Laura Lam có bài viết riêng cho trang tiếng Anh của báo Điện tử Dân trí về chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng của quân và dân Việt Nam. Xin giới thiệu tiếp phần 3 bài viết với đề tựa “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. (Xem bản tiếng Anh tại đây)
Tuyến đường tiếp tế của Việt Minh đến Điện Biên Phủ
Đó là một buổi sáng Thứ Bảy, ngày13/3. Trời nhiều mây, không khí lạnh và ẩm ướt. Toàn bộ khu rừng phủ một sắc xanh yên bình. Có thể nhìn thấy cả những con khỉ đang vắt vẻo trên những nhánh cây lẩn khuất trong sương mù. Trên những tán cây phủ kín các con dốc chạy vòng vèo quanh sườn đồi, chim núi líu lo hót.
Một tiếng nổ đột ngột xé toang sự yên tĩnh của thung lũng, khiến lũ thú rừng chạy tan tác.
Bằng trọng pháo được bố trí từ trên những đỉnh đồi cao, Việt Minh bắt đầu nã xuống sân bay Mường Thanh. Đến giữa trưa, 3 chiếc máy bay đã bốc cháy còn những chiếc khác cùng chung số phận bị hư hỏng nặng. Đối với quân Pháp, điều thậm chí còn nghiêm trọng hơn là đường băng – đường sinh mệnh của lực lượng này – đã bị tàn phá. Một đại đội và 2 xe tăng Pháp đã bắn trả, trong khi Việt Minh tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào những bãi đáp của máy bay và cụm cứ điểm Beatrice gần bản Him Lam ở phía Bắc.
Lúc 1 giờ rưỡi chiều, bây giờ là dưới cái nắng chói chang của bầu trời xanh với những gợn mây trắng, các đợt bắn phá nhằm vào cụm cứ điểm Him Lam ngày càng tăng về khối lượng và tiếp diễn trong 2 giờ đồng hồ không nghỉ. Viên đại tá Pháp chỉ huy cứ điểm này và người phó đã bị giết vì pháo dội đúng boongke hai người này trú ẩn. Nhân viên liên lạc Pháp cố cầu viện sự hỗ trợ của trọng pháo, nhưng đường dây liên lạc đã tê liệt. Khốn khổ với những rắc rối của hệ thống cung cấp nhiên liệu từ đêm trước đó, các lính Pháp giờ đây không thể phản ứng lại cuộc tấn công quy mô cực kỳ lớn này.
Lúc 5 giờ 30 phút, mọi quả đồi dường như nổi hẳn lên giữa chân trời phủ một màu vàng cam. Cũng bất ngờ như lúc trước, cả sườn đồi Him Lam ngập tràn lính Việt Minh trong bộ quân phục màu xanh lá cây và những chiếc mũ kết bằng lá dừa. Mỗi một phụ nữ và nam giới cầm một khẩu súng trường có gắn lưỡi lê cố định. Lặng lẽ, họ nhô lên từ những giao thông hào lượn quanh chân đồi. Choáng váng trước cảnh tượng này, lính Pháp cố gắng tấn công lại bằng trọng pháo, nhưng đã quá muộn. Quân Việt Minh đông hơn và cứ điểm đã bị chiếm – một cảnh tượng khiến phía Pháp sửng sốt đến mức quân Pháp mất hết tinh thần.
Lúc 7 giờ rưỡi, khi bóng đêm đổ xuông, Việt Minh đã bắn pháo trúng các kho nhiên liệu và bom napan của Pháp. Những cột lửa vàng nhanh chóng bốc cao và thắp sáng rực cả bầu trời. Đám cháy lớn kéo dài suốt đêm đó.
Một trong những máy bay Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho lực lượng Pháp
mượn tại Điện Biên Phủ
Đến 10 rưỡi đêm, nhiệt độ đã giảm mang theo sương giá. Trong đêm tối, trọng pháo nhằm hướng các cụm cứ điểm của Pháp, cày xới mặt đất, đánh sập các hầm trú ẩn, san bằng hào giao thông, phá hỏng các loại vũ khí, tiêu diệt và làm bị thương nhiều lính Pháp. Những âm thanh inh tai nhức óc hòa cùng bụi đỏ và khói thuốc gây cay. Bên trong các hầm chỉ huy, mặt đất dường như đang chao đảo dữ dội. Những boongke rung lắc và di chuyển tới lui, đồ đạc va vào nhau, rơi xuống đất, và người dẫm đạp lên nhau.
Trong trại trung tâm, một viên trung tá đang tắm thì đạn pháo rơi xuống ngay bên cạnh. Anh ta trần truồng chạy vào hầm của mình để điện thoại cho các chỉ huy tiểu đoàn nhưng đường dây đã bị cắt. Toàn bộ lính Pháp khiếp đảm cực độ trước sức mạnh kinh hoàng từ pháo của Việt Minh và các vị trí bắn pháo của họ. Mà đây mới chỉ là ngày đầu tiên của cuộc chiến.
Nửa đêm, pháo ngừng bắn. Đại tá Mac Ninh, giờ là chỉ huy ở cụm cứ điểm Him Lam, gửi thông điệp cho đại tá de Castries:
“Theo lệnh từ chỉ huy của chúng tôi, tôi thông báo với ông rằng lúc 8 giờ sáng mai, ông và những người của ông được phép đưa một trung đội không vũ trang và các máy bay cứu thương đến thu nhặt những người bị thương. Phải có người cầm cờ trắng trước khi tiến vào Him Lam (Beatrice)”.
Đại tá de Castries đối mặt với cơn khủng hoảng với rất ít sự trợ giúp từ các chỉ huy. Trung tá Keller, Tham mưu trưởng, bị suy nhược thần kinh và ẩn náu dưới căn hầm trú ẩn sâu nhất, đầu đội mũ sắt. Đại tá Piroth suy sụp nặng, trao toàn quyền chỉ huy lực lượng pháo binh cho người phó của ông ta. Trung tá Langlais, Chỉ huy chiến dịch, luống cuống và gần như hóa điên. Thậm chí cô thư ký riêng là Bourgeade cũng đã bị thương nặng.
Sáng 14/3, khi mặt trời lên.
Trại trung tâm tĩnh lặng và bao trùm cảm giác lạnh lẽo. Những binh sĩ Pháp nhìn chằm chằm vào đống hoang tàn do bom mìn cày phá. Toàn bộ mặt đất lỗ chỗ những hố sâu. Phương tiện đi lại bị phá hỏng, những bao cát vỡ văng tung tóe, những hộp đạn pháo, những bàn ghế, đèn, hộp, can, vỏ đồ hộp… lăn lóc khắp nơi. Không khí đặc quánh mùi của xăng và than cháy. Một nhóm lính lê dương đang thu nhặt những xác chết trước khi chuyển vào nhà xác ngay đằng sau bệnh viện dã chiến. Nhà xác là một hầm trú ẩn sơ sài, chất đầy những chiếc ván quan tài. Giờ nó chất đầy xác chết đặt la liệt dưới nền đất trơ trụi. Nhiều người bị thương nằm trên cáng, chờ đợi.
Cha tuyên úy Trinquant của Đội quân lê dương cùng một sĩ quan quân y và 3 xe vận chuyển treo cờ Chữ thập Đỏ đi nhặt những xác của lính lê dương nằm quanh các căn cứ. Việt Minh đã chuyển người của họ đi trong buổi tối.
Thiếu tá bác sĩ Paul Grauwin đã yêu cầu một máy bay đặc biệt chở một số người bị thương nặng và cô Bourgeade ra khỏi Điện Biên Phủ để điều trị. Chính đại tá de Castries đã gửi vội cô thư ký của ông lên máy bay cho dù cô này không đồng ý.
Sáng sớm 15/3, Việt Minh đã hoàn toàn kiểm soát một cứ điểm khác – Gabrielle (đồi Độc lập) ở phía Bắc. Một số chỉ huy Pháp có dấu hiệu rối loạn và suy sụp. Giữa đêm, đại tá Piroth đã tự tử bằng lựu đạn.
Không thể chuyển những người chết đến nghĩa trang đã được chuẩn bị sẵn, ngày 18/3, đại tá de Castries đã lệnh rằng những người bị chết khi làm nhiệm vụ sẽ được chôn ngay tại chiến trường, trong một hố chôn tập thể, bằng máy ủi.
Trong cuộc điện đàm qua radio với Trung tướng Cogny ngày 19/3, đại tá de Castries thông báo với ông này rằng cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) ở phía Nam lòng chảo sẽ bị Việt Minh chiếm giữ bất kỳ lúc nào. 5 ngày sau đó, Trung tướng Keller đã được lặng lẽ đưa khỏi Điện Biên Phủ, trên một chuyến bay cứu thương.
Khi cơn khủng hoảng của Pháp nghiêm trọng hơn, Chính phủ Mỹ mới khẩn cấp trợ giúp. Ngày 24/3, trong “Chiến dịch Chim kền kền”, lính Mỹ đã được triển khai cùng 60 máy bay B-29 từ căn cứ Không quân Viễn Đông ở Philippines. Chúng bắt đầu dội bom vào các tuyến đường tiếp tế của Việt Minh dẫn đến Điện Biên Phủ.
Trong 3 ngày đêm liên tục, lực lượng phối hợp của Pháp và Mỹ đã tiến hành 750 cuộc không kích dữ dội vào khu vực của Việt Minh, giết hại hàng nghìn người – gồm cả phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi tham gia công tác hậu cần bằng xe thồ.
Laura Lam
(Việt Hà dịch)