Ông Út Hợp bị bom đạn cướp đi đôi mắt tại chiến trường miền Trung khi mới 28 tuổi. Xuất ngũ, ông về lại Sóc Trăng với người vợ hiền. Thiếu ánh sáng nhưng còn đôi chân khỏe, thế là 2 năm sau giải phóng, ông đi châm cứu từ thiện khắp các tỉnh miền Tây rồi lên Đông Nam bộ, ròng rã suốt 17 năm trời. Ở đâu có ông là có hàng trăm người nhận phiếu châm cứu miễn phí mỗi ngày.
Làm từ thiện hàng chục năm nay nhưng cụ Hợp từ chối lên truyền hình vì không muốn “ồn ào”. Ảnh: Thiên Phước. |
Vài năm sau, biết nhiều địa phương người dân rất thiếu nước sạch nên ông liền khăn gói lên Sài Gòn tìm bạn bè làm ăn khá giả vận động chi phí khoan giếng bơm tay cho hàng trăm hộ dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Thời gian này, những lúc rảnh tay ông vò bột nghệ thành viên để cho những bệnh nhân bị đau bao tử mà không có tiền mua thuốc uống.
Có lần nghe bạn kể nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng không có tiền mua cơm, cháo, ông bèn liên hệ với bạn bè đến bệnh viện đặt vấn đề nấu cháo từ thiện phát miễn phí. Nhờ vậy mà bếp ăn từ thiện tại bệnh viện này ra đời, phát triển tốt đến nay với khoảng 300 phần cháo vào mỗi buổi sáng.
Buổi trưa và chiều cũng có hàng trăm phần cơm được phát miễn phí, có đủ thức ăn chay. Từ mô hình này, một số bệnh viện tuyến huyện ở Sóc Trăng cũng hình thành bếp ăn từ thiện cung cấp cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Điểm phát cơm, cháo từ thiện mỗi ngày tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng do cụ Hợp khởi xướng. Ảnh: Thiên Phước. |
Mới đây, có đoàn làm phim muốn ghi hình về cuộc đời của “những người tử tế” nhưng ông từ chối bởi không muốn ồn ào. Ông bảo chỉ muốn thầm lặng làm việc nghĩa. Và sáng hôm sau ông một mình đón xe từ Sóc Trăng lên TP HCM để tìm đến nhà một gia đình nghèo ở quận 9.
“Tôi mới nghe radio kể về một cô bé nhà nghèo ham học. Cha liệt nằm một chỗ, em trai bại não nên mẹ phải ở nhà chăm sóc hai người. Không có tiền, bà ấy nhận giữ mấy đứa trẻ trong xóm để tằn tiện lo thang thuốc cho chồng, con. Đứa con gái tên Thanh đang học lớp 12 mà có hôm nhịn đói đến lớp nên tôi phải tìm để trao học bổng, hỗ trợ tiền hàng tháng cho em này có điều kiện ăn học”, ông chia sẻ.
Trò chuyện cùng VnExpress.net, bà Lý Thị Thum ở Bắc Tà Ky, phường 4, TP Sóc Trăng cho biết cứ vài tháng là thấy cụ Hợp xuất hiện với vài người phụ việc để trao quà hoặc quần áo xin được từ TP HCM mang về Sóc Trăng chở đi cho người nghèo.
“Tôi quý cụ Hợp ở chỗ là không phải như những người khác cứ đổ quần áo ra một đống bên đường rồi ai lựa thì lựa theo kiểu ‘bố thí’. Cách làm của cụ Hợp là khi xe chở quần áo đến, người nào hỏi xin và xin bao nhiêu bộ thì cụ kêu người giúp việc chọn áo quần vừa theo kích cỡ người cần mặc, đúng số lượng, đúng giới tính nên mang về là mặc được ngay, không bỏ tùm lum phí phạm”, bà Thum tâm đắc kể.
Nói về bếp ăn từ thiện trong Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng do cụ Hợp khởi xướng, bác sĩ Nguyễn Thanh Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết 7 năm trước khi ông nhận công tác ở bệnh viện đã thấy có bếp ăn từ thiện do ông Hợp với các cộng sự phát cháo cho bệnh nhân nghèo vào mỗi buổi sáng. Hiện nay ông Hợp không trực tiếp tham gia mà giao lại cho người khác đồng thời phát triển thêm hai buổi cơm chay vào trưa và chiều.
Thiên Phước