Ảnh - truyện vui 2012-07-12 03:54:22

Cô bé đưa mắt nhìn quanh như kiếm tìm. ....




Cô bé đưa mắt nhìn quanh như kiếm tìm. Cũng đôi mắt ấy trong tích tắc lại buồn rầu cụp xuống. Bởi có ai đâu cho em tìm, hành trình đi thi đại học của em không ai đón đưa. Hành trang chinh phục giảng đường đại học của em là cái bụng đói meo với 200.000 đồng.



Đó là tâm trạng của cô bé Nguyễn Thị Liên (xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh). 9 năm nay, Liên đã phải một mình chăm sóc 3 em còn nhỏ dại.

Nhà Liên có 4 chị em, Liên là chị cả, dưới Liên có 3 em nhỏ là Nguyễn Thị Điệp học lớp 10, Nguyễn Văn Nghĩa học lớp 8 và Nguyễn Văn Trung học lớp 3.

Công việc thuần nông, lại đông con khiến cuộc sống vốn đã chật vật lại thêm bế tắc khi bố Liên là anh Nguyễn Văn Ngọ hai lần bị tai nạn phải nằm viện. Tiền viện phí, rồi các khoản thua lỗ do làm ăn đã đưa gia đình đến cảnh nợ nần chồng chất. Chị Nguyễn Thị Luyến - mẹ Liên rong ruổi khắp các tỉnh kiếm việc làm lấy tiền nuôi con, ai thuê làm gì cũng làm, miễn kiếm ra tiền và đó là công việc trong sạch: lúc thì xin đi gánh gạch thuê, lúc lặn lội lên tận Quảng Ninh gánh đá, nhặt than… vất vả là vậy nhưng cũng chẳng đủ tiền gửi về nuôi con. Năm 2002, anh Ngọ quyết định vào Gia Lai buôn bán, chị Luyến sau một thời gian rong ruổi cũng sang Thái Lan làm giúp việc, nhưng do công việc không như ý muốn nên 1 năm sau vào miền Nam cùng chồng.

“Thời gian đầu bố mẹ lưu lạc cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất với bốn chị em em. Khi đó em mới 9 tuổi, em Trung chưa tròn 1 tuổi. Em phải chạy khắp xóm hỏi cách nấu bột, rồi bế em đi khắp làng hỏi xem có cô bác nào mới sinh em bé để xin cho em Trung “bú trực”. Em Trung nhớ hơi mẹ nên khóc suốt, em Điệp lại bị phù thận phải đi viện. Nhà chẳng có gì đáng giá. May có hàng xóm và các cậu mợ giúp đỡ.

Thời gian đầu do công việc chưa ổn định nên bố mẹ em hầu như không có khả năng gửi tiền về, 4 chị em phải tự trang trải. Ngoài giờ học, em cùng các em đi bắt ốc, mò cua, mót khoai để ăn. Có nhiều hôm, mấy chị em phải ăn cơm với muối. Rồi được bác hàng xóm mách nước, em đạp xe lên thôn Đông Hồ - cách nhà 7km xin làm hàng mã thuê. Sáng 4h em phải thức dậy nấu cơm cho các em ăn, rồi đi làm thuê đến 11h trưa về lo cơm nước cho các em để chiều còn đi học. Để có gạo ăn, một mình em làm 2 sào ruộng, tất bật từ sáng đến khuya…”. Liên bùi ngùi nhớ lại.



Hành trình “làm mẹ, làm cha” nuôi các em ăn học của Liên thấm thoắt cũng đã 9 năm. 9 năm lưu lạc nơi xứ người, thảng hoặc lắm bố mẹ mới có tiền gửi về cho chị em Liên. Mọi gánh nặng dồn lên vai cô bé có dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen vì mưu sinh.

“Năm nay cả 4 chị em em đều bận học nên thu nhập vì thế cũng hạn hẹp hơn nhiều. Trước hôm lên Hà Nội làm thủ tục thi đại học, em phải đến “vay nóng” cô chủ nơi em làm thuê 200.000 đồng, làm thủ tục thi đã hết gần 1 nửa. Phần còn lại quá ít ỏi, không đủ để thuê chỗ trọ, em đành chọn giải pháp sáng đi tối về nhà. May có chị hàng xóm sáng phải ra Hà Nội giao đậu phụ từ 3 giờ, chị cho em đi nhờ đến Đại học giao thông vận tải, rồi tự em đi bộ đến điển thi. Chiều nay thi xong em tự bắt xe bus về. Sáng mai lại đi nhờ chị ấy…”.

“Em thích trở thành giáo viên hoặc bác sĩ, em cũng thích làm kinh tế nhưng nghe nói học trường kinh tế tốn nhiều tiền lắm mà nhà em thì không có điều kiện. Thế nên lựa chọn thích hợp nhất trong hoàn cảnh gia đình em là thi vào sư phạm. Vì thế em đăng ký vào Đại học sư phạm Hà Nội để thực hiện ước mơ của mình. Sáng nay em làm bài cũng khá tốt. Em sẽ cố gắng học hành để sau này kiếm được nhiều tiền cho các em em được mặc quần áo đẹp và để bố mẹ em không phải bôn ba kiếm sống nữa”.

Tôi hỏi em về chuyện ăn uống trong 2 ngày thi, em cười buồn “Buổi sáng trước khi đi bà ngoại đem đến cho em gói xôi để trưa ăn. Nhưng em để ở nhà cho các em có cái ăn, em Điệp thích nhất món xôi bà nấu. Mà em lo thi nên cũng chẳng ăn được gì đâu chị ạ. Nhịn cho nhẹ bụng..”.

Nói rồi em lại đưa đôi mắt ầng ậc nước nhìn những bạn thí sinh khác được bố mẹ chăm bẵm, hỏi han: “Đã 9 năm rồi mấy chị em em thiếu bàn tay chăm lo của bố mẹ. Em thèm một bữa cơm đoàn viên, thèm cả những lời mắng mỏ của bố mẹ. Em lo lắm, nếu em thi đậu đại học, không biết mấy chị em em sẽ xoay sở thế nào..”.

Chia tay Liên, tôi không khỏi bùi ngùi cho hoàn cảnh của em.Thật đáng khâm phục biết bao sự can đảm, vượt lên chính mình của cô bé Liên- một cô bé mới 17 tuổi mà đã 9 năm trôi qua thay cha mẹ giữ vai trò trụ cột của gia đình. Hành trình đến với giảng đường đại học của em còn rất gian nan khi mà cái nghèo còn luẩn quẩn, đeo bám. Liên và các chị em của em đang cần lắm bàn tay chia sẻ của cộng đồng.







[size=5][/size]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)