Bạn là ai, bạn là nam hay là nữ, bạn nam tính hay nữ tính, bạn thuộc giới tính thứ 3 (người đồng tính)? Những điều này không quan trọng.
Nguồn gốc của giới nam và giới nữ
Có nhiều quan điểm lý giải điều này nhưng tôi chỉ đưa ra những quan điểm thường gặp nhất.
Theo quan điểm của Thiên chúa giáo:
Khi tạo ra trái đất rực rỡ sắc màu các loài cỏ cây, hoa lá, chim muông vô cùng xinh đẹp, Chúa trời bắt tay vào tạo ra con người. Chúa lấy bụi đất nắn ra một thân hình con người hoàn toàn, một thân thể người đàn ông khỏe mạnh, vạm vỡ. Sau đó, Chúa tạo ra người đàn bà từ chính chiếc xương sườn của người đàn ông.
Người đàn ông được tạo ra từ đất còn người đàn bà được tạo ra từ một phần thân thể của đàn ông, điều đó có nghĩa là từ khi có loài người, người đàn ông đã mang sức mạnh của đất trời còn người đàn bà thì phải yếu đuối, phải dựa vào đàn ông.
Theo quan điểm sinh học:
Trong số các hoóc môn của cơ thể, hoóc môn sinh dục có vai trò quy định giới tính mỗi con người và điều khiển các hoạt động sinh lý tính dục của cơ thể. Testosterone – hoóc môn giới tính nam – tồn tại trong cả cơ thể nam và nữ, song hàm lượng của nó trong cơ thể đàn ông cao hơn, tạo nên các đặc điểm nam tính như rậm lông, cơ bắp phát triển, làm vỡ giọng… Nó hiện diện với số lượng lớn ở nam giới trong suốt tuổi dậy thì và tuổi trưởng thành để điều hòa ham muốn tình dục và duy trì khối lượng cơ. Testosterone cũng được sản xuất từ tuyến thượng thận ở cả nam và nữ và ở buồng trứng của nữ giới với số lượng thấp. Ở phụ nữ, testosterone được chuyển thành estradiol, là loại hormon giới tính chính của nữ. Chính vì thế, nếu bạn thấy một “boy” mà “nữ tính” thì có nghĩa là lượng testosterone của bạn ấy hơi thấp so với bình thường, còn nếu một “girl” mà “nam tính” thì do lượng testosterone của bạn ấy cao hơn so với một “girl” bình thường.
Theo quan điểm xã hội học:
Từ giây phút một cậu bé ra đời, những người xung quanh đã kỳ vọng và cố gắng dạy dỗ cậu trở thành một người đàn ông thực thụ. Cậu bé được dạy là phải cứng rắn, phải đánh nhau, phải đấu vật, leo trèo, không được khóc lóc, không được để bất kỳ ai bắt nạt. Cậu được dạy là phải làm những công việc nặng nhọc, phải chăm sóc, bảo vệ gia đình, đặc biệt là mẹ và các chị em gái, trông nom nhà cửa… Cậu được dạy để trở thành một người đàn ông thực thụ, một trụ cột gia đình. Các em bé gái thì ngược lại, những hình ảnh người phụ nữ nhu mì, dịu dàng, nội trợ… trở thành những khuôn mẫu để uốn nắn sự phát triển của các em.
Bạn là ai? Bạn làm gì? Bạn có thể chăm sóc và bảo vệ những người bạn yêu thương?
Dù theo quan điểm nào, ngày nay, với khoa học kỹ thuật hiện đại, giới nam và giới nữ đều có thể thay đổi được. Nếu “phần sinh học quy định giới tính của bạn” có vấn đề? Phẫu thuật là được ngay. Cùng với phẫu thuật, người ta có thể tiêm vào trong cơ thể bạn các hoocmon giới tính để bạn duy trì tính nam hoặc tính nữ. Trước đây, khi học về tâm lý học phát triển, chúng tôi có thảo luận câu chuyện thế này: Một em bé ra đời ở Mỹ có bộ phận sinh dục bất bình thường, người ta không biết em là nam hay nữ. Sau đó, do kỳ vọng của gia đình (đã có 1 con trai) em bé được phẫu thuật thành nữ và trong suốt quá trình lớn lên, em được tiêm hoocmon nữ, được mặc quần áo, chăm sóc và được dạy bảo như con gái. Thế nhưng, khi đến tuổi thiếu niên, em thấy cơ thể mình không ổn, em thích các bạn nữ, thích hành động của nam giới và càng ngày càng nhận thấy mình giống nam giới hơn. Em phản kháng và đến tuổi trưởng thành, em đã đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính lại một lần nữa. Và thật may, em đã được trở lại sống đúng với con người thực của mình.
Tôi nói lan man như vậy, thực ra chỉ muốn nói, bạn là ai, bạn là nam hay là nữ, bạn nam tính hay nữ tính, bạn thuộc giới tính thứ 3 (người đồng tính), những điều này không quan trọng. Ngày nay, con gái cũng có nhiều người uống rượu, hút thuốc, đánh nhau, tham gia băng nhóm, ngược lại cũng có nhiều nam giới nước hoa sực nức, chải chuốt, ăn nói dịu dàng… Bạn là ai cũng được, miễn đừng thuộc giới tính thứ 4 (người vô cảm, không có cảm xúc). Điều quan trọng là, bạn có dám khẳng định cái tôi cá nhân của mình không? Có dám sống thật với bản chất con người mình không? Điều quan trọng hơn nữa là khi làm những việc ấy, bạn có được hạnh phúc không và những việc bạn thấy là làm mình hạnh phúc ấy có làm tổn hại đến những người xung quanh hay không?
Tôi muốn tham gia vào cuộc tranh luận “Nam tính là gì?” sớm hơn, nhưng cuối cùng tôi lại dành toàn bộ thời gian rảnh trong tuần để đọc và nghiền ngẫm cuốn sách mà tôi mới mua được “Cư xử như đàn bà, suy nghĩ như đàn ông”. Đây là một trong những best seller nổi tiếng của một danh hài nổi tiếng người Mỹ. Cuốn sách nói rất nhiều về đàn ông, về những đặc điểm, nhận thức, tư duy, hành động của họ và sự khác biệt giữa nam và nữ. Tuy nhiên, sau khi đọc xong, tôi rút ra rằng, không nên quá tách bạch giới nam và nữ. Một con người hiện đại hướng tới sự hoàn mỹ thì trong tình cảm, tư duy, trong hành động phải có sự hài hòa giữa tính nam và tính nữ và phải biết thể hiện nó trong những hoàn cảnh phù hợp.
Bạn đừng băn khoăn mình có nam tính không? Mình có quá nữ tính không? Thay vì thế, bạn hãy tự hỏi: Mình là ai? Mình cần phải làm gì để trở thành một người có ích? Mình cần làm gì để có được hạnh phúc? Mình có thể chăm sóc và bảo vệ những người mình yêu thương không? Hãy hành động để tìm ra đáp án đúng, bạn nhé.