Nghệ thuật sống 2011-06-01 11:41:22

Cơ duyên đầu tiên của tôi trên đất Mỹ


Một người thợ hàn. Ảnh minh họa: Ecki.
[size=2]Độc giả Charles Trần - tác giả của bài viết 'Tôi làm giàu ở Mỹ thế nào' - chia sẻ về những ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ.[/size]Kính gửi báo VnExpress,

Sau khi đọc lại một số các góp ý của bạn đọc, tôi vì rảnh rỗi nên viết tiếp phần còn sót lại của bài trước. Hy vọng bài này củng sẽ được quý báo đón nhận.

Trong bài "Tôi làm giàu ở Mỹ như thế nào" mặc dù muốn trải dài câu chuyện của tôi, nhưng lại cố tóm tắt, nên còn bị thiếu sót những đoạn vui nhộn. Vì vậy tôi cố hoàn thiện thêm phần này để các bạn có cái nhìn vào những khúc, đoạn mà trong bài trước còn sót lại. Tôi cũng dùng bài này để trả lời một số các bạn đã hỏi tôi: Trong sự thành công có may mắn đi kèm không? Câu hỏi của các bạn sẽ tìm được câu trả lời trong bài này. May mắn nếu có thì là một ân sủng, nhưng may mắn cũng chưa hẳn là tốt đâu. Vì may mắn luôn có tai hoạ đi cùng, cũng như làm sao nói được là mình đang gặp may mắn? Tôi sẽ cùng chia sẻ với các bạn về may mắn trong một bài khác.

Có bạn gợi ý kiến là tôi nên viết sách. Bạn đã không chịu nhìn rồi, vì đã là sách thì luôn không đúng sự thật, mà cho có đúng thì vẫn bị dễ dàng đào thải vì sự khác biệt trong môi trường cũng như nhân sinh quan của xã hội và thời gian. Tôi nhận được nhiều cổ vũ, vui thì có vui, nhưng tôi lại thấy rằng thì ra còn quá nhiều người chưa từng trải nghiệm.

Có một bạn khi nhận định về bài viết của tôi: “Đủ ăn đủ mặc là quí rồi”. Tôi thấy mừng cho anh bạn này vì anh ta là người sung sướng và không cần được chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu. Giấc mộng của anh bạn ấy chỉ có vậy (!!)

Có anh: (BLOC) hỏi tôi về chuyện credit card và nghi ngờ rằng liệu có ai cho lấy tiền ra như vậy không và nếu làm như tôi thì ngân hàng làm sao có lãi. Anh bạn này cũng chẳng chịu nhìn chút nào, vì khi mức tín dụng đã cho anh, thì anh dùng cách nào là quyền của anh. Mỗi lần anh cash tiền ra anh phải trả cash advanced fee như vậy khi dùng thẻ là anh làm lợi cho ngân hàng chứ đêu có phạm luật như anh bạn nói đâu!

Còn anh nói đến dự án 1.000 mobile home park, là tôi đã làm cú lừa khách hàng, còn tôi gọi là chiến lược phát triển kinh doanh đấy anh bạn ạ. Chẳng ai lại đâm đầu đi mua chỗ đậu mobile home park tại một nơi chưa có dự án phát triển. Còn tôi lên dự án, có bài bản, có giấy phép kinh doanh. Mặc dù số tiền tôi bỏ ra ban đầu không lớn, nhưng lợi nhuận tôi bán đi thì gấp vài chục lần vốn tôi bỏ ra. Xin anh nhớ cho là tôi không xây dựng mobile home park, nhưng người mua lại của tôi họ vẫn kiếm lợi bằng dự án mà tôi khai sinh ra.

Ví dụ thứ nhất khi tôi nói về việc được cho 100 USD, tôi không gọi đó là thành công vì tôi chỉ làm có một lần. Tôi viết lên để so sánh cái góc độ liêm sẻ của con người, cũng như lòng tự tin nó được đánh giá cao đến đâu.

Tôi xin đựơc kết luận vắn tắt như sau: Trên diễn đàn này mục đích của người viết và cả người đọc là được chia sẻ, có những điều không áp dụng được cho người này, nhưng vẫn có thể áp dụng cho người khác. Kinh nghiệm của mỗi ngưởi trải nghiệm trên mục này nó như một mâm bánh, bạn hãy ăn miếng nào bạn có thể ăn nhưng đừng vội vã ăn hết và chê là không biết làm bánh.

Câu chuyện của tôi lại phải quay trở lại, với kỷ niệm của những ngày mới đến Mỹ. Câu chuyện này lại là tiền thân của câu chuyện: Tôi làm giàu trên đất Mỹ ra sao? Xin các bạn cho phép tôi vào cuộc nhé!

Một hôm tôi nhặt được tờ báo địa phương cũ trong phần quảng cáo tìm nhân sự có một hãng đóng tàu của thành phố đang cần tuyển công nhân lao động bao gồm: electrician, carpenter, và welder.Với vốn liếng tiếng Anh có hạn, tôi hiểu electrician là thợ điện, hay carpenter là thợ mộc nhưng welder thì tôi chịu, chẳng hiểu nó là cái quỉ quái gì nhưng tôi vẫn tự đến để xin việc.

Khi tôi đến văn phòng của hãng, điều khiến tôi không ngờ rằng hình như mọi người đều quen tôi. Một phụ nữ tiến ra và hỏi: anh có phải là Mr Trần, người Việt Nam, mới đến thành phố này? Tôi vừa gật đầu vừa run vừa rặn mãi mới ra được chữ “yes madam”. Thế là những tiếng “welcome to" thật thân thiện của họ dành cho tôi đã làm tôi bớt đi rất nhiều ngỡ ngàng. Sau khi biết tôi đến để tìm việc làm, họ cho tôi điền đơn vào một mẫu đã in sẵn và bảo tôi ngồi chờ. Khoảng 15 phút sau, một người da đen to lớn và chững chạc ra dấu cho tôi vào phòng bên trong, và ông đã rất lịch sự và tỏ ra thật kiên nhẫn khi đặt câu hỏi và nghe tôi trả lời bằng tiếng anh với ông. Sau cùng thì chúng tôi cũng hiểu nhau. Ông biết tôi cần việc làm nhưng không tin tưởng lắm về những điều tôi khai, còn tôi thì gần như quả quyết là tôi có thể làm cả ba công việc mà hãng đang cần. Ông gọi một nhân viên về quản lý nhân sự rồi ái ngại nhìn tôi và nói: Thợ điện đã hết chỗ, thợ mộc cũng vậy, chỉ còn welder vậy anh có muốn làm welder không? Thật tội nghiệp cho tôi đã không hiểu, thế mà khi người ta hỏi tôi lại thản nhịên gật đầu.

Một ngày kinh hoàng bắt đầu. Tôi được giao cho một mảnh giấy để đi xuống khu vực thi hành nghề. Khi đến nơi tôi mới hiểu: Chúa ơi nó là nghề thợ hàn mà cả đời tôi có biết hàn là gì đâu! Nhưng đã lỡ phóng lao thì phải theo lao. Tôi nhận được 6 miếng sắt và theo tiêu chuẩn của khảo sát là tôi phải hàn 6 miếng sắt lại với nhau ở những vị trí khác nhau. Flat weller - hàn trên mặt phẳng, horizental -hàn vị thế nằm ngang và over head - hàn qua khỏi đầu. Tôi mang 6 miếng sắt vào boot thi, miệng tôi trở nên đắng ngắt. Tôi chẳng biết mình phải làm gì, mà bỏ ra về thì không ổn, nên trong đầu tôi cứ suy nghĩ trăm phương ngàn kế chỉ làm sao ra khỏi chỗ này một cách bảo toàn danh dự. Chẳng biết là tôi có ở hiền không nhưng quả thật trời đã không phụ lòng tôi. Sau gần một giờ đồng hồ chôn chân trong cái boot vải và hút gần hết gói thuôc mang theo, thì ngay boot bên cạnh có một người khác vào thi. Ông ta chỉ cần 15 phút là đã xong. Người giám sát đi vào quan sát mối hàn và quyết định trình độ hàn của người thi.

Ngay sau khi người thi bên cạnh này bước ra, tôi đã có kế thoát thân bẳng cách lén lấy những thanh sắt mà người kia đã hàn mang sang bên boot của tôi rồi cũng mời giám thị vào để xét nghiệm. Ông ta coi xong rồi hý hoáy vài hàng chữ vào tờ giấy của tôi bảo tôi mang trả lại phòng nhân viên. Mục đích của tôi chỉ là để có kế thoát thân trong danh dự thế mà khi tôi trao miếng giấy cho ông trưởng phòng nhân viên ông ta đã rú lên: Tuyệt quá, quá tuyệt anh bạn trẻ ơi. Chúc mừng anh, anh được nhận làm thợ hàn loại một (first class welder). Nghe ông ta nói mà tôi bủn rủn cả chân tay. Tôi nào có muốn làm thợ hàn loại một, chẳng qua là tôi chỉ muốn có cớ để cho xong việc làm dại dột của mình. Tuy thế vẫn chưa kinh hoàng nếu so với lúc ông ta bốc phone gọi cho đài truyền hình và thông báo: Người công dân mới của thành phố đã được hãng nhận với vị trí chuyên viên hàn hạng một.

Đến nước này thì thôi đã phóng lao đành phải theo lao, bất quá ngày mai mình lấy cớ không thích nghề hàn và không đi làm thế là ổn (tôi tự an ủi). Nhưng lại kinh hoàng hơn khi về đến nhà thì đã thấy người bảo trợ tươi cười bắt tay và nói: Chúc mừng anh, tôi vừa được phone của hãng đóng tàu và đài truyền hình cho biết là anh đã thành công hoàn tất welding test, và sẽ đi làm ngày mai. Để mừng cho tôi ông bà bảo trợ cho lục tung tủ lạnh và lấy hết thực phẩn ra làm một bữa "cook out" với mấy người hàng xóm tham dự. Tới giờ ngủ, tôi còn nghe ông bảo trợ dặn dò: anh phải dậy lúc 4 giờ sáng, tôi sẽ chở anh đi làm và buổi chiều sẽ đón anh! Cả đêm ngủ không được, tôi chỉ mong 4 giờ sáng đừng bao giờ đến nhưng sao đêm nay nó lại ngắn thế chỉ trở mình vài cái là đã bị ông bảo trợ đánh thức và bị đưa tới nơi kinh hoàng nhất của tôi. Vì là thợ loại 1 nên tôi được phân công trên tầng 7 của chiếc tàu đang đóng, tôi được giao cho những chiếc đũa hàn to bằng ngón chân cái và một blue print ghi rõ những phần việc mà tôi phải hàn.

Sau cả tiếng đồng hồ kéo giây hàn, tôi đã chuẩn bị cho giờ phút mà tôi bị đuổi ra khỏi hãng vì không biết hàn. Thế nhưng ở đời vẫn có những cái bất ngờ. Số là sau hơn 3 giờ đứng rồi ngồi và chỉ để hút thuốc, 10 giờ sáng người trưởng bãi đi kiểm tra công việc, khi thấy tôi chưa hàn mối nào thì lập tức ra dấu cho tôi theo ông ta xuống văn phòng điều hành. Một phép lạ đã xảy ra. Tôi đành thành thật trình bày những sự việc liên tiếp xảy ra từ khi tôi đến xin việc và cũng xin lỗi ông ta vì lỗi lầm mà tôi đã gây ra. Nói xong tôi ngạc nhiên khi thấy ông ta ôm bụng cười rồi bỏ ra ngoài. Tôi chẳng biết làm gì hơn, đang định đứng dậy đi về thì ông ta trở lại với một người khác và bàn giao tôi cho người này. Thế là ngày hôm đó tôi làm thợ vịn với mức lương thợ hàn loại 1, mức lương 14 USD một giờ. Đến 4 giờ chiều tôi bị mang trả lại cho phòng điều hành. Mặc dù chỉ mới là nhân viên có một ngày, nhưng môt ngày thật có giá trị với tôi, và biết rằng mình sẽ bị đuổi, nên tôi tỏ vẻ bịn rịn với anh thợ làm chung vì nghĩ mình chẳng còn cơ hội để làm thợ hàn thêm một ngày nào nữa.

Thế nhưng chuyện thần tiên lại vẫn xảy ra trong thế kỷ 20 này đó các bạn. Sau khi trở lại phòng điều hành, người trưởng bãi cho tôi biết là tôi không bị đuổi và đề nghị tôi theo học một khoá học chuyên ngành hàn do hãng đào tạo. Thời gian học là 6 tháng và tôi vẫn được hưởng lương thợ hàn loại 1 trong suốt quá trình khoá học. Sau này tôi mới biết là người trưởng bãi từng là phi công trực thăng và đã có thời gian tham chiến tại Việt Nam. Cái lý do để ông ta giúp tôi là vì tôi đã thể hiện được cái đàn ông tính Viết đến đây tôi xin ngừng một phút để nhớ về ông Garry một người đã giúp tôi bước vào đời sống Mỹ. Theo như lời giải thích của ông Garry, thì công ty có nhu cầu sử dụng một số chuyên gia ngành hàn, có trình độ cao, và học viên được tuyển là do đốc công đề bạt. Chương trình được review và học lại từ đầu nên mới có sự may mắn xảy đến cho tôi.

Sau 6 tháng, tôi là một trong ba người có điểm đậu cao nhất (thủ khoa). Tôi bây giờ đã có tay nghề cao, để có thể hàn bất cứ một loại hợp kim nào từ đóng tàu cho đến hàn những ống nối nhỏ như ruột bút bi cho các hệ thống thí nghiệm. Với đồng lương 14 USD một giờ, thời điểm đó được gọi là mức lương khá cao. Một kỹ sư mới ra trường lương chỉ 12.000 đến 15.000 một năm. Những người không có nghiệp vụ lương tối thiểu chỉ có 2.75 USD/giờ. Vì sống trong một thành phố nhỏ, tôi biết để dành và tiết kiệm tối đa, nên chỉ sau vài năm trong tài khoản tôi đã có một số tiền tương đối. Nhưng đó vẫn là chuyện sau vài năm vì thời gian này tôi vẫn còn nhiều điều thú vị để kể cùng các bạn.

Để không bị gián đoạn những điều thú vị trong thời gian tôi đi học nghề hàn thì một tai nạn khác xảy ra cho tôi. Số là tôi ở thuê một căn hộ tại số 1900 Oldshell Rd, Mobile Alabama, căn nhà thật cũ, có 1 phòng ngủ và 1 phòng khách, với giá 70 USD một tháng. Chủ nhà là một thiếu phụ ở tuổi 60, hiền lành và rất đạo đức. Vào một buổi sáng tôi nhảy vượt bậc ở cầu thang, nên cái cầu thang cũ kỹ kêu rắc và gãy luôn. Hoảng quá, buổi chiều tôi về sớm và vội vàng đi mua gỗ, đinh vit để làm lại cầu thang mới, lại còn tìm cho đúng màu sơn để trả lại tình trạng cũ cho chủ nhà. Nhưng dù cố gắng đến đâu thì cũng không che giấu được sự khác biệt giữa cái cũ và cái mới. Nhưng chính cái cầu thang này lại tạo cơ hội cho tôi làm chủ đấy các bạn ạ.

Thật ra ở Mỹ, chủ nhà phải sửa chữa mọi hư hại, nếu vì cái cầu thang mà làm tôi bị thương tật thì bà chủ nhà khó tránh khỏi rắc rối. Vì tôi không hiểu luật, nên tự bỏ tiền và thời gian, tự sửa chữa và không dám than vãn về những hư hại của căn nhà, cứ hư cái nào tôi lại tự sửa cái đó. Và chuyện đến tai bà chủ nhà. Bà ấy đã rất cảm kích và khen tôi là super handyman và đề nghị tôi làm việc cho bà ấy. Một đề nghị quá tuyệt vời vì thời gian là tuỳ tôi, không gò bó. Tôi có nhiệm vụ trông coi 62 căn nhà của bà cho thuê nằm rải rác trong thành phố và tôi đồng ý ngay.

Tôi làm thợ sơn

Căn nhà đầu tiên bà yêu cầu tôi sửa chửa lại chính là căn nhà bà ta đang ở. Công việc chỉ là sơn lại bên ngoài của căn nhà. Bà cho biết là nhà thầu ra giá 550 USD tiền công, và hỏi giá của tôi là bao nhiêu? Tôi liều lĩnh ra giá 325 USD làm bà khựng lại nhìn tôi e ngại nhưng vẫn nói: Labor của anh quá thấp, nhưng anh cứ làm đi nếu lỗ thì cho tôi biết. Tôi không muốn anh bị thua thiệt.

Chiến lược của tôi

Vì đã có con số 62 căn nhà phải làm nên tôi đi mua ngay một máy phun sơn, và một máy phun cát. Tôi cũng không thuê ai phụ mà đích thân làm mọi việc. Với máy phun cát tôi chỉ tốn chưa đầy 2 giờ là bóc sạch lớp sơn cũ và thêm 5 tiếng để sơn toàn diện kể cả trimming. Với 325 USD, bạn chia cho 9 tiếng làm việc tôi có tiền công hơn 30 USD một giờ. Và dĩ nhiên tôi thật vui, thì bà chủ nhà của tôi củng thoải mái.. vì rẻ quá.

Thấy làm thợ sơn part time hơi ngon nên tôi tính đến việc thu tiền càng nhanh càng tốt. Vài hôm sau tôi đi kiểm tra tất cả số nhà còn lại, và tất cả đều phải sửa chữa. không nặng thì nhẹ, tôi lên kế hoạch tuyển nhân viên. Tôi tìm đến sở thất nghiệp và kín đáo gọi một số thanh niên Mỹ đang chờ lãnh tiền thất nghiệp, và thuê họ làm việc và trả tiền mặt 30 USD/một ngày. Vì đã trải nghiệm nên tôi biết rõ thời gian và chi phí cho từng căn nhà. Mỗi ngày nhân viên của tôi đông hơn và chỉ trong 3 tháng tôi thanh toán sạch sẽ 62 căn nhà.

Sau đó cũng do người chủ nhà của tôi đã giới thiệu tôi với hàng xóm và trong mắt họ tôi là người đáng yêu nhất, việc làm kỹ lưỡng mà giá thì quá rẻ, rồi nhà thờ và sau đó là cả một số các công sở, tôi thật sự nổi tiếng cho đến độ sở thuế sờ gáy tôi. Nhưng cái ông sở thuế làm việc với case của tôi lại là một vị khách mà tôi đã sửa nhà cho ông. Vì thấy giá quá rẻ thì chính ông ấy lại là người sau khi trả tiền công đã cho tôi thêm 50 USD vì sợ tôi bị lỗ. Tại bàn làm việc ông ta hỏi tôi: anh có lời nhiều không? Tôi vội lắc đầu: chỉ kiếm đủ tiền chứ chẳng là bao. Ông ta tin tôi thật nhưng khuyên tôi nên mở công ty làm dịch vụ, có kế toán để dễ dàng khai thuế. Thế là công ty Homeless Servive Company ra đời. Nghe cái tên cũng đã thê thảm nên chẳng có ma nào làm phiền tôi nữa, và cũng từ đó rất nhiều cơ quan trở thành thân chủ của công ty Homeless Servive.

Hình ảnh khó quên: Mặc dù gặp nhiều may mắn và có đồng ra đồng vào nhưng tôi có đời sống vô cùng khiêm nhường. Quần áo chỉ có 3 bộ, ba quần jean và mấy chiếc áo pull cũ kỷ, giày chỉ có hai đôi bata. Tôi làm chủ một chiếc xe hiệu Ford Falcon đời 1966, sơn thì loang lỗ, chỉ được cái máy thì bất kể thời tiết nào cứ nhích chìa khoá là máy nổ giòn ngay. Cũng chính vì cái xe này mà tôi đã vi phạm luật giao thông, chút xíu nữa là bị nằm ấp đấy. Số là sau khi mua được chiếc xe với giá vừa bán vừa cho, tôi vội vàng đi mua mấy bình sơn xịt và xịt túi bụi lên thân xe dù không đẹp nhưng vẫn dễ coi hơn lúc chưa sơn Thế là tôi thông báo với anh bạn ở cách tôi hơn 100 dặm là tôi đi thăm anh ta vào chiều thứ sáu sau khi tan sở. Tôi còn có lý do chính đáng hơn: khi anh bạn cho biết là có cô em gái mới về ở chung và "mày thích tao làm mai cho"!!!

Đường xa lộ ở Mỹ thì khỏi chê, ra khỏi exit, tôi vào xa lộ lòng đầy phấn khởi, chiếc xe tăng dần lên vận tốc 87-88 dặm một giờ mà tôi chẳng quan tâm. Tôi nghĩ trên xa lộ làm quái gì có cảnh sát nhưng rồi chỉ 40 phút sau, một chiếc trực thăng của cảnh sát bay rà trên đầu tôi và ra hiệu cho tôi ngừng lại. Thế mà tôi không hiểu lại còn vừa cười, tay lại ra dấu vẫy chào đón, xe vẫn không giảm tốc độ. Sau khi chạy thêm vài dặm tôi thấy trước mặt có 2 xe cảnh sát chận ngang và mấy khẩu súng đang chĩa vào xe tôi. Hoảng hồn, tôi vội vàng thắng lại rồi ngồi yên trên xe và nghĩ mình sắp đi ở tù..

Rồi màn khám xét bắt đầu. Bằng lái xe của tôi chỉ mới được cấp có 10 ngày, trong bóp tôi có đúng 47 USD, trên xe ngoài bình xăng vừa đổ đầy, chiếc bánh dự phòng xì lốp chưa kịp vá. Một sĩ quan cảnh sát hỏi tôi: anh có biết anh phạm lỗi gì không? Tôi lắc đầu. Ông ta hỏi tiếp: khi anh thi lấy bằng lái xe anh có hiểu là vận tôc chỉ được chạy 55 dặm một giờ không? Tôi lại lắc đầu và lắp bắp chẳng ra câu. Ông ấy bực bội hỏi lại: thế theo anh thì anh được chay bao nhiêu dặm một giờ? May quá tôi ngừng xe ngay cái bảng chỉ tên highway 98. Tôi lấy tự tin và trả lời: Xa lộ này tôi được chạy 98 dặm nhưng tôi mới chạy có 87, it was under limit still (vẫn dưới mức cho phép). Vừa nghe tôi trả lời xong, tôi nghe trong máy khuếch đại nhiều tiếng người cười rũ rượi. Viên sĩ quan cảnh sát nét mặt dịu lại, cầm cuốn sổ phạt ghi chép rồi đưa cho tôi: Vì anh không biết và chưa từng phạm lỗi, nên tôi cho anh giấy cảnh cáo, anh không bị phạt nhưng từ nay anh phải hiểu là toàn nước Mỹ này vận tốc di chuyển chỉ có 55 dặm, anh hiểu không? Tôi lý nhí cảm ơn nhưng để chắc ăn vị cảnh sát nhắc lại: anh hiểu 55 không? Rôi xoè bàn tay ra nhấn mạnh hai lần: Five –Five Ok. Và tôi cũng vội vàng Ok.

Thấm thoát thời gian trôi qua gần 3 năm. Có chút tiền tôi cũng nghĩ đến chuyện nâng cấp cho mình: mua một chiếc BMW mới, nghỉ vacation 1 tháng (3 năm không lấy vacation), mua cho mình bộ veston, mấy chiếc áo và vài cái quần mới. Và tôi thành người mới. Tôi lái xe một mạch từ Mobile đến California và không quên mang theo các chứng chỉ ngành hàn. San Jose lúc đó còn rất nghèo, người Việt Nam một phần lớn chọn nghề làm điện. Đàn ông thì học điện tử và làm technician còn phụ nữ làm assembly. Các hàng ăn uống chưa có, cuối tuần một vài người mở bán đồ ăn tại nhà. Thế mà vui đáo để. Gặp lại cộng đồng người Việt, lại có rất nhiều phụ nữ Việt chưa chồng, mầm mống của một cộng đồng đang dần thành hình. Tôi rời San Jose đi xuống miền nam California, người Việt còn đông hơn, nhà cửa thì còn quá rẻ, chỉ cần 15 ngàn là đã có thể mua một một căn nhà. Tôi vòng về Los Angeles, nơi nào cũng có người Việt. Điều đặc biệt là là quan hệ chủng tộc, cứ thấy người Việt là mừng rỡ.

Một tháng rong chơi cũng gần hết, nghĩ lại quãng đường trở lại miền đông sao mà xa quá. Tôi định trở lại San Jose lần cuối và không biết bao giờ trở lại nữa. Một lần đi lạc xuống đường Coleman, con đường này hình như bị hãng FMC chiếm ngụ gần hết. Tò mò tôi ghé vào thử lảm đơn xin việc. ( FMC là công ty sản xuất cơ khí quốc phòng như xe tăng và các loại xe hạng cơ giới khác. Họ cần rất nhiều thợ hàn). Tôi được phỏng vấn ngay và trong buổi phỏng vấn tôi trình những chứng chỉ ngành hàn mà tôi có, lập tức tôi được mướn ngay và không cần phải trắc nghiệm, với mức lương 19 USD một giờ. Họ yêu cầu tôi đi làm ngay. Thời gian đầu tôi tá túc ở nhà một người quen.

Cái tin một người Việt Nam làm nghề hàn có mức lương 19 USD một giờ bùng ra. Vài ngày sau có hàng chục người đền hỏi tôi: làm sao để học nghề hàn (?) Cũng trong tuần lễ cuối cùng ở San Jose trước khi dự tính trở lại Mobile Alabama, trong chuyến đi của tôi xuất hiện một bóng hồng và nàng đề nghị tôi đừng trở lại Mobile nữa. Thật ra 3 năm sống tại Mobile tôi cũng có nhiều níu giữ, nhưng sức mạnh ái tình làm tôi phải chọn một, và tôi liên lạc về hãng, xin nghỉ không lương 3 tháng rồi nhờ người bán lại công ty Homeless Services của tôi được 36.000 USD.

Ở thời điểm 78-80 mà có được trên 300 ngàn USD quả thật đó là tài sản lớn. Cô bạn tôi khuyên tôi trở lại đi học mặc dù với đồng lương thợ hàn khá cao nhưng khói bụi và tiếng ồn của cái công việc hàng ngày cũng làm tôi phải đồng ý bỏ nghề và chuyển hướng sang một nghề khác.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)