Trong lúc 105 công ty chứng khoán đang phải giải bài toán làm sao tồn tại, thì cơ hội có việc làm cho người mới tốt nghiệp trong ngành có vẻ hẹp hơn. |
“Tôi ra trường vào tháng 7/2011. Từ đó đến nay đã nộp hồ sơ vào nhiều công ty nhưng vẫn chưa được gọi. Có công ty đăng quảng cáo trên mạng nhưng đến nơi lại gặp môi giới đa cấp, phải đóng 100.000 đồng nhưng vẫn không có việc. Có nơi gọi phỏng vấn nhưng chưa thấy trả lời. Không thể nằm chờ mãi, tôi đã chọn hình thức tự tiếp thị cá nhân thế này để mong có nhà tuyển dụng nào đó tình cờ để mắt đến” - Thành quệt mồ hôi trán, nói.
Suốt bốn năm học ngành tài chính ngân hàng, chàng sinh viên quê Cam Ranh có khuôn mặt sáng sủa này tự hào vì gia tài cuối cùng là một tủ sách chuyên ngành mà anh mày mò nghiên cứu photo được từ các thư viện.
“Kiếm được bao nhiêu tiền từ nghề gia sư, tôi dành đổ xăng để lặn vào các kho sách thư viện đại học Khoa học tự nhiên, đại học Bách khoa, đại học Sư phạm kỹ thuật và nhóm thư viện làng đại học ở Thủ Đức để nghiên cứu. Tôi học thêm các phần mềm lập trình, kiểm toán, phân tích dữ liệu, báo cáo để làm chủ kiến thức chuyên môn trong chương trình học”, chàng cử nhân trẻ say sưa nói về các đầu sách kinh tế lượng, các phương pháp chuyên môn thống kê, hồi quy và đa trị dùng cho việc phân tích các chỉ số, báo cáo tài chính ngân hàng.
Những kiến thức về kỹ thuật, công cụ, hoặc chứng chỉ của uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, hầu hết là do Thành tự tìm hiểu, học thêm vì say mê ngành học. Thành không ngại ngần bày tỏ ước mơ một thời là mong có dịp sang Mỹ để có điều kiện nghiên cứu sâu thêm về chuyên ngành tài chính ngân hàng.
Nhưng bài toán đơn giản nhất là kiếm được một việc làm để “tồn tại trong lúc hết tiền trả tiền trọ và chi tiêu hàng ngày”, thì chàng tân cử nhân tài chính ngân hàng này lại chưa giải được.
“Nói thật, tôi cũng hết cách mới chọn đến hình thức “tiếp thị bản thân” theo kiểu này. Ban đầu, tôi cũng hơi e ngại, mặc cảm lắm. Chiến thắng được sự mặc cảm đó để bắt tay làm quả thật rất khó khăn”. Thành cũng cho biết thêm, anh đã suy nghĩ nhiều khi chọn lựa đi bằng xe đạp hay xe máy: “Xe máy vừa khó làm chủ tốc độ, vừa tốn xăng. Tôi chọn đi xe đạp sẽ gây sự chú ý cho mọi người, vì tốc độ vừa phải, người ta có thể đọc thấy kỹ thông tin, số điện thoại để nếu cần thì liên lạc”.
Trong giỏ xe của Huỳnh Ngọc Thành, còn có một tập hồ sơ, là bản photo văn bằng, chứng chỉ cần thiết để nếu có người quan tâm, sẽ cung cấp tận tay. “Nếu tôi không có khả năng thì chắc chắn cũng không dám chọn hình thức “tự giới thiệu” thế này đâu. Thật tình tự tin vào khả năng có thể đáp ứng tốt nhất về lao động ở chuyên ngành mình được đào tạo” - Thành khẳng định.
Hiện tại Thành đang thuê phòng trọ ở chung với cậu em trai làm ngành bất động sản, cũng đang gặp khó khăn. Người mẹ già 70 tuổi ở quê nhà thì không còn khả năng để lao động, nên: “Ra trường, bằng mọi cách, tôi chỉ mong sớm có việc để tự lo và giúp người thân. Nếu lúc này có ai kêu tôi làm một nghề gì khác chuyên môn nhưng vẫn trang trải được chi tiêu, thì tôi vẫn sẵn sàng làm” - Thành nói.
Những vòng xe đạp của cậu tân cử nhân ngành tài chính ngân hàng lại lăn bánh chậm chạp. Trên đường phố đông, nhiều người tò mò về hình thức tiếp thị độc đáo này. Một buổi sáng trôi qua, chưa có cuộc điện thoại bất ngờ nào. Tín hiệu hy vọng hãy còn nằm đâu đó phía trước những dòng người xe vội vàng.