Xây dựng đề án quan điểm, phương pháp tiếp cận phòng chống mại dâm giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn 2020: Có nên xem mại dâm như là một nghề hợp pháp?
Có nên xem mại dâm như là một nghề hợp pháp? (ảnh: VTC)
(VOH) - Sáng 10/06, Cục phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động Thương binh xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, Ủy ban Quốc Gia phòng chống AIDS tổ chức hội thảo “Xây dựng đề án quan điểm, phương pháp tiếp cận phòng chống mại dâm giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn 2020″. Những ý kiến đóng góp xoay quanh đề án sẽ được tập hợp, hoàn thiện để trình lên Chính phủ trong thời gian tới. Tiếp cận hoạt động mại dâm dưới góc độ là một nghề dưới sự quản lý của Nhà nước, như một số quốc gia trên thế giới đã thực hiện- đó là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và tranh luận tại hội thảo.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Minh - Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội đánh giá công tác phòng chống tệ nạn mại dâm trong những năm qua:
Audio 1 :
Theo bà Đỗ Thị Ninh Xuân - trưởng phòng chính sách 05 Cục phòng chống tệ nạn xã hội, để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống mại dâm trong tình hình mới hiện nay, chúng ta cần khoanh vùng để quản lý. Điều này không có nghĩa dung túng mại dâm hoạt động công khai mà việc khoanh vùng này giúp cho công tác quản lý được chặt chẽ hơn. Nếu coi mại dâm là một nghề, thì người hoạt động phải đăng ký, kiểm tra sức khỏe định kỳ, bị xử phạt nếu vi phạm pháp luật. Như vậy, người hành nghề mại dâm sẽ có được những quyền và nghĩa vụ của mình. Bà nói:
Audio 2
Báo cáo tại hội thảo cho biết, hiện nay, trên cả nước có khoảng 40 ngàn người hành nghề mại dâm và liên quan đến mại dâm. Riêng tại TPHCM có đến 25 ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ, với khoảng 25 ngàn nữ tiếp viên. Chỉ tính riêng trong năm 2008, lực lượng công an đã phát hiện và bắt giữ hơn 4 ngàn đối tượng hành nghề mại dâm. Trong đó có 50% người bán dâm ở độ tuổi 19 đến 25 tuổi và 10% là trẻ vị thành niên. Đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, hiện nay chúng ta có tổng cộng 42 văn bản quy định chế tài xử lý trực tiếp hoặc gián tiếp đối với hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống mại dâm. Trên quan điểm về cách nhìn mới, theo bà Bùi Thị Nam - Vụ pháp luật hình sự hành chính thuộc Bộ Tư pháp, nếu thừa nhận mại dâm là một nghề thì nghề này sẽ được coi là một nghề kinh doanh có điều kiện theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, một số các chế tài xử lý hiện hành về tội mua dâm, bán dâm, môi giới mại dâm…cũng sẽ được bãi bỏ và thay bằng những quy định phù hợp tình hình mới. Còn với quan điểm kiên quyết đấu tranh phòng chống tệ nạn này thì hệ thống pháp luật nên tăng mức độ xử phạt đối với các hành vi mua dâm, bán dâm…Phó vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã Văn phòng Chính phủ, bà Hoàng Thị Hiền cho rằng, thay đổi hệ thống pháp luật chưa chắc đã giải quyết được vấn đề. Bà nói:
Audio 3
Như vậy, đa số các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều cho rằng: Đã đến lúc các ngành chức năng cần nghiêm túc xem xét về việc có nên thừa nhận hoạt động mại dâm như một nghề hợp pháp hay không? Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Hiền thì các cơ quan luật pháp cũng như các tổ chức XH cần có cái nhìn tổng quan hơn để đánh giá chính xác vấn đề mại dâm trong tình hình mới hiện nay thì mới có thể đưa ra những giải pháp phù hợp. Các ban, ngành cần có những giải pháp đồng bộ, đặt phòng chống mại dâm trong mối liên quan đến HIV/AIDS, ma túy, và quản lý Nhà nước…Vấn đề này sẽ được các đại biểu tiếp tục thảo luận, xem xét vào hôm nay 11/06/2009.