Dân chơi 2012-02-22 03:08:19

Công tử Bạc Liêu và những giai thoại!






Đã từ lâu, trong dân gian vẫn truyền miệng câu thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” để ám chỉ lối sống phong lưu, phóng túng của những cậu ấm, cô chiêu xuất thân từ tầng lớp quý tộc, đại điền chủ giàu có ở vùng đất Nam bộ dưới thời thực dân, phong kiến. Nhân vật làm nên “linh hồn” “Công tử Bạc Liêu”, đó chính là Trần Trinh Huy (còn gọi là Ba Huy, Hội đồng Huy hay Hắc Công Tử).

[justify][size=2]Chân dung Công tử Bạc Liêu

Trần Trinh Huy, sinh năm 1.900 trong một gia đình đại điền chủ giàu có vào bậc nhất, nhì vùng đất Nam bộ thời kỳ đầu thế kỷ XX. Cha của Công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Trạch (hay còn gọi là Hội đồng Trạch)- chủ sở hữu 74 sở điền với 110.000 ha đất lúa ruộng, gần 100.000 ha ruộng muối, vài chục căn phố lầu ở thị xã Bạc Liêu và nhiều biệt thự sang trọng ở Cần Thơ, Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt….

Ông Hội đồng Trạch có 7 người con gồm 3 trai, 4 gái (Đinh, Huy, Huệ, Thu, Đông, Dày, Khương). Trong 3 đứa con trai (Đinh, Huy, Khương) thì Ba Huy có dáng người cao đậm, da đen, mày rậm, tướng mạo thanh thoát, tính cách khoáng đạt nên được ông Trạch ưu ái hơn cả.

Thuở nhỏ, Ba Huy sống ở Bạc Liêu. Lớn lên trong thời điểm phong trào Tây học, Ba Huy được gia đình gửi lên Sài Gòn học hết bậc thành chung (Trung học Phổ thông) rồi sang Pháp du học 3 năm. Thế nhưng, những năm “dùi mài kinh sử” bên Tây không mang lại cho “Công tử” được học hàm, học vị nào mà chỉ là những kinh nghiệm ăn chơi hưởng lạc như: nhảy đầm, lái xe hơi, mở tiệc đứng, những cuộc sát phạt đỏ đen và săn lùng gái đẹp…

Bên cạnh lối sống phóng túng, phong lưu, Ba Huy cũng là người nhân hậu, sống có tình, có nghĩa, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khi họ gặp hoạn nạn. Bởi vậy, ông ít bị tá điền oán ghét. Trong các mối quan hệ xã hội, Ba Huy không sống dè dặt, mưu toan, tính toán thiệt hơn. Trong con mắt giới giang hồ tứ chiếng thời đó, Ba Huy được coi là người “ngon” nhất Nam bộ không phải bởi cái vẻ hào hoa, sang trọng bên ngoài mà bởi sự khoáng đạt, phóng túng trong cách sống. Trong con mắt người Pháp, Ba Huy được nể trọng vì lấy được vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình.

Bởi tính cách phong lưu, ưa trăng gió nên sau khi cưới người vợ chính thức là bà Ngô Thị Đen (dòng dõi địa chủ ở Bạc Liêu), Trần Trinh Huy còn có thêm 3 người vợ khác và vô số nhân tình, nhân ngãi. Trong 3 người vợ không chính thức, có một bà vợ người Pháp do Công tử “cò cưa” được trong thời kỳ đi du học. Bà đầm có với Ba Huy một đứa con trai, lớn lên làm nghề phi công. Bà vợ không chính thức thứ hai có với Ba Huy 2 đứa con tên là Hiếu và Thảo. Người vợ thứ ba có 2 con trai, tên là Nhân và Đức (hiện đang sinh sống ở Sài Gòn). Người vợ thứ tư (tên là Ba, ít hơn Công tử 40 tuổi) xuất thân là một cô gái gánh nước thuê ở Sài Gòn nhưng có nhan sắc hương đồng, gió nội. Công tử tình cờ gặp cô Ba trong một buổi hóng gió và lập tức “say lòng mặt” như điếu đổ. Cô Ba về ở với Công tử đến cuối đời và sinh được 4 người con, tên là: Hoàn, Toàn, Trinh, Nữ (hiện đang sinh sống ở Vũng Tàu).

Và những giai thoại

Người dân Bạc Liêu vẫn còn truyền miệng nhiều giai thoại về máu yêng hùng, tính ham vui, cách chơi trội không giống ai của Công tử Bạc Liêu khiến chấn động cả đất Nam kỳ lục tỉnh thời đó… Có giai thoại kể rằng: Một lần đi thăm sở điền Vĩnh Châu, thấy bãi cát ven biển bằng phẳng, Công tử Bạc Liêu cho máy bay đáp xuống. Ai dè, máy bay vừa chạm đất thì cát lún làm cho đầu máy chúi xuống khiến Công tử bị thương, dập cả bàn chân… Lần khác, Công tử lái máy bay qua thăm ruộng ở Rạch Giá (Kiên Giang), đang lượn lờ trên không trung, Ba Huy giật mình nhìn xuống thấy kim xăng báo hết nhiên liệu nên vội vã đáp xuống đất. Ra khỏi máy bay, thấy mọi người xúm lại nói “xí lô, xí lao”, Ba Huy mới biết mình đã bay nhầm sang địa phận nước Xiêm La (Thái Lan). Công tử bị nhà nước Xiêm La bắt giữ và phạt 200.000 giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch sau đó đã phải dong một đoàn ghe chài chở lúa qua Xiêm chuộc quý tử về…!

Thông tin từ một số con cháu thuộc dòng họ Trần Trinh và các nguồn tài liệu sách báo cho biết, những cuộc ăn chơi thực sự, làm nên danh tính “Công tử Bạc Liêu” nức tiếng Nam kỳ phải kể đến đất Sài Gòn. Mỗi lần đi từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, Công tử đều ngồi trên một chiếc xe hơi sang trọng, có tài xế riêng, lưng túi giắt đầy ắp giấy bạc bộ lư, bạc con công. Lên tới Sài Gòn, Công tử không về ngôi biệt thự của gia đình ở đường Nguyễn Du mà thường vào các khách sạn nổi tiếng như: Soái Kình Lâm, Nguyệt Tiên Cung, Bát Đạt hay Continental, Majestic… để tổ chức những cuộc ăn chơi nổ trời…

Có lần, Công tử vào Đại thế giới đánh bài và tình cờ gặp một người đàn bà tuyệt sắc đang ngồi trên chiếu bài. Để gây ấn tượng, Công tử quyết định đánh một cây bài trị giá 30.000 đồng (tương đương 10 tháng lương của Thống đốc Nam kỳ). Khi Công tử Bạc Liêu đập xấp tiền xuống chiếu bạc, tất cả các con bạc lẫn tài phán đều sững sờ. Cái “đập tay” ấy đã làm chấn động cả giới cờ bạc ở Sài Gòn, nó lột trần toàn bộ tính cách của Công tử Bạc Liêu.

Lại có giai thoại kể rằng, một lần, gánh hát Phước Chương của Bạch Công tử (biệt danh “dân chơi” đặt cho Công tử Phước Georges, một tay chơi khét tiếng người Mỹ Tho) mời Hắc Công tử tới Sóc Trăng nghe hát. Vãn hát, họ cùng ngồi lại ăn nhậu, tán gẫu. Đang nhậu thì một nữ nghệ sỹ vô ý đánh rơi một đồ vật dưới gầm bàn, Bạch Công tử liền móc tờ giấy con công (5 đồng) đốt làm đuốc soi soi tìm đồ. Với ý chơi khăm, Hắc Công tử liền bật hộp quẹt đốt tờ giấy bộ lư (100 đồng) cũng để làm đuốc. Bị bẽ mặt, Bạch Công tử tiếp tục khiêu chiến bằng một cuộc thi đốt tiền nấu chè. Tại cuộc thi này, Bạch Công tử giành chiến thắng vì nấu được nồi chè sôi trước nồi chè của Hắc Công tử…

Công tử Bạc Liêu thức thời…

Những năm 1945-1947, trước khí thế cách mạng đang dâng lên cuồn cuộn như sóng trào, được em rể là Phan Kim Cân (nhân sỹ yêu nước) và các cán bộ cách mạng đến tuyên truyền chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh, Công tử Bạc Liêu đã cởi mở hợp tác chân tình. Ông đã ủng hộ Việt Minh 13.000 giạ lúa, gửi nhiều vải vóc, thuốc men cho kháng chiến. Sau đó, Công tử Bạc Liêu chuyển về sống ở Sài Gòn, kiên quyết không hợp tác với giặc cho đến cuối đời. Trần Trinh Huy mất năm 1973, do căn bệnh suyễn (có tư liệu viết do bệnh thận). Bấy giờ, gia cảnh họ Trần Trinh đã suy sụp, nhưng gia đình vẫn mướn xe chở thi hài Trần Trinh Huy đi một vòng quanh Sài Gòn để Công tử được “ngắm” lại mảnh đất “một thời vang bóng” rồi mới đưa về chôn trong khu mộ của dòng họ Trần Trinh tại Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).

Biệt thự “Công tử Bạc Liêu” hôm nay

Ngôi biệt thự (Nhà Lớn) của gia đình Công tử Bạc Liêu toạ lạc giữa góc ngã ba đường Điện Biên Phủ và Mai Thanh Thế- ven sông Bạc Liêu (xây dựng năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế) được cách mạng tiếp quản sau năm 1945, hiện đã giao về cho Tỉnh uỷ Bạc Liêu quản lý. Ngôi biệt thự mới được trùng tu, tôn tạo lại, trở thành Khách sạn Công tử Bạc Liêu với 6 phòng ngủ, 5 phòng ăn, 4 nhà trà đạo.

Ông Tạ Hoà Minh- Phó Giám đốc Khách sạn Bạc Liêu cho biết: “Những đồ vật, bảo vật của gia đình Công tử đến nay, hầu như khách sạn không còn giữ được gì. Nội thất bày trí hiện nay đều do chúng tôi phục chế, phục dựng lại theo nguyên bản để không làm mất đi vẻ cổ kính đặc trưng của nội thất và kiến trúc ngôi biệt thự. Riêng phòng ngủ Công tử Bạc Liêu, có một chiếc máy điện thoại quay số từ thời Pháp thuộc để lại, hiện vẫn còn sử dụng tốt.

Công tử Bạc Liêu đã thực sự trở thành một thương hiệu du lịch hấp dẫn đối với khách trong nước cũng như quốc tế khi đến tham quan Đồng bằng Sông Cửu Long. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Khách sạn Bạc Liêu đón từ 1500-1700 lượt khách vào tham quan, ăn uống, nghỉ ngơi. Trong thời gian tới, Tỉnh uỷ Bạc Liêu đang có kế hoạch xây dựng thêm 1 khách sạn khoảng 30 phòng ngay trong khuôn viên Khách sạn Công tử Bạc Liêu để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của khách du lịch.[/size][/justify]

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)