Chiếu vào giờ vàng vẫn khó nuốt - Nguyễn Thảo Hương (23 tuổi, SV Biên kịch, trường Sân khấu điện ảnh)
Cả hai phim đều được quảng cáo rầm rộ, bản thân tôi thấy hồi hộp chờ đợi lắm. Nhưng kết quả đã gây thất vọng, đặc biệt là “Những người độc thân vui vẻ”, dù đã chiếu vào giờ vàng nhưng vẫn…khó nuốt!
Dàn diễn viên giàu kinh nghiệm nhưng chưa tạo được yếu tố mới mẻ, bứt phá.
Tuy nhiên, nếu so sánh thì "Cô gái xấu xí" ăn đứt "Những người độc thân vui vẻ" bởi dàn diễn viên diễn xuất mới mẻ, hiện đại hơn, tác nghiệp nhuần nhuyễn hơn, dựng được những nhân vật sốt, điển hình, không bị nhạt nhẽo, không bị kịch hoá. Phim tạo được những gút thắt, dằng dai liên quan giữa các tập, khiến cho khán giả muốn theo dõi các tập tiếp theo.
Tôi nghĩ phim truyền hình giống như làm dâu trăm họ, nên rất khó để nhận được tất cả lời khen. Miễn được khán giả phản hồi là đã mừng rồi. Nhưng những lời đóng góp của khán giả chỉ có giá trị khi các nhà làm phim xác định được việc mình cần làm để tránh được những hạt sạn tiếp theo, và hạn chế được nỗi thất vọng của khán giả.
Điều đáng buồn là một thể loại phim mới có thể sẽ được sản xuất nhiều trong tương lai mà lần đầu tiên xuất hiện đã tạo ấn tượng không tốt đối với người xem thì cơ hội làm lại xem ra sẽ vất vả hơn nhiều.
Trường quay triệu đô vẫn thất bại - Lê Mạnh Tiến (30 tuổi, Giám đốc sản xuất phim 3D công ty Miavn)
"Cô gái xấu xí" chưa đúng hẳn với thể loại Sitcom, vẫn lồng tiếng, các tập liên quan đến nhau chứ không phải mỗi tập có tình huống riêng. Nhưng có lẽ chính những yếu tố này làm cho "Cô gái xấu xí" gần gũi và dễ được khán giả Việt Nam chấp nhận hơn.
Trường quay triệu đô chưa phát huy hết tác dụng
Một bộ phim truyền hình với đầu tư công phu, tốn kém, trường quay cả triệu đô nhưng "Những người độc thân vui vẻ" lại nhận được rất ít phản hồi tích cực từ phía khán giả thì có thể gọi là một thất bại.
Một trong những thế mạnh của thể loại Sitcom là quá trình làm phim diễn ra lâu dài, vừa chiếu vừa sản xuất, nên có thể chỉnh sửa lại những lỗi làm cho bộ phim nhàm chán. Những tập đầu của "Những người độc thân vui vẻ" hay, thu hút được nhiều khán giả, nhưng càng sau càng nhàm. Một tình tiết vô lý và hời hợt là gửi nhầm thư tình mà chỉ vơi bằng ấy tập phim đã lặp lại đến hai lần.
Và cũng không nên cường điệu hoá quá mức các chi tiết như: Hào Hùng là giám đốc mà suốt ngày bị nhân viên từ cô quét dọn phòng, anh mở cửa, nhân viên lễ tân, nhân viên phục vụ đến hai phụ trách buồng phòng và quầy bar hoặc là đuổi đánh, mắng mỏ hoặc là ăn nói rất xấc xược, khích bác đủ chuyện. Nhiều khi giám đốc lại phải chạy theo nhân viên để nài nỉ, thanh minh dù rằng mình đúng. Không hiểu vai trò lãnh đạo, điều hành của một giám đốc Hào Hùng để ở đâu. Trong cuộc sống, chắc chắn nhân viên của chung cư vui vẻ đều bị cho nghỉ việc từ lâu. Hoặc là chi tiết Thục Trinh và Quang muốn tranh cử làm thư ký nên làm vệ sinh bằng cách lấy bông ngoáy tai lau…kẽ lá…v.v…
Nếu nhà sản xuất quan tâm hơn đến phản hồi của khán giả thì có thể rút kinh nghiệm và bắt đầu làm mới lại bộ phim ngay từ bây giờ, may ra còn cứu vãn được tình hình và kéo khán giả trở lại với bộ phim.
Diễn viên Ngọc Hiệp trong vai "Cô gái xấu xí"
Chỉ nhiều danh hài thôi chưa đủ - Nguyễn Xuân Hoài (29 tuổi, phóng viên tự do)
Ở Miền Trung người dân không thích xem kịch nói, nên những phim mà giống kịch quá như "Những người độc thân vui vẻ" thì không được hưởng ứng nhiệt tình. Phim truyền hình nên có bối cảnh thoáng mở, trong khi phim "Những người độc thân vui vẻ" chỉ quanh đi quẩn lại 4 - 5 cảnh, bó hẹp quá, tù túng quá nên có cảm giác sân khấu hoá.
"Những người độc thân vui vẻ" có kịch bản hài hước nên lấy các danh hài đảm nhiệm vai diễn. Nhưng chỉ có như vậy thì thất bại, vì phải có cách tân, tạo cái mới, tình huống và chi tiết khác lạ mới gây cười được. Chứ tập nào cũng thế, phim lại kéo dài, ngày nào cũng nhai đi nhai lại thì méo miệng chứ cười sao được nữa.
Đừng đưa những giá trị lớn lao vào phim giải trí - Trịnh Việt Đức ( 26 tuổi, đạo diễn, VTV9)
Hai phim Sitcom đều được mua bản quyền từ nước ngoài. Nhưng “Betty xấu xí”- nguyên bản của "Cô gái xấu xí" thì có tiếng vang hơn “Khu nhà mới trong nắng” của Thượng Hải rất nhiều lần. "Betty xấu xí" đã thành công ở nhiều quốc gia, với số lượng khán giả khổng lồ, nên khi về Việt Nam có sức thuyết phục và thu hút người xem hơn là điều tất nhiên.
Một điều nữa, “Xấu xí” ăn đứt “Vui vẻ” là ở dàn diễn viên. Chi Bảo, Ngọc Hiệp… là những gương mặt diễn viên truyền hình được ưa chuộng, nhất là khán giả miền Nam. Trong khi Quốc Khánh, Chí Trung, Vân Dung, Quang Thắng có thế mạnh ở sân khấu hài nhiều hơn. Mỗi tập phim là một câu chuyện với cách gợi mở vấn đề không đến nỗi nhưng cách giải quyết vần đề thì dài dòng, kể lể, các tình huống hài không được khai thác hết.
Vân Dung đã hết phân cảnh cũng là hụt hẫng cho khán giả của "Những người độc thân vui vẻ".
Cuối cùng là muốn phim truyền hình ăn khách thì chỉ cần quan tâm đến thị hiếu của số đông khán giả. Phần lớn khán giả không yêu cầu quá cao các giá trị thâm thuý mà họ cần ở những phim giải trí đơn thuần, nhẹ nhàng.
Khán giả vẫn ưa thích những phim truyền hình của Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông bởi diễn viên đẹp, cảnh quay sạch sẽ, tình huống hài hước hay lãng mạn. Phim mình mua bản quyền của bạn để làm, cũng chỉ nên lấy những tiêu chí đó mà chiều lòng khán giả.
Chúng ta cố gắng làm sao để có những thước phim đẹp, sạch sẽ, cảnh quay đẹp là đã thành công rồi, còn việc đưa các giá trị lớn lao vào có khi chỉ làm nặng nề hơn mà hậu quả làm cho khán giả mệt mỏi, phim mất đi tính giải trí.
Theo VTC
[size=5]BẠN NGHĨ GÌ KHI SO SÁNH 2 BỘ FILM NÀY ? :)[/size]