Tin tức - pháp luật 2013-09-08 14:16:14

Cơm 2000 Đồng: Người Sáng Lập Lên Tiếng


[justify]“Những bữa cơm 2.000 không chỉ giúp cho người nghèo có được một bữa no mà còn nuôi dưỡng, lan tỏa tình nhân ái, lòng yêu thương giữa người với người”, anh Hồng Ánh - một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng quán cơm 2000 nói.[/justify]
[justify]Sau bài viết gây tranh cãi “Một góc nhìn về cơm 2.000 đồng” của tác giả Nguyễn Quảng, chúng tôi đã tìm gặp những người đầu tiên nêu ra ý tưởng xây dựng cơm 2.000 để hiểu rõ hơn về giá trị đằng sau những bữa cơm này.
 
Tại sao là cơm 2.000?
Quán cơm 2.000 đồng được lên ý tưởng và xây dựng bởi tổ chức từ thiện Người tôi cưu mang. Anh Hồng Ánh, thành viên Ban quản trị cho biết: “Ý nghĩa của 2.000 đồng là để người nghèo đến ăn không có cảm giác bị bố thí hay mang ơn, vì họ phải trả tiền để mua cơm. Hơn nữa, đây như là một điều nhắc nhở những tình nguyện viên của quán xem thực khách là thượng đế, phải luôn lắng nghe và phục vụ tận tình. Bằng những cách tính toán khác nhau, nhằm tạo sự thuận tiện nhất cho người lao động nghèo, các thành viên trong nhóm đã chọn mệnh giá 2.000 đồng”.
Quán cơm 2.000 đầu tiên ra đời năm 2008 tại Lữ Gia (Tp.HCM), do chị Mai Anh là một thành viên của nhóm Người Tôi Cưu Mang mở ra và quản lý. Ngày 5/9/2009, quán cơm thứ hai do nhóm Người tôi cưu mang tổ chức chính thức khai trương. Sau đó, mô hình được nhóm nhân rộng tại Cần Thơ và Đà Lạt. Năm 2012, nhà báo Nam Đồng và những người bạn mở thêm vài quán nữa trên địa bàn thành phố…

Gian bếp của tiệm cơm 2.000 đồng (Ảnh: Thanh Phương)

Quán cơm với mức giá 2.000 đồng là nơi tụ hội của những mảnh đời khốn khó, không ít người trong số họ thuộc “thành phần phức tạp”. Làm sao để họ đến quán và dần quen với một môi trường văn minh cũng không phải là điều dễ dàng. Anh Thế Anh, một trong những người đầu tiên tổ chức ra mô hình cơm 2.000 chia sẻ: “Duy trì quán cơm để giúp người nghèo có bữa ăn ngon đã khó, nhưng cái khó hơn là bỏ công ra để chuyện trò với họ, để giải tỏa nỗi niềm hay tập cho họ những thói quen văn minh còn khó hơn. Nếu như tác giả Nguyễn Quảng một lần đặt chân đến quán cơm tại địa chỉ 14/1 Ngô Quyền, F5, Q10 thì có lẽ ông đã nghĩ khác. Những mảnh đời khốn khó, tù tội, vô gia cư… đã quen với cuộc sống chụp giật nay bỗng dưng xếp hàng ngay ngắn, biết nhường trẻ nhỏ và người già khi đến quán ăn”.
 
Lan tỏa lòng nhân ái
Quán cơm 2.000 không chỉ mang đến cho người lao động nghèo một bữa ăn ngon mà hơn cả là những giá trị nhân văn ẩn sâu trong đó. Anh Hồng Ánh chia sẻ: “Những bữa cơm 2.000 không chỉ giúp cho người nghèo có được một bữa no mà còn nuôi dưỡng, lan tỏa tình nhân ái, lòng yêu thương giữa con người với con người. Những giây phút được đối đãi tử tế tại quán sẽ làm cho họ cảm thấy ấm áp hơn. Họ tới ăn tại chỗ và ngồi cùng nhau trong một bàn, nhìn thấy và đồng cảm với những trường hợp như mình, hoặc cảm nhận mình may mắn hơn nhiều người để có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống”.
Theo anh Hồng Ánh, mỗi ngày có thêm khoảng 25 - 30% lượng khách mới, trong khi số suất ăn vẫn ổn định ở mức trên dưới 500 phần/một ngày. Vậy số cũ đi đâu? Câu trả lời là, họ đã âm thầm rút lui để nhường cho người khác. Như vậy, quán cơm 2.000 đã khơi gợi được sự nhường nhịn, lòng tương thân tương ái trong mỗi người. “Đối tượng của quán không chỉ là người nghèo mà là những người có thu nhập trung bình, thậm chí những người có thu nhập tốt. Từ những gì họ trải nghiệm tại quán, họ chọn cho mình những cách ứng xử đẹp hơn, sống tốt hơn. Họ tới đây, để rồi lan tỏa thông điệp của lòng nhân ái ra cộng đồng”, anh Hồng Ánh tâm sự.
Anh Thế Anh, một trong những sáng lập viên quán cơm từ thiện 2000 đồng chia sẻ: “Còn với những người có khả năng lo một bữa cơm ngoài chợ nhưng vẫn đến ăn cơm 2.000 đồng, chúng tôi xem họ là đối tượng cần phải cưu mang về cái đầu chứ không phải dạ dày! Chúng tôi vẫn tiếp đón họ với một hy vọng rằng qua trò chuyện, qua sự tử tế, tôn trọng họ sẽ thay đổi để  sống biết chia sẻ hơn. Tôi nghĩ, nếu tác giả Nguyễn Quảng tới quán thì chắc chắn sẽ được xếp vào dạng thực khách này!”.

Những bữa cơm giá chỉ 2.000 đồng nhưng làm ấm bụng bao người (Ảnh: Thanh Phương)

Anh Hồng Ánh không quên nhấn mạnh, quán chỉ bán vào 3 ngày trong tuần. Như vậy, so với nhu cầu 21 bữa ăn trong tuần của một người bình thường, tỉ lệ 3/21, tức 1/7 là rất nhỏ, không thể khiến người lao động nghèo ỷ lại hay thiêu chột ý chí phấn đấu và níu kéo họ bám trụ thành phố.
Nói về vấn đề “cần câu và con cá” trong mô hình cơm 2.000, anh Hồng Ánh chia sẻ: “Cho được cần câu thì rất tốt, nhưng đối với những người không đủ sức câu thì làm sao? Hay như điều kiện sinh sống của họ không có hồ hay trong hồ không có cá thì phải làm thế nào? Chẳng lẽ chúng ta loại bỏ những đối tượng này ra khỏi cuộc sống, như vậy tức là đi chệch lại những giá trị nhân văn. Nhìn lại các đối tượng đến với bữa cơm 2.000 thì họ cũng đã có cần câu rồi, đó chính là công việc họ đang làm. Quán cơm đóng vai trò là chỗ dựa về tinh thần để những người tìm đến quán có thể vịn vào đó và đứng vững trên đôi chân của mình. Bởi lẽ, những suất cơm 2.000 được phát đi không chỉ có ý nghĩa về vật chất mà kèm theo đó là những giá trị nhân văn, để họ thấy thêm tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống”.
Những người đang tổ chức bữa cơm 2.000 mong muốn có thể xây dựng mô hình này như một thương hiệu chung của cộng đồng Việt, của những người biết quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ. “Tại quán cũng thường có những tình nguyện viên là người nước ngoài, tại sao chúng ta không nghĩ đến ý tưởng “xuất khẩu” tình thương khi mô hình này được những người bạn nước ngoài hoặc cộng đồng Việt kiều thực hiện ở ngoài biên giới Việt Nam”, anh Hồng Ánh bộc bạch.
Cô Nga - một người thường đến quán cơm 2.000, tâm sự: “Tôi được một chị giới thiệu tới đây. Lúc trước, chỉ cũng đến đây mua cơm, nhưng giờ đã nghỉ để nhường lại cho những người khó khăn hơn. Có quán cơm này đỡ lắm! Mỗi tháng tôi tiết kiệm được vài trăm ngàn để bù vô tiền thuê nhà. Nói chứ lao động tay chân như tụi tôi thì đâu dễ kiếm vài trăm ngàn ở đất thành phố”.
Bên dĩa cơm ngun ngút khói, anh Mạnh bức xúc: “Tôi lên thành phố chạy xe ôm gần 5 năm trời rồi. Tình hình chạy xe ngày càng ế, khó khăn lắm mới tới quán để ăn cơm với mức giá 2.000 cho dư ra ít tiền gom góp gởi về quê cho vợ con, làm sao dám đem đi uống bia. Nói như vậy có phần ác cho tụi tôi quá!”.
Một cô bé bán vé số gần quán cơm cho biết: “Lúc đầu em và hai đứa em nữa có tới quán để mua cơm, nhưng lúc sau thì mẹ không cho đến nữa vì số tiền bán vé số có thể mua cơm cho ba chị em. Mẹ nói để những phần cơm đó cho cô chú khác khó khăn hơn. Nhưng do em thấy quán vui quá, nên trưa trưa khi sắp bán hết vé số, em cũng đến phụ mấy anh chị tình nguyện trong quán”.
 
[/justify]
Minh Vương (Khampha.vn)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)