Tin tức - pháp luật 2010-05-07 06:33:40

Cuộc đối đầu Điện Biên Phủ, sai lầm lớn nhất của Pháp (1)


(Dân trí) - Khi cụ Hồ biết tin Pháp chọn Điện Biên Phủ để tiến hành trận chiến quyết định, cụ lột ngay chiếc mũ trên đầu và ném lên bàn. Chỉ thẳng vào chiếc mũ đang lật ngửa - ví như một thung lũng sâu và rộng, cụ nói: “Quân Pháp sẽ bị chôn sống ở đây”.
Laura Lam có bài viết dài về chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng của quân và dân Việt Nam. Dân trí xin giới thiệu phần một bài viết với đề tựa “Châu chấu đá voi”.

Đọc bản gốc trên trang tiếng Anh Dtinews của báo Dân trí Điện tử tại đây

Đó là năm 1999. Tôi đang ngồi ở vườn hoa trước ngôi nhà ở quê cùng với Đại tá Phan Duong và vài người bạn đang có kỳ nghỉ Hè ở Pháp. Điều trớ trêu là khu ngoại ô thành phố Fontainebleau này là nơi Tướng Henri Navarre, Tư lệnh Lực lượng Pháp ở Đông Dương, đã từng sống nhiều năm tuổi thơ. Duong nói về chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến Điện Biên Phủ năm 1954. Mỗi lần kể đến một đoạn cao trào, Duong lại cất giọng hát một bài mà anh đã hát cùng những chiến sĩ Việt Minh trong trận đánh này. Hồi đó, Duong là một sĩ quan quân đội cấp thấp, xung phong tham gia trực tiếp chiến đấu.




Nhóm chiến lược của Pháp: Rene Cogny (thứ nhất, từ trái), Christian de Castries (không đội mũ), Henri Navarre (giữa)


Trong cuộc chiến 7 năm với quân đội Việt Minh (bắt đầu năm 1946), quân đội Pháp đã để mất danh tiếng cũ khi chuốc lấy con số thương vong khổng lồ trên chiến trường. Năm 1952, đã có 90.000 lính Pháp chết, bị thương hoặc mất tích. Một sĩ quan cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ là John Ohley, người theo dõi sát sao tình hình cuộc chiến, nhận xét: “Pháp đã mất số sĩ quan nhiều hơn cả số tốt nghiệp các trường sĩ quan của nước này”.

Bị đẩy lùi về thế phòng thủ, Pháp lo nhất là làm thế nào để giành ưu thế trước những lính du kích. Rõ ràng là Pháp đang rất cần một giải pháp quyết định. Vào thời điểm đó, quan điểm quốc tế nghiêng về dạng giải pháp đã được thương lượng, nhưng Pháp không muốn. Điều này càng tăng thêm tính cấp bách cho chương trình nghị sự của quân đội Pháp.





Đại tá Christian de Castries tại Điện Biên Phủ (được thăng tướng trong trận này)


Để chứng tỏ ưu thế của nước mình, tai hại thay, Pháp đã chọn một cuộc đối đầu tại Điện Biên Phủ - vốn lâu nay đã là một trong những căn cứ của Pháp, vì Pháp kiểm soát con đường vào Lào. Nằm ở khu vực hẻo lánh, cách bờ biển 450km và cách Hà Nội hơn 400km, trên thực tế, chỉ có thể dễ tiếp cận Điện Biên Phủ bằng đường không. Đây là một thung lũng thanh bình, dài 20km và rộng 5km, bao quanh là một chuỗi các ngọn núi. Dân số chỉ hơn 10.000 người, sống rải rác trong những ngôi làng nhỏ ở vùng đất trồng trọt bằng phẳng. Khu vực này có lượng mưa lớn nhất Vùng Cao và giữa những quả đồi vây xung quanh ngập tràn màu xanh ngút mắt.

Trong gần 1 thế kỷ, chế độ thực dân đã tận dụng thung lũng Điện Biên Phủ để làm trung tâm cung cấp chính cho các hoạt động phân phối độc quyền thuốc phiện của chúng ở Đông Dương. Luôn có một sĩ quan Pháp cùng đồn trú ở đây. Ngôi nhà gỗ một tầng của viên sĩ quan này và những căn nhà bằng gạch bao quanh chẳng bao lâu sau đã được lịch sử ghi vào là cụm cứ điểm Eliane (đồi A1. Để đấu với Việt Minh, quân đội Pháp rõ ràng có ý định về một trận đánh dàn quân trên một khu đất phẳng, cùng với những chiếc xe tăng có hỏa lực mạnh nhất.





Nhóm chiến lược của Việt Nam: Ông Phạm Văn Đồng (thứ hai, từ trái), cụ Hồ Chí Minh (giữa), ông Trường Chinh (áo trắng) và ông Võ Nguyên Giáp


Phía Việt Nam sẽ phải đưa quân đội và quân nhu vào Điện Biên Phủ với cùng khoảng cách, nhưng bằng đường bộ. Tướng Võ Nguyên Giáp có kế hoạch triển khai 50.000 nam và nữ quân nhân tham gia chiến đấu và 20.000 dân công hỏa tuyến ở mọi lứa tuổi tham gia tiếp tế. Để đến được Điện Biên Phủ, Việt Minh sẽ phải xây dựng những con đường mới và cầu phao, và chuyến hành quân đặc biệt này sẽ phải mất ít nhất 2 tuần bằng cả đi bộ, đi xe đạp hoặc bằng thuyền nhỏ. Tướng Giáp sẽ đi bằng ngựa, nhưng quân của ông có thể đã thu được một chiếc xe jeep chiến lợi phẩm của quân địch trên đường đi, giúp ông giảm thời gian đi lại.





Đại Tướng Võ Nguyên Giáp


Tháng 11/1953, với sức mạnh không quân, Pháp đã tiến hành “Chiến dịch Hải Ly”, thả 9.000 quân xuống khu vực này chỉ trong 3 ngày. Pháp bắt đầu lập các cứ điểm giống các pháo đài, và cả những căn cứ. Pháp có kế hoạch triển khai 10.000 lính, nhưng với những động thái tăng quân sau đó, con số này đã lên đến 16.000. Lính Pháp bao gồm các trung đoàn không vận, đội lính lê dương, đội xạ thủ châu Phi, binh đoàn thuộc địa người Việt và số lính đánh thuê người Thái, Lào, và Mường.

Tướng Henri Navarre đã quyết định ăn mừng ngày Giáng sinh với các binh lính của ông ta ở Điện Biên Phủ để tăng nhuệ khí. Đại tá Christian de Castries được chỉ thị tổ chức bữa tiệc trong một căn lều lớn dựng bên ngoài trụ sở đầu não, với sự hỗ trợ của nữ thư ký riêng Paule Bourgeade. Lớn tiếng trước các binh lính trong những bộ quân phục rằn ri, Navarre đảm bảo với họ về chiến thắng. Navarre có nói về Võ Nguyên Giáp. Ông ta không tin vào khả năng lãnh đạo quân đội của Tướng Giáp, nói rằng ông Giáp thực ra là một thày giáo dạy sử, có bằng luật và chưa bao giờ kinh qua một trường đào tạo quân sự nào.

Chính cụ Hồ Chí Minh là người đã tiến cử ông Giáp tham gia huấn luyện quân đội trong rừng năm 1940, sau khi diễn ra cuộc nổi dậy Nam Kỳ Khởi Nghĩa do bà Nguyễn Thị Bảy (Pháp gọi là “nữ hoàng Đỏ”) đứng đầu. Ở thời điểm đó, cả hai đang ẩn náu gần khu vực biên giới Việt-Trung Ông Giáp sau đó đã nói với cụ Hồ Chí Minh rằng bàn tay ông là để cầm bút chứ không phải cầm gươm. Hai người đã sẻ chia những kinh nghiệm trong một thập kỷ nữa ở rừng. Trong trận đánh Điện Biên Phủ, cụ Hồ đã chọn ông Giáp làm tư lệnh lực lượng Việt Minh.

Mùa Đông năm 1953, Richard Nixon, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, đã bí mật thăm Hà Nội. Ông ta có đến sông Hồng, quan sát một trận đánh ở Ninh Binh và lắng nghe kế hoạch chi tiết do Navarre trình bày. Kế hoạch này đã được “thiết kế” cẩn thận với sự tham vấn của Thủ tướng Pháp Joseph Laniel và Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles. Kế hoạch này cũng đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của gần 20 sĩ quan quân đội cấp cao Mỹ và Pháp. Đại tá Christian de Castries, một sĩ quan kỵ binh bảnh bao với lý lịch tham chiến ấn tượng trong Chiến tranh Thế giới Thứ II, được chỉ định là Tư lệnh tại Điện Biên Phủ.

Khi cụ Hồ Chí Minh biết tin về quyết định của Pháp chọn Điện Biên Phủ để tiến hành trận chiến quyết định, ông lột ngay chiếc mũ trên đầu và ném lên bàn. Chỉ thẳng vào chiếc mũ đang lật ngửa – ví như một thung lũng sâu và rộng, cụ nói với ông Giáp: “Quân Pháp sẽ bị chôn sống ở đây”.





Laura Lam

(Việt Hà dịch)







Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)