Sức khoẻ 2011-06-13 17:18:12

Cơn đau do rễ thần kinh cổ bị chèn ép






Ảnh minh họa


Rễ thần kinh cổ từ tuỷ sống ra có thể bị chèn ép cấp tính hay mạn tính do các loại bệnh lý khác nhau. Bệnh lý rễ thần kinh cổ có biểu hiện lâm sàng chính là đau cổ, đau lan ra vai, đau lan xuống cánh tay – cẳng tay – bàn tay và đến các ngón tay. Tê hay các dị cảm khác kèm theo đường rễ thần kinh bị chèn ép.

Thủ phạm gây chèn ép

Các nguyên nhân chèn ép rễ thần kinh cổ chủ yếu ở tầng di động cột sống cổ phía trước tuỷ sống cổ, theo thứ tự thường gặp: thoát vị đĩa đệm cổ bệnh lý, thoát vị đĩa đệm cổ sau chấn thương, thoái hoá cột sống cổ. Đa số trường hợp chỉ một rễ bị chèn ép và chỉ một bên cổ, vai, cánh tay đau. Một số ít trường hợp xảy ra hai tầng bệnh với hai rễ thần kinh đau cùng bên:

Thoát vị đĩa đệm bệnh lý: không thấy có nguyên nhân chấn thương nhưng nhân nhày của đĩa đệm chui ra sau, sang bên, chèn ép ngay rễ thần kinh một bên phải hay trái. Hiếm khi có thoát vị đĩa đệm mà nhân nhày gây chèn ép vừa mặt trước bên tuỷ sống, vừa mặt trước rễ thần kinh (gọi là bệnh lý phối hợp tuỷ sống – rễ thần kinh do thoát vị đĩa đệm).

Thoát vị đĩa đệm sau chấn thương: hiện nay phát hiện dễ hơn trước nhờ hình ảnh cộng hưởng từ, thực hiện sau chấn thương, khi bệnh nhân than đau cổ, vai, cánh tay một bên.

Thoái hoá đĩa đệm: đĩa đệm bị hư biến, mất nước, xương mọc dày quanh sụn tấm, tận ra sau, sang bên, gây chèn ép dần dần rễ thần kinh. Nguyên nhân này ít thấy hơn.

Những biểu hiện mắc bệnh

Bệnh lý rễ thần kinh cổ thường thấy trong hạng tuổi trẻ hơn 30 – 40 tuổi, do thoát vị đĩa đệm. Những triệu chứng lâm sàng dễ gây chú ý với bệnh nhân do tính đau cấp, thường thấy:

Đau cổ: nhất là khi ngửa cổ hoặc cúi cổ. Xoay cổ qua phải hay trái cũng làm bệnh nhân đau nhiều. Cơn đau nhiều khi dữ dội khiến bệnh nhân không nằm được, rất khó chịu.

Đau vai lan xuống cánh tay, cẳng tay, bàn tay và đến các ngón tay: theo rễ thần kinh bị chèn ép. Kiểu đau này rất đặc thù mà bệnh nhân cảm nhận rõ, có thể vẽ theo đường đau, tức theo dải cảm giác của rễ thần kinh bị chèn ép. Bệnh nhân có thể vẽ từ cổ, vai xuống đến ngón cái hay ngón ba hay ngón út tuỳ rễ bị chèn ép (C6, C7…).

Mỏi cổ: cũng là một triệu chứng đáng quan tâm, thường làm bệnh nhân than phiền.

Tê theo đường cảm giác rễ thần kinh bị chèn ép: tê tới ngón cái hay ngón ba, ngón năm.

Cơ bị chi phối yếu, teo cơ nhanh: teo cơ hai đầu, teo ba đầu hay teo cơ kẽ xương bàn tay.

“Khi phát hiện bệnh lý rễ thần kinh cổ, không phải lúc nào cũng phải phẫu thuật. Phải hết sức cẩn thận trong chỉ định đốt laser, đốt sóng cao tần… vì dễ khiến tiền mất, tật mang”.
Bác sĩ chuyên khoa cột sống có thể chẩn đoán bệnh lý rễ thần kinh cổ khi phối hợp khám lâm sàng thấy rõ các triệu chứng trên, phát hiện triệu chứng Spurling và hình ảnh học y khoa của các nguyên nhân bệnh lý.

Phần lớn khỏi bệnh nhờ điều trị bảo tồn

Khi phát hiện bệnh lý rễ thần kinh cổ, không phải lúc nào bệnh nhân cũng phải bị phẫu thuật. Phải hết sức cẩn thận trong chỉ định đốt laser, đốt sóng cao tần… vì dễ khiến tiền mất, tật mang. Phần lớn bệnh nhân có thể khỏi bệnh bằng các biện pháp điều trị bảo tồn. Cụ thể, bệnh nhân được khuyên mang nẹp cổ mềm trong vài tuần đầu điều trị, bớt cử động cột sống cổ, tránh tư thế sai, tránh kéo tạ cổ, tránh tập mạnh cổ sai, tránh cúi – xoay cổ hay ngửa – xoay cổ, tránh ngửa cổ quá mức. Một số thuốc hỗ trợ có thể được sử dụng như thuốc kháng viêm không phải corticosteroids, thuốc giảm đau, thuốc trợ lực thần kinh, thuốc an thần… Tập mạnh cơ vùng cổ nhẹ nhàng, dần dần, dưới sự giám sát của chuyên viên phục hồi chức năng khi bớt đau cổ.

Chỉ định phẫu thuật bệnh lý rễ thần kinh cổ dành cho: các ca đau dữ dội từ đầu khiến bệnh nhân không chịu nổi; các ca bị chèn ép lâu khiến đã liệt vận động, teo cơ. Các phẫu thuật viên thường ưa chuộng biện pháp cắt đĩa sống, hàn liên thân đốt lối trước, có hay không kèm theo cố định nẹp ốc kim loại cột sống cổ. Nẹp kim loại có chỉ định rõ khi cần phẫu thuật hàn xương sống cổ qua nhiều tầng bệnh để tránh khớp giả. Bệnh nhân được mổ lối trước thường cần mang nẹp cổ đến khi hàn xương khoảng 6 – 8 tuần sau mổ. Phương pháp này hữu hiệu và cho kết quả tốt với chi phí thấp hơn nhiều so với quan niệm thay đĩa sống giả vùng cổ, mắc tiền hơn năm, sáu lần. Cũng nên biết, thay đĩa sống giả hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu trên thế giới, đã phát hiện một số biến chứng như: cứng đĩa sống thay vì di động như mục đích ban đầu; trật đĩa sống giả; cựa xương mọc quanh đĩa sống giả làm kết quả lâu dài xấu, thất bại. Một số phẫu thuật viên chuộng phương pháp mổ lối sau, mở bảng sống và lỗ liên hợp một phần để giải ép rễ thần kinh bị chèn ép từ phía sau. Bệnh nhân không phải mang nẹp thân. Phương pháp này đòi hỏi khoan mài siêu tốc (20.000 – 100.000 vòng/phút) và lưỡi mài đính kim cương.

Hầu hết bệnh nhân được điều trị đúng đắn đều khỏi bệnh với biện pháp bảo tồn (75%) hay biện pháp phẫu thuật (25%). Cần lưu ý không phải bệnh nhân nào cũng cần phẫu thuật. Hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa cột sống là những người có thể giúp bệnh nhân chọn điều trị bảo tồn hay phẫu thuật một cách tốt nhất.

PGS.TS.BS Võ Văn Thành

(trích từ vietnamnet.vn)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)