Nhặt rác kiếm sống tự nuôi bản thân là niềm hạnh phúc cuối đời của cụ Gái.
Trong tiết lạnh giá đầu xuân, cụ chỉ phong phanh manh áo mỏng đã cũ và cứ thế đi lần lượt các thùng rác ở chợ Đồng Xuân. Thành quả một ngày đi nhặt nhạnh của cụ Gái là hai túi đen nhét đầy giấy, lon bia, nylon, chai nhựa. Sau tết phế liệu nhiều, hơn nữa dân nhặt phế liệu về quê ăn tết chưa ra, nên cụ Gái dễ nhặt nhạnh hơn.
Vo tròn chiếc bao tải rách ngồi tạm. Đôi bàn tay đầy gân guốc run run bóc chiếc bánh chưng đã bị mốc lá mang từ quê ra, cụ véo từng miếng đưa vào miệng nhai trệu trạo. Xong bữa trưa, cụ chậm rãi kể về cuộc đời cơ cực.
Cụ đã ngoài 80 tuổi, có nhà ở xã Tân Châu, Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), có con, cháu đề huề, nhưng cụ vẫn đi nhặt phế liệu kiếm sống nuôi thân. Tối về, ngủ trọ xóm cống thối dưới chân cầu Long Biên. Ngày làm việc của cụ Gái từ 8h sáng và kết thúc lúc hơn 18h tối. Buổi trưa, sau khi ăn xong, cụ tìm một góc trong chợ Đồng Xuân trải nylon nằm ngả lưng.
Với cụ Gái, mỗi ngày cụ kiếm được 30.000-50.000 đồng, có hôm kiếm được cả trăm nghìn từ việc nhặt phế liệu là hạnh phúc lắm. Số tiền ấy đủ trang trải cho hai bữa cơm, tiền mua thuốc, chi tiêu lặt vặt không phải nhờ vả tới con cái.
Hồi còn ở nhà, hằng ngày, cụ Gái đi kiếm lá chuối khô, lá tươi tích lại được 40-50kg thì gánh đi bán cho các cơ sở sản xuất bánh bên phố Tía (huyện Thường Tín, Hà Tây cũ). Hơn 40 năm mưu sinh như thế, nhưng rồi người ta dùng lá dong gói bánh, không mua lá chuối của cụ nữa; có người mua, nhưng giá rẻ quá nên cụ đành phải bỏ lên Hà Nội nhặt phế liệu nuôi thân. “Cô con gái cả không muốn mẹ tha hương nhặt rác kiếm sống, tuy không giàu có, nhưng nó vẫn sẵn sàng chu cấp cho mẹ. Tôi thì không muốn phiền đến con, bởi nó còn chồng, con rồi lo việc nhà chồng. Giờ chỉ cầu trời cho tôi được khỏe để tiếp tục nhặt rác kiếm sống được ngày nào hay ngày đấy” - cụ Gái ứa nước mắt nói.
Từ ngày ra Hà Nội kiếm sống, trừ những ngày giỗ quan trọng, còn thì cụ rất ít về nhà, năm nào cụ cũng bám trụ đến chiều 30 tết mới bắt xe về rồi đến mùng 4 lại bắt xe lên. “Dịp ấy có nhiều phế liệu thậm chí nhặt không xuể, hơn nữa không phải cạnh tranh với ai vì họ về quê hết từ 25-27 và đến tận mùng 10 mới ra, chỉ có 3 - 4 ngày mà tôi nhặt được bằng cả tháng” - cụ Gái chia sẻ.
Lao động vất vả, nhưng cụ Gái ăn uống rất hà tiện, mỗi ngày cụ chỉ ăn hai bữa trưa và tối, thức ăn chỉ có muối vừng, mắm tép và rau luộc. “Đến 13 tháng giêng tôi lại về quê, hôm ấy con gái, con rể và các cháu từ Đắc Lắc ra chơi. Cuộc sống khó khăn không có điều kiện nên gần chục năm nay nó mới ra Bắc thăm mẹ. Cứ nghĩ đến là thấy vui quá” - cụ Gái cười hạnh phúc, cho biết.
Theo Nguyễn Thu
Lao Động
Lao Động