“Ở đây chẳng ai biết tên cúng cơm của bà ấy đâu. Người ta chỉ biết tên thường gọi của bà ấy là "bà Năm Lũng" thôi. Lũng là tên tục. Vì bà ấy là con thứ 5 trong gia đình nên bà con trong xóm ghép tên, gọi là bà Năm Lũng", ông Mười Khang, chạy xe ôm ở đầu khu phố 4 - nơi ở lúc sinh thời của bà chủ khối tài sản nghìn tỷ - cho biết.
"Bà Năm đông anh em lắm, cỡ chục người, lớp sống tại Việt Nam, lớp ở Mỹ và nhiều nhất là ở Đức. Anh em của bà ấy ai cũng giàu có, giàu căn cơ, có nền tảng chứ không phải như người ta nhờ buôn bán chụp giựt, làm ép phê phi vụ đen phi vụ tối mà phát".
Bà Năm Lũng cùng những anh chị em của mình kế thừa nghề làm bún gạo từ mẹ cha để lại. "Mẹ bà có nghề làm bún gạo từ trước năm 1975. Hồi đó tôi còn làm thuê cho bà ấy, từ năm 1976 đến khoảng năm 1986 thì nghỉ. Mẹ bà Năm mất, để lại lò bún cho các con", ông Khang nói và tiếp: "Bà Năm hồi ấy cũng rất giàu vì của cải có được từ trước giải phóng. bà ấy cũng là người hiền lành, đức độ, thương kẻ làm người khó. Hễ biết ai đau yếu, bệnh tật, túng thiếu… bà ấy thường đến thăm hỏi và giúp đỡ ngay. Bởi vậy khi bà ấy mất, ai cũng thương cũng tiếc".
Những người dân ở khu phố 4 quả quyết rằng bà Năm Lũng giàu nhờ chi tiêu cần kiệm. "Tui ở gần nên biết rõ, người ta làm được 8 đồng thì tiêu 3 đồng, để dành 5 đồng, có người tiêu 5 để lại 3. Còn bả, mượn thêm 2 đồng để dành cho chẵn chục, bà ấy chấp nhận ăn mắm ăn muối, chấp nhận sống kham khổ để tích lũy đặng mai này cho con cháu của mình", bà Sáu Lành, hàng xóm, cùng tuổi 65 với bà chủ khối tài sản lớn, chia sẻ.
Trong trí nhớ của bà con lối xóm, bà Năm Lũng là một người giàu có, song vô cùng giản dị. "Tui chỉ biết là bà ấy giàu, bà ấy có nhiều nhà đất thôi, chứ có bao nhiêu thì sao mà biết được. Nhưng điều mà tôi và bà con ở đây ai cũng biết, ai cũng rõ là tuy giàu có như vậy nhưng bà Năm Lũng sống giản dị, không có kiểu phách lối của kẻ ỷ mình có nhiều tiền của mà khoe vàng đeo đỏ người, tiêu pha hoang phí, hay đánh bóng mặt tiền, gặp bà con lối xóm là xem thường, khinh khi".
Người xung quanh cũng nói rằng bà chủ lò bún "giàu nhưng sống như người nghèo khổ". Ông Lê Văn Quới, sinh năm 1968, ngụ trên đường Tô Hiệu, tặc lưỡi: "Hồi bà ấy còn sống, nhìn chẳng thể nghĩ là bà ấy giàu có lắm tiền vàng. Ai mà quen cái kiểu trông mặt bắt hình dong đảm bảo lầm hàng ngay. Ở vùng này ai chả biết cái hình ảnh của bả, đi dép nhựa sờn cũ, chạy chiếc xe Dream lùn cũ mèm, mặc bộ quần áo cũng cũ mèm".
Ông Quới kể, có lần bà Năm đi siêu thị dừng lại bên cái ghế massage hỏi giá, nghe cô tiếp thị nói "đắt lắm, đến 6-7 chục triệu bác không mua nổi đâu" thì bà cười chẳng nói gì. "Lấy hết thông tin rồi, bà về gọi điện, người ta mang máy đến giao, đi cùng có cô tiếp thị làm nhiệm vụ hướng dẫn cách sử dụng. Đến lúc gặp bả, cô ấy chưng hửng xin lỗi rối rít bảo… không ngờ”.
Đường Phú Thọ Hòa có nhiều bất động sản thuộc sở hữu của bà chủ lò bún đã đột tử. Ảnh: An Ninh Thế Giới. |
Còn cô hàng nước ở đầu lối vào cơ sở thì kể rằng, bà Năm tuy là phụ nữ nhưng có cốt cách đàn ông, mạnh mẽ, quyết đoán, làm việc dứt khoát, nói một là một, không có kiểu cò kè bớt 1 thêm 2. Cô nhớ lại: "Bà ấy sống nói chung cũng tương đối khép kín, ít giao du. Gặp ai thì bà ấy cười, hỏi thăm vài câu rồi tất bật đi làm việc. Giàu vậy chứ bà ấy lúc nào cũng làm việc quần quật, làm lụng còn hơn người làm của mình. Chẳng bao giờ thấy bà ấy nghỉ ngơi hay đi du lịch. Nói chung tui thấy bà ấy đúng là mẫu người tham công tiếc việc".
Hành trình trở thành đại gia của bà chủ lò
Người được cho là rất rõ hành trình trở thành đại gia nghìn tỷ đồng của bà chủ cơ sở bún gạo là ông Nguyễn Văn Hoàng, Hội phó ngoại giao miếu Hòa Tây, ở sát cơ sở Hiệp Lợi 2 chuyên sản xuất bún gạo khô và nui các loại hiệu Long Phụng. Miếu Hòa Tây là di tích lịch sử cấp thành phố. Miếu được xây dựng vào năm 1981, thờ 3 võ tướng triều Nguyễn hy sinh trong kháng chiến chống Pháp gồm Bùi Văn Khoa, Nguyễn Văn Sốc và Trần Văn Lý.
Ông Hoàng cho biết lúc trùng tu miếu năm 2012, ông Phương, em trai bà Năm Lũng hiện là người đại diện cho họ tộc tranh chấp quyền thừa kế khối tài sản bà để lại, đã đóng góp một số tiền. "Ông ta góp vào ngày 17/3 âm lịch", ông Hoàng kiểm tra sổ sách. Theo tâm tình của ông Hoàng, trước giải phóng, ông làm công cho mẹ bà Năm Lũng, khi bà này mất thì ông tiếp tục làm cho bà Năm được một thời gian. Ông Hoàng cho biết bà Năm Lũng là người có chức sắc trong họ đạo Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh. Vào những ngày rằm vía bà, bà Năm thường đi Tòa thánh Tây Ninh. Mẹ bà Năm Lũng mất khoảng năm 1995 cũng được chôn cất tại Tòa thánh.
Hành trình của bà Năm Lũng trở thành đại gia 1.000 tỷ bắt đầu phải kể đến vào những năm cuối thập niên 80, khi nhiều tập đoàn tan rã, đất đai của đoàn viên ngày trước bị gom về một mối nay của ai trả người nấy, nhiều vô kể, rộng mênh mông. Lúc bấy giờ sẵn có tiền, lại là người thức thời nên bà Năm Lũng đã tung tiền tậu đất: "Vì đất rẻ nên bà ấy mua rất nhiều. Có điều đáng nể là bà ấy không mua đất có diện tích nhỏ mà mua toàn những lô đất rộng hàng nghìn, hàng chục nghìn mét vuông. Thời đó đất rộng, người thưa, người ta bán đất theo kiểu công (1.000 m2), mẫu (10.000 m2) nên bà Năm Lũng tha hồ thu gom. Ai cần tiền, ai có đất rộng, ai bán rẻ là bà ấy tung tiền thu mua với phương châm chỉ mua vào chứ không bán ra".
Một người quen của ông Hoàng, góp chuyện: "Lúc đầu bà Năm Lũng mua đất với diện tích lớn là để tận dụng làm sân phơi bún. Sau bà ấy nhạy bén nhận thấy người rồi sẽ đông, đất thì không nảy nở thêm được nên cứ nhắm đất có diện tích lớn mà mua. Đất rộng quá, không bỏ phí, khi đất có giá thì bà Năm Lũng lên chiến dịch khai thác. bà ấy xây phòng trọ, lập nhà xưởng cho thuê. Tiền cho thuê nhiều lô đất làm nhà xưởng và hàng trăm phòng trọ ước tính mỗi tháng bà Năm cũng thu về cả tỷ đồng. Nên chuyện bà ấy có cả nghìn tỷ là không có gì quá lạ".
Cũng theo lời kể của ông Hoàng, khoảng năm 1990, giá đất ở khu vực quận Tân Phú (trước là quận Tân Bình) rất rẻ. Có những lô đất ngày trước bà Năm Lũng mua chỉ có 15 cây vàng, sau này khi giá trị nhà đất lên đến đỉnh cao thì lô đất chưa đến 20 cây vàng leo thang đến hơn 1.000 cây, thậm chí còn hơn thế nữa. Về điều này, ông Thạch Đa Đạt, một người cháu họ của bà Năm Lũng khẳng định hoàn toàn chính xác. Ông Đạt bật mí, khoảng trước năm 1990, đất trống ở quận Tân Bình, đặc biệt tại khu vực phường Hiệp Phú bây giờ nhiều vô kể. Đất nhiều quá, nhiều gia chủ cứ để mặc ai muốn bao chiếm, cho ở nhờ đặng giữ đất vô tư. Và cũng vì lúc ấy chưa mấy ai ý thức được đất hoang với ao nước, cỏ dại mọc um tùm mai này sẽ hóa vàng nên bà Năm Lũng đã tung tiền mua. "Hồi năm 1990, tôi từng làm mối cho cô Năm mua lô đất 16 cây vàng. Đến năm 2005, có người trả đến 3.000 cây vàng" - ông Đạt khẳng định.
Trong vi bằng ghi nhận tài sản của bà Năm Lũng ghi rõ nhiều lô đất tiền tỷ mà bà đứng tên sở hữu. Ví như Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 10/2/1991, bên chuyển nhượng ông Phạm Văn Thái - bà Lê Thị Cúc và bên nhận chuyển nhượng là bà Năm lô đất diện tích 5.280 m2, tờ bản đồ số 24 tọa lạc tại Phú Thọ Hòa…. Một giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập ngày 9/5/1992, bên chuyển nhượng ông Lê Chính - Nguyễn Tăng Thức, bên nhận chuyển nhượng là bà Năm sang nhượng diện tích 2.029 m2 tọa lạc tại phường 20, quận Tân Bình…