Công nghệ quân sự: Người Israel bất ngờ với các kỹ sư Việt Nam Quote:
Chưa có những cuộc duyệt binh hoành tráng với hàng không mẫu hạm, tên lửa đạn đạo hay máy bay không người lái thế hệ mới nhất, nhưng Việt Nam luôn là một ẩn số về tiềm lực quân sự.
Không chỉ là ẩn số từ quá khứ hào hùng ngày trước, mà còn vì sự nể trọng của những tập đoàn khí tài quân sự lớn của thế giới khi chứng kiến khả năng tự phát triển công nghệ mạnh mẽ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng của Việt Nam, mà tập đoàn Viettel là một điển hình.
Từ sự bất ngờ của người Do Thái…
Cách đây hơn 10 năm, hệ thống thông tin quản lý vùng trời quốc gia (gọi tắt là VQ9801) đã được thiết lập. Hệ thống có nhiệm vụ xử lý, cung cấp thông tin cho các cấp lãnh đạo của lực lượng Phòng Không- Không quân nói riêng và Quân đội nói chung về mọi tình huống diễn ra trên không, nhằm đảm bảo cho việc ra quyết định một cách chính xác và hiệu quả. Hệ thống do các đối tác nước ngoài cung cấp toàn bộ phần cứng, phần mềm và đào tạo nhân lực. Trải qua hơn 10 năm khai thác, hệ thống đã hết thời hạn sử dụng và bộc lộ một số hạn chế khó khắc phục.
Trước tình hình đó, tháng 4/2012, Bộ Quốc phòng đã chính thức giao cho Tập đoàn Viettel- trực tiếp là Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel (Viện CNPT Viettel) nghiên cứu chế tạo hệ thống duy trì và sẵn sàng thay thế cho hệ thống VQ9801, làm tiền đề cho chiến lược xây dựng hệ thống quản lý vùng trời hiện đại thế hệ thứ 2- VQ2. Cũng giống như hơn 10 năm trước khi giao cho đơn vị này thiết kế thi công đường trục cáp quang quân sự 1A, yêu cầu kiên quyết được đặt ra là phải làm chủ hoàn toàn, tức là không được phép có sự tham gia trực tiếp của nước ngoài…
Những người Do Thái, vốn được xem là vượt trội về chỉ số thông minh, nắm trong tay các công nghệ quân sự tiên tiến và mang đi bán khắp thế giới. Biết Viettel đang được giao nhiệm vụ này, họ đã đến để chào hàng chuyển giao công nghệ. Công nghệ Israel được xác nhận là tốt và phù hợp, nhưng cũng vì điều này mà giá thành đội lên rất rất cao. Điều Viettel yêu cầu là phải làm chủ hoàn toàn công nghệ này sau khi được chuyển giao.
Hệ thống quản lý vùng trời VQ2 đã được Viettel nghiên cứu thử nghiệm thành công là một bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ an ninh quốc phòng. Trong ảnh là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel đang giới thiệu VQ2 với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Hàng loạt giải pháp được đưa ra một cách linh động và thực tiễn nhưng phản hồi của những nhà kinh doanh tài ba Israel vẫn luôn là giá cả. 100 triệu USD không phải là số tiền quá lớn cho đầu tư quân sự, nhưng cũng là nguồn kinh phí không nhỏ so với bình diện GDP của quốc gia. Cái giá đó không được chấp nhận và những người Do Thái chia tay trong sự tự tin với lời hẹn quay lại trong thời gian không xa. Còn những kỹ sư trẻ mới ngoài 30 tuổi của Viện NCPT Viettel bắt tay ngay vào công việc.
3 tháng sau, họ quay lại và thật sử sửng sốt. Không có một lời khen ngợi chính thức nào được đưa ra, không có lời bình luận nào về những bước đi mà Viettel có trong thời gian ngắn ngủi đó, chỉ có đề nghị giảm giá của người Do Thái là nói lên tất cả: “Chúng tôi đồng ý giảm xuống còn 60 triệu USD”.
Hiểu rằng mình đang đi đúng hướng, những kỹ sư Viettel lại bắt tay tạm biệt những người đi chào hàng. Hàng ngàn giờ làm việc lại diễn ra một cách âm thầm, và dự án “VQ made in Viettel” tiếp tục đi sâu, đi xa hơn để tiếp cận gần nhất với tất cả các yêu cầu khắt khe của thế giới công nghệ quân sự hiện nay.
3 tháng nữa trôi qua và những người Israel trở lại, vẫn với niềm tin sẽ bán được hàng. Nhóm nghiên cứu lại đưa ra những kết quả mới, dẫu chưa phải là tất cả những gì đã thực hiện được, tiếp tục làm đối tác lặng im. Cuối cùng, họ phá vỡ tiền lệ kinh doanh của mình khi đề nghị một mức giá mới: 20 triệu USD. Nhưng hình như đã quá muộn rồi. Những người lính kỹ sư trẻ của Viettel biết rằng họ đã gần đi tới đích.
….Đến một con đường mới
Còn đến bây giờ, chỉ sau 1 năm 3 tháng chính thức nhận nhiệm vụ, sản phẩm Hệ thống quản lý vùng trời quốc gia VQ1 đã đi vào những khâu hoàn thiện cuối cùng và sẵn sàng thay thế cho VQ9801 đã lỗi thời. 1 năm 3 tháng là nhanh hay chậm? Câu trả lời năm ở hơn 10 năm trước, hệ thông VQ9801 đã phải mất tới 5 năm mới chính thức đi vào hoạt động kể từ khi đặt đề bài với các đối tác nước ngoài. Đến khi đi vào vận hành, bất kể một thay đổi nào trên hệ thống ấy cũng phải có sự tham gia của đối tác đã cung cấp và phải mất ít nhất 14 tháng mới có thể đáp ứng được.
Còn giờ đây, với VQ made bye Viettel, mọi yêu cầu bổ sung thành phần đều có thể được đáp ứng trong 1 ngày. Để khai thác được hệ thống cũ phải cử người ra nước ngoài đào tạo cả năm trời. Giờ, tất cả đều có thể tại chỗ…
Một lãnh đạo của Quân chủng Phòng không Không quân còn tiết lộ, hệ thống do Viettel nghiên cứu sản xuất đã đáp ứng được tất cả các tính năng và yêu cầu tương đương với hệ thống VQ9801 đã có. Hơn thế nữa, sản phẩm đã được bổ sung một số thuật toán mới, làm tăng hiệu năng của hệ thống, đưa ra một số tính năng ưu việt mà hệ thống cũ chưa có, nâng cao khả năng quản lý và hỗ trợ tác chiến Đúng theo yêu cầu của lãnh đạo Quân đội, của chính các lãnh đạo Viettel, tất cả đã được làm chủ hoàn toàn mà không hề có bàn tay của bất cứ một chuyên gia, đối tác nước ngoài nào.
Nói đến sản xuất và cung cấp thiết bị quân sự, trên thế giới người ta nghĩ ngay đến các tổ hợp công nghiệp quốc phòng hùng hậu của các nước lớn như Mỹ, Nga và một số nước thuộc Liên Xô (cũ), một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ixraen…. Tức là những nước có nền kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển nhất thế giời. Câu chuyện về dự án VQ cũng như hàng hoạt các dự án nghiên cứu sản xuất thiết bị quân sự của Viettel như máy bay không người lái, rada, các thiết bị thông tin quân sự…vẫn nhiều thông tin chưa được công bố. Nhưng một vài thông tin được hé lộ cũng đã minh chứng rõ ràng cho tiềm lực tự phát triển, tự hoàn thiện và tự hiện đại hóa trang thiết bị quân sự của Việt Nam.
Từ một quốc gia hoàn toàn phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, Viettel đã trực tiếp đưa Việt Nam đứng vào danh sách một số rất ít các quốc gia có thể tự sản xuất được trang thiết bị quân sự công nghệ cao. Tiết kiệm tối đa cho ngân sách (có chuyên gia đã tính toán riêng khả năng tiết kiệm cho nhu cầu hiện đại hóa toàn bộ hệ thống rada của lực lượng Phòng không- Không quân lên tới hàng tỷ đô la), làm chủ được các yêu cầu tùy biến theo thực tế sử dụng, rút ngắn thời gian và gia tăng cơ hội hiện đại hóa quân đội, và đặc biệt là đảm bảo an ninh anh toàn nhờ loại trừ nguy cơ bị can thiệp từ bên ngoài trong mọi tình huống… Đó là những lợi ích chiến lược của khả năng làm chủ công nghệ quân sự. Và nữa, còn mở ra con đường hình thành nền công nghiệp quốc phòng công nghệ cao trong một tương lai không hề xa. |
link
|