[size=x-large]Cuộc gọi nhỡ lừa đảo tại VN xuất hiện biến tướng[/size]
Hơn một tháng trước đây, GenK đã cảnh báo về các cuộc gọi nhỡ lừa đảo từ điện thoại vệ tinh gây thiệt hại cho người sử dụng tại Việt Nam. Những ngày gần đây, có vô số phản ánh rằng khi gọi lại cuộc gọi nhỡ từ các số điện thoại trong nước, không phải đầu số vệ tinh cũng bị mất rất nhiều tiền. Các chuyên gia của Bkav đã xác minh và phát hiện, đây là một biến tướng mới của hình thức lừa đảo cước viễn thông từ các cuộc gọi nhỡ.
Từ đầu số thông thường như 090xxx, 04xxx, 08xxx, kẻ xấu cũng tạo ra hàng loạt cuộc gọi nhỡ đến các thuê bao di động. Hầu như không đề phòng trước những đầu số điện thoại trong nước đã quen thuộc nên nhiều người đã gọi lại. Khi đó, hệ thống trả lời tự động sẽ dẫn dụ họ tiếp tục kết nối đến đầu số dịch vụ 1900 với nội dung như: “Nếu bạn muốn làm quen với các bạn nữ xinh đẹp, chân dài, dễ thương, các bạn nam đẹp trai, phong độ hay chia sẻ các vấn đề tình yêu, hãy gọi điện đến tổng đài tư vấn tình yêu 1900xxx”. Dù có thể hơi nghi ngờ, nhưng vì tò mò nhiều người vẫn cố làm theo. Tất nhiên, chẳng có người bạn nào đang chờ họ mà chỉ có các nội dung dẫn dụ kết nối liên tiếp.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu của Bkav (Bkav R&D), cho biết: “Nạn nhân gọi lại cuộc nhỡ và làm theo các dẫn dụ sẽ không chỉ phải trả phí cuộc gọi thông thường, mà còn mất thêm khoản cước kết nối đến đầu số dịch vụ tính phí gia tăng 1900. Vì vậy, khi gọi lại cuộc nhỡ nào đó mà thấy có trả lời tự động yêu cầu tiếp tục kết nối đến các số điện thoại khác, người dùng cần cẩn trọng, đề phòng bị mắc bẫy kẻ xấu. Tuy nhiên chúng tôi đã nghiên cứu thành công công nghệ chặn cuôc gọi nhỡ lừa đảo kiểu này, và sẽ tích hợp vào phần mềm Bkav Mobile Security của hãng”.
Theo thống kê, hiện mỗi ngày vẫn có tới 4.800 cuộc gọi lừa đảo (tương ứng với khoảng 144.000 cuộc mỗi tháng) từ các đầu số vệ tinh quốc tế 881, 882, 883 gọi vào Việt Nam. Số lượng như vậy là vẫn còn rất cao, người sử dụng cần rất thận trọng trước khi quyết định gọi lại cho các số gọi nhỡ.
Cũng trong tháng 11 vừa qua, đã có 3.114 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam. Các virus này đã lây nhiễm trên 5.485.000 lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất trong tháng qua là W32.Sality.PE đã lây nhiễm trên 238.000 lượt máy tính. Tháng 11/2012 cũng ghi nhận đã có 185 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 12 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 173 trường hợp do hacker nước ngoài.