Biết được hoàn cảnh của thầy Trần Văn Triệu (Sn 1940), cựu hiệu trưởng trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM nhờ vào một trang website từ thiện www.vongtayam.org, chúng tôi đã nhanh chóng tìm hiểu và đến tận nhà để thăm hỏi thầy. Và chỉ sau chưa đầy 4 câu nói của cô Thanh (người chăm sóc thầy) kể về hoàn cảnh khó khăn mà thầy Triệu đang gặp phải, chúng tôi đều rơm rớm nước mắt.
Ngôi nhà cũ kỹ, nằm gần cuối con hẻm nhỏ ở quận Gò Vấp trông thật hiu quạnh và thiếu vắng tiếng cười, lại chính là nơi mà thầy Trần Văn Triệu sống gần cả đời người. Bước vào bên trong nhà, thứ đầu tiên mà chúng tôi được nhìn thấy đó chính là hàng chục bằng khen, giấy chứng nhận được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và những tấm ảnh đã phai màu từ cái thời thầy còn đứng lớp.
Căn nhà ọp ẹp nằm gần cuối còn hẻm của thầy giáo Triệu.
Bằng khen, huy chương của thầy thời còn đi dạy.
Khác với vẻ trang nghiêm, phong độ của hơn 10 năm về trước, giờ đây, một hình ảnh vô cùng đau lòng đã ập vào mắt chúng tôi khi nhìn thấy thầy ốm như chỉ còn da bọc xương, nằm co ro trong một góc nhà với căn bệnh tai biến mạch máu não và tiểu đường mới thấy nhói lòng làm sao… Thầy vừa nhìn thấy chúng tôi, bỗng mắt thầy nhăn lại và khóc… Nó khiến chúng tôi thoạt đầu e ngại vì không biết chuyện gì đang xảy ra, cho đến khi cô Thanh đến và nói: "Giờ cứ thấy ai vào thăm là thầy đều khóc. Ông ấy luôn cho rằng đó chính là học trò cũ của mình về thăm".
Thầy Triệu được đích thân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Giờ thầy Triệu vô cùng cô đơn và đau đớn.
Thầy Triệu là một người tận tâm với nghề. Thầy cống hiến hết tuổi xuân của mình cho nó, để rồi đến bây giờ thầy vẫn chưa lập gia đình mà chỉ sống cô đơn. Thầy cũng chẳng còn bà con thân thích nào ở bên cạnh, chỉ có duy nhất cô Thanh, vốn là người được trường THCS Quang Trung quận Gò Vấp và UBND phường mời đến giúp việc, chăm lo cho thầy Triệu.
"Từ khi ông ấy bệnh nằm liệt giường cũng đã gần 10 năm. Lúc đầu tôi cũng không nghĩ mình sẽ ở đây làm việc hoài như thế này. Nhưng vì muốn tìm thấy xác chồng bị mất tích từ thời chiến, tôi mới lặn lội từ Quảng Bình vào đây bấm bụng kiếm chút tiền trang trải cuộc sống qua ngày. Thế rồi thầy thương tôi, nên đã nhờ một cậu học trò làm trong Quân đội giúp đỡ. Sau 6 năm, cuối cùng tôi cũng đã tìm được xác chồng mình. Tôi cảm thấy như mình mắc nợ một cái ơn và một cái tình với thầy, nên mới quyết định ở lại đây cho đến khi nào thầy nhắm mắt ra đi thì thôi. Và cũng đã mấy năm rồi tôi không hề nhận được đồng lương nào do hoàn cảnh của thầy Triệu quá khó khăn" - cô Thanh tâm sự.
Cô Thanh kể về hoàn cảnh khó khăn của thầy cũng như của mình.
Mỗi tuần, tiền thuốc thang của thầy Triệu tốn đến 3 - 4 triệu đồng, nhưng thu nhập từ lương hưu, hỗ trợ của quận và bà con hàng xóm mỗi nơi vài trăm cũng chẳng xi nhê gì. Trong khi đó bệnh của thầy ngày càng nặng, mà gần như suốt mấy tháng liền thầy Triệu cùng cô Thanh không hề biết đến thịt heo hay cá có mùi vị ra sao. Thầy chỉ được ăn tạm ít cháo trắng cầm hơi, sữa cũng không có mà uống.
"Lắm hôm thầy nhõng nhẽo, xòe tay ra xin ăn phở với cháo cá lóc mà tôi chẳng biết đào đâu ra tiền. Đến gạo tôi cũng chỉ dám mua 5.000 đồng mà bà chủ không chịu bán. Buộc lòng chiều tối tôi phải bỏ thầy ở nhà một mình, xách bao đi nhặt ve chai đem bán kiếm tiền. Ngày qua ngày, đến cả cháo cũng không có mà ăn nên tôi hỏi ý thầy để đem bán số sách bao năm thầy giữ gìn".
Cô Thanh kể lúc đem đi cầm cố và bán chỗ sách vở đó, thầy khóc như một đứa trẻ con. Nhưng vì hoàn cảnh và cần có tiền mua thuốc, thầy buộc phải quên đi cơn đau đó thì mới có thể tiếp tục cuộc sống. Còn căn nhà hiện nay của thầy Triệu cũng đã được đem đi bán hồi 8, 9 năm về trước, sau khi thầy bị người ta ăn trộm sạch mấy chục triệu thầy để dành dụm được để chữa bệnh. Chủ nhà mới đã hứa đợi đến khi thầy qua đời thì mới đến lấy căn nhà này, vì họ cũng biết hoàn cảnh hiện nay của thầy Triệu khó khăn đến mức nào.
Tai ương nối tai ương, một cơn bạo bệnh đã cướp đi con mắt bên phải của thầy hồi năm ngoái. Cô Thanh kể, bỗng nhiên thấy máu ở mắt bên phải của thầy chảy ra liên tục, cô hốt hoảng mang thầy vào trung tâm ung bướu. Các bác sĩ đã lấy một con mắt của thầy ra, vì nếu không thầy sẽ không qua khỏi.
Cũng từ ngày hôm đó, hoàn cảnh của thầy Triệu mới được một vài tờ báo đưa tin. Họ giúp đỡ thầy có một chút tiền để trang trải sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Giờ thầy đã có thể biết đến mùi vị của phở, của cháo cá lóc và sữa tươi là như thế nào.
Giờ thầy Triệu chỉ còn một mắt.
Nhờ có một số đồng nghiệp và học trò cũ hay tin, thầy mới có được mấy hộp sữa để uống.
Đống thuốc khô khốc mà thầy phải uống để cầm lấy sự sống của mình mỗi ngày.
Điều đáng nói là mặc dù thầy Triệu bị bệnh rất nặng và hoàn cảnh khó khăn, nhưng mãi cho đến sau này thầy mới cho một số đồng nghiệp và học trò của mình hay tin, phần lớn là họ tự đọc trên báo mà biết. Thầy nói rằng, thầy rất nhớ trường, nhớ đám học trò ngày xưa mình dìu dắt. Thầy sợ lắm những ngày cô đơn, hiu quạnh một mình như thế này. Bởi vậy, cứ thấy ai đến thăm dù lạ hay quen, thầy cũng đều khóc vì cảm động và vui mừng.
Hiện nay thầy Triệu vẫn còn thiếu thốn rất nhiều tiền để có thể chữa bệnh. Thầy cũng không có đủ tiền để ngày nào cũng được ăn ngon. Trong khi đó bác sĩ khuyên thầy nên ăn cho đủ chất thì mới có thể kéo dài được cuộc sống.
Chúng tôi cũng đã gửi đến thầy và cô Thanh một chút tấm lòng của mình để giúp đỡ phần nào cho cuộc sống của thầy.
Vì thế, rất mong những bạn, nhà hảo tâm có thể chung tay, giúp đỡ thầy Triệu trong khoảng thời gian này.
[justify]Mọi giúp đỡ xin gửi về: [/justify] [justify]Chị Thanh (người đang trực tiếp chăm sóc thầy) qua số ĐT: (08) 35892498.[/justify] [justify]Địa chỉ: 44/21 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM.[/justify] |