Chuyện bây giờ mới kể
12 giờ trưa, trong cái nóng như đổ lửa của Sài Gòn cuối mùa nóng, tôi rồ ga cố gắng phi cho nhanh để thoát khỏi cái nắng xuyên da cháy thịt. Từ thị trấn Dĩ An (Bình Dương) hướng lên địa bàn TP.HCM, bất chợt tôi gặp một người đàn ông gần 40 tuổi, mồ hôi nhễ nhại, đi nép sát vào lề đường, với chiếc xe hút đinh tự chế đang lăn từng vòng trên khắp các tuyến đường để “săn” đinh. Hình ảnh tỏ ra lạ lẫm với những người đi đường, nhưng ít ai biết anh đang làm cho những đoạn đường trở nên sạch đinh và an toàn.
Anh Xuân chia sẻ, cách đây hơn 1 năm, anh tình cờ chứng kiến một vụ TNGT ngay dưới chân cầu vượt Sóng Thần. Chiếc xe máy đang chạy với tốc độ cao bỗng dưng loạng choạng rồi tự té, hai vợ chồng trẻ bị hất văng ra xa, người chồng bị chấn thương sọ não.
Đã gần hai năm nay, anh Phạm Công Xuân đã cùng với chiếc xe hút đinh tự chế không quản năng mưa đi rong ruổi khắp các tỉnh TP.HCM và Bình Dương để đem lại bình yên cho đường phố. |
Nói là làm, anh Xuân lặn lội từ Bình Dương lên chợ Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM) mua nam châm, rồi mua sắt… Khi đã có đủ vật liệu, anh đặt hàng người thợ cơ khí tên Hùng ở cùng khu phố theo thiết kế của mình. Mất gần 1 tháng miệt mài sản xuất, chế tạo, chiếc xe hút đinh cũng được “ra lò” và vận hành thử thành công.
Anh rất vui vì đây là lần đầu sản xuất xe hút đinh vì cộng đồng. Để thể hiện sự chia sẻ, đồng tình với việc làm mang nghĩa cử cao đẹp của người hàng xóm nên chủ tiệm cơ khí chỉ lấy 1 phần tiền công. Còn anh Xuân, chỉ chờ có “chiến mã” là lập tức lên đường “chiến đấu” ngay với bọn “đinh tặc”.
Hơn hai tháng thu gom, “chiến lợi phẩm” của anh Xuân cho đến thời điểm này có tới gần 30 kg. Trong đó có rất nhiều kim loại hình thoi và đinh thép. Anh cho biết: “Hàng ngày, anh thu thập thông tin về những tuyến đường “nóng” nạn rải đinh như theo dõi qua báo chí, trực tiếp đi khảo sát, hỏi thăm người dân… từ đó xây dựng kế hoạch, lịch trình cụ thể”.
Ngoài ra, anh còn tự nguyện vá xe miễn phí cho người đi đường. |
Để hút sạch được đinh và các vật bằng kim loại vương vãi trên đường, xe của anh Xuân chỉ chạy với tốc độ 15km/h. Mặc dù vậy, không biết đã bao nhiêu lần anh Xuân đi xa nơi mình ở tới vài ba chục cây số để đến được “điểm nóng”.
Từ cầu vượt Sóng Thần, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu cho tới ngã ba Vũng Tàu, ngã tư An Sương, thị xã Thủ Dầu Một… hàng tuần, xe hút đinh của anh thường xuyên lăn bánh qua lại, góp phần làm cho những con đường trở nên an toàn hơn.
Nguy hiểm rình rập
Đam mê làm việc thiện, “người thổi tù và” trên đường phố từng nhận được nhiều lời khen. Song, cũng không hiếm lần anh bị một số đối tượng chạy xe máy ngang qua chửi là “đồ khùng”, “đồ vô công rồi nghề”… “Có thể bọn chúng là những “đinh tặc” nên mới hằn học mình đến thế” – anh Xuân phán đoán.
Mải mê với việc “làm sạch” đường phố, đã hai lần xe hút đinh của anh Xuân gặp nạn. Vào đầu tháng 3, khi đang chạy trên cầu vượt Sóng Thần, “chiến mã” của anh bị chiếc xe buýt húc bẹp rúm khiến anh phải thay bánh và hàn nắn lại.
Năm ngày sau, tại cầu Sài Gòn, sự việc tương tự lại xảy ra nhưng lần này, thủ phạm là ôtô của Công ty Cây Xanh (TP.HCM). Không thể chắp vá được nữa, anh Xuân phải thay xe mới. Cảm động và san sẻ với khó khăn mà anh Xuân gặp phải, anh Tài (người hàng xóm) đã tài trợ tiền mua sắt, còn người chủ tiệm cơ khí thì miễn phí công sản xuất. Thấy chồng cực nhọc, đôi khi phải đối mặt với nguy hiểm nhưng vì đồng cảm với việc làm nghĩa hiệp của anh Xuân, vợ anh chỉ khuyên anh nên cẩn thận hơn.
Chiến lợi phẩm sau một ngày “săn” đinh trên các tuyến đường. |
Nhiều lần trong lúc rà đinh, anh đã nhận được những lời hăm dọa của bọn đinh tặc do ghen ghét anh phá hoại công việc làm ăn của họ. Nhưng những lời dọa nạt đó càng làm anh thấy cần phải quyết liệt hơn.
Nhiều chuyến “hành hiệp”, anh gặp được những tấm lòng hảo tâm, họ gọi anh dừng lại để cho tiền, nhưng không lần nào anh chịu nhận. Ấn tượng với anh Xuân nhất là lần đi hút đinh ở ngã tư An Sương mới đây, một ông già đang chạy xe ba gác máy chở hàng rất nặng thì bỗng nhiên dừng lại phía trước.
Ông đưa cho anh Xuân 50 nghìn đồng nói anh cầm lấy đổ xăng. Khi anh từ chối, ông già đó đã thuyết phục: “Tôi không phải cho anh mà là góp sức vì cộng đồng đó!” Những buổi trưa nắng, nhiều người dân sẻ chia với anh bằng cách mua tặng nước giải khát cùng những lời động viên, tiếp sức: “Xã hội này rất cần những con người như anh!”.
Những ngày này, ngoài việc hút đinh, anh Xuân còn tự nguyện “ôm” thêm nghề vá xé miễn phí. Anh tâm sự: “Mình mong muốn xã hội có thêm nhiều người đồng tâm hiệp lực, cùng nhau ngăn chặn và đẩy lùi nạn rải đinh để những con đường an toàn hơn với người tham gia giao thông”.
GIANG UYÊN