhận ở hiện trường 40 vụ án riêng rẽ.[/justify]
[justify]Nhà chức trách Đức đã mất tới 2 năm để tìm kiếm thủ phạm để rốt cuộc chỉ khám phá ra rằng, mẫu ADN nói trên thực tế xuất hiện trong các miếng gạc được các điều tra viện sử dụng để thu thập mẫu tại hiện trường. Những miếng gạc này vô tình bị một phụ nữ làm việc cho công ty sản xuất ra chúng làm ô uế.[/justify]
[justify]Suốt nhiều năm qua, ADN đã được coi là vũ khí chống tối phạm tối ưu, giúp lật tẩy thành công thủ phạm của các vụ án với các dấu vết ít ỏi hơn. Tuy nhiên, ông Silverman nhận định, theo nhiều cách, phân tích ADN có thể trở thành nạn nhân của chính thành công của nó, nếu quá trình thu thập, xử lý và phân tích không được tiến hành một cách thận trọng, nhằm loại bỏ khả năng nhầm lẫn hoặc ô uế, hay thiếu bằng chứng củng cố thêm sự liên quan trực tiếp của nó với vụ án.[/justify]