Nghe có vẻ như là một câu chuyện viễn tưởng. Người ta sản xuất chân tay giả đầu tiên là để di chuyển. Một số công nghệ mới hơn cho phép chúng hoạt động một cách mềm mại uyển chuyển.
Nhưng chuyện chúng có thể phản hồi xúc giác, cảm nhận từng ngọn cỏ dưới chân hay sức nóng của ngọn nến thì đúng là đáng nghi ngờ. Tuy vậy, giờ đây chúng đã sẵn sàng trở thành hiện thực.
Nhờ vào sự thúc đẩy tích cực, cũng như nguồn tài trợ của quân đội Mỹ trong một nỗ lực để đền bù cuộc sống của các cựu binh bị thương trong chiến tranh, những nghiên cứu mới đã cho ra một kết quả đáng khích lệ cho một tương lai không xa, các bộ phận thay thế có thể có xúc giác, giúp người mang chúng có được một cảm giác “thật” nhất. Đó là kết luận sau nhiều năm nghiên cứu của viện phục hồi chức năng Chicago (RIC).
Chỉ mới tháng trước, RIC đã công bố hoàn thành nghiên cứu mẫu chân robot đầu tiên được điều khiển bằng ý nghĩ, thực hiện bởi nhóm chuyên gia mà dẫn đầu là tiến sỹ Levi Hargrove. Họ còn chia sẻ hình ảnh những thành công đầu tiên trong nghiên cứu, mẫu chân giả mới đã giúp một cựu binh leo 103 bậc cầu thang liên tục, hoàn hảo tới cả dáng đi.
Về nghiên cứu mới này, sau hơn tám năm làm việc, bằng việc liên kết giữa chân tay giả với hệ thống dây thần kinh qua một cuộc phẫu thuật, kết quả cho ra khá là mỹ mãn. Bước đầu, người dùng có thể điều khiển hệ thống chân tay giả này bằng ý nghĩ. Ngoài ra, các khớp nối còn được mô phỏng với con người để có thể hoạt động sao cho giống với cơ thể người nhất.
Zac Vawter là tình nguyện viên của nghiên cứu này. Anh bị mất một chân trong một tai nạn hồi 2009. Sau khi tình nguyện tham gia nghiên cứu, giờ đây anh đã có thể sinh hoạt như một người bình thường. Được biết, các nghiên cứu được áp dụng trên cơ thể anh có giá trị tới 8 triệu đô la, hoàn toàn là tiền của quân đội tài trợ.
Tiến sỹ Hargrove cho biết, mặc dù bước đầu đã thành công trong việc điều khiển bằng ý nghĩ và phản hôi bằn xúc giác điện tử, nhưng việc áp dụng công nghệ này một cách rộng rãi vẫn còn cần thời gian, ít nhất là tỏng vòng 10 năm tới.
Hiện tại, trên thế giới đã xuất hiện một số bộ phận giả công nghệ cao. Chúng có thể sử dụng khá linh hoạt và tiện lợi. Ví dụ như cánh tay Bebionic3, với lớp gia giả bên ngoài và vô số điện cực, động cơ siêu nhỏ bên trong.
Chúng được thiết kế chính xác tới từng ngón tay để có thể sử dụng linh hoạt. Tuy nhiên, tiến sỹ Hargrove cho rằng chúng sắp sửa trở thành lỗi thời một khi nghiên cứu của ông được ứng dụng rộng rãi.