Truyện tranh 2009-03-31 08:12:00

Có phải là Võ Tòng trả thù anh?


Võ Tòng trả thù anh
là tên của vở cải lương tuồng cổ của nhóm Xã hội hóa Hữu Huệ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) đã ra mắt khán giả tại rạp Trần Hưng Đạo (TP. HCM) vào ngày 27/3/2009 vừa qua. Thế nhưng, có lẽ chỉ những người đã được tận mắt xem buổi biểu diễn đó mới biết được nội dung của Võ Tòng trả thù anh như thế nào, bởi nếu nghe tên vở cải lương, không ít người sẽ hiểu rằng: Vở tuồng diễn cảnh nhân vật Võ Tòng trả thù anh trai của mình là Võ Đại. Hiểu theo nghĩa đó là trái ngược với nội dung hồi 25 trong Thủy Hử (Thi Nại Am) mà đạo diễn Bạch Mai đã dựa vào đó để dựng kịch bản vở tuồng.

Trong hồi thứ 25 của tiểu thuyết Thủy Hử (Thi Nại Am), Võ Tòng đã trả thù cho anh trai của mình là Võ Đại – một người đàn ông hiền lành, chất phác, rất yêu thương vợ nhưng lại bị chính người vợ lăng loàn của mình là Phan Kim Liên tư thông với người tình Tây Môn Khánh đầu độc. Võ Tòng trong một lần về thăm nhà, biết chuyện đã mổ bụng chị dâu lấy gan, cắt đầu rồi tìm giết Tây Môn Khánh để trả thù cho anh.

Xét về nghĩa, từ “anh” trong tên của vở cải lương cũng như trong truyện Thủy Hử chính là Võ Đại – anh trai của Võ Tòng. Xét về mặt cấu trúc câu từ “anh” trong câu này là bổ ngữ (bổ nghĩa cho động từ “trả thù”) để chỉ đối tượng cho hành động trả thù của Võ Tòng. Như thế, vở cải lương tuồng cổ đã dựng lại cảnh Võ Tòng trả thù chính anh trai mình? Vậy là, nếu hiểu đúng tên vở cải lương Võ Tòng trả thù anh thì đạo diễn đã dựng vở tuồng ngược lại hoàn toàn với cốt truyện của tác giả Thi Nại Am.

Cái tên của vở cải lương tuồng cổ cũng đã khiến không ít người đã đọc tiểu thuyết, xem phim Thủy Hử tỏ ra hoang mang. “Trong môn Tiếng việt thực hành mà mình đã được học thì đây là trường hợp câu mắc lỗi mơ hồ về nghĩa” – Thanh Phương một sinh viên chuyên ngành báo chí nói.

Đem vấn đề này trao đổi với TS Ngôn ngữ học Hoàng Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ông cho biết: “Xét về cấu trúc câu thì Võ Tòng trả thù anh không sai về mặt ngữ pháp. Nhưng Võ Tòng trả thù anh là một câu sai về nghĩa nếu gắn nó với tác phẩm Thủy Hử bởi nó khiến người nghe hiểu sai về nội dung vở tuồng cũng như thiên tiểu thuyết Trung Hoa nổi tiếng này”.

Tôi hỏi tiếp: Vậy trong trường hợp câu Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên (Đại Nam Quốc sử diễn ca) và trong câu “Nợ nước thù nhà” thì từ “thù chồng” hay “thù nhà” liệu có giống với trường hợp “Võ Tòng trả thù anh”?

Nhân vật Võ Tòng trong Thủy Hử

TS Hoàng Anh cho rằng: “Trong câu trên thì từ “thù chồng” có 2 cách hiểu: Một là mối thù của chồng bà Trưng (khi nó là danh từ); hai là bà Trưng thù chồng (khi nó là động từ). Ở đây, nên hiểu “thù chồng” là danh từ, và trong câu đó, “quên” mới là động từ. Tương tự từ “thù nhà” cũng vậy. Trong trường hợp ngôn ngữ nghệ thuật như thế này, chúng ta chấp nhận sự tỉnh lược.
Vậy tên vở tuồng “Võ Tòng trả thù anh” nằm trong trường hợp nào của Tiếng Việt? – TS Hoàng Anh cho rằng: Đây là trường hợp giao tiếp chính thức. Trong Tiếng việt, vẫn có những câu tỉnh lược nhưng vẫn phải giữ được nguyên nghĩa và chủ yếu được dùng trong giao tiếp sinh hoạt và trong ngôn ngữ nghệ thuật. Nguyên nhân của lỗi sai có lẽ không phải do người đặt tên vở kịch dùng phép tỉnh lược mà do họ không để ý hoặc không hiểu nhiều về Tiếng Việt nên sẽ gây ra hậu quả khá trầm trọng, làm cả một cộng đồng người hiểu sai về nội dung của vở tuồng cũng nhu tiểu thuyết


“Nên thêm từ “cho” thành câu Võ Tòng trả thù cho anh thì câu sẽ khiến người nghe hiểu đúng về nghĩa cũng như nội dung của tác phẩm nghệ thuật” - TS Hoàng Anh kết luận

Hương Giang (Hà Nội)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)