Ngày 22.7, có thêm 6 học sinh (HS) của trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm (Q.9, TP.HCM) bị nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tại đây lên 67 người (gồm 63 HS và 4 giáo viên).
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong số 47 HS của trường Ngô Thời Nhiệm nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, có 10 HS sức khỏe đã khá hơn nên hôm nay (23.7) sẽ chuyển về lại “bệnh viện dã chiến” được thành lập ngay tại trường để tiếp tục điều trị cho đủ 7 ngày.
Trong số 562 HS học nội trú ở trường Ngô Thời Nhiệm, có 242 HS ở TP.HCM (trong đó 3 HS được xác định dương tính cúm A/H1N1, gồm 2 ngụ ở Q.7 và 1 ngụ ở Q.1). Hiệu trưởng trường Trung học tư thục Ngô Thời Nhiệm, bà Phạm Thị Thúy Vĩnh, cho biết nhà trường tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe các HS; riêng trường Mầm non Ngô Thời Nhiệm (gần bên trường Trung học) vẫn cho HS nghỉ hết 1 tuần.
Dịch cúm có thể lây lan khá nhanh trong cộng đồng nếu không có các biện pháp phòng bị kịp thời
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã phát hiện thêm 20 trường hợp khác nhiễm cúm A/H1N1, nâng tổng số nhiễm cúm TP.HCM phát hiện lên 377 người, trong đó có 269 bệnh nhân đã khỏi bệnh xuất viện.
Sở Y tế cũng trình UBND TP kế hoạch thành lập 6 đội kiểm tra, giám sát dịch cúm A/H1N1 ở các trường học, ký túc xá, khu chế xuất… trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở đã họp tất cả các phòng ban để triển khai công việc cho các tiểu ban (tiểu ban khám chữa bệnh; tiểu ban dự phòng, truyền thông, hậu cần…), chuẩn bị phương án, lực lượng đối phó với tình hình dịch cúm A/H1N1 đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
Ngoài việc giám sát cộng đồng (là yếu tố rất quan trọng hiện nay, vì dịch đã lan ra cộng đồng), Sở Y tế yêu cầu phải chú tâm đến truyền thông, công tác điều trị (phân cấp việc chữa trị cho phù hợp, nếu ca bệnh nào nhẹ thì để điều trị ở tuyến dưới).
Khẩn trương nghiên cứu, sản xuất vắc-xin
Tại Hà Nội, các thành viên Hội đồng tư vấn Khoa học về nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1 của Bộ Khoa học và Công nghệ hôm qua đã thống nhất kiến nghị Bộ này phê duyệt triển khai hai đề tài độc lập cấp nhà nước về sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1. Hai đề tài nghiên cứu do Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), Viện vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) thực hiện.
Trong những tuần qua, hai đơn vị này đều đã tiếp nhận chủng vi-rút H1N1 giống do WHO cung cấp, phục vụ cho nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng cúm A/H1N1.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc IVAC, từ năm 2006 viện đã nhận được sự hỗ trợ của WHO cho "Nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 trên trứng gà có phôi" với nguồn kinh phí 2,7 triệu USD.
Đây là công nghệ sản xuất vắc-xin được áp dụng trên thế giới. Trên cơ sở hoàn thiện công nghệ sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1, viện sẽ bắt tay vào triển khai nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm A/H1N1.
Tương tự, tại Công ty sản xuất vắc-xin và sinh phẩm số 1, vắc-xin cúm A/H5N1 do công ty sản xuất đã trong giai đoạn hoàn tất thử nghiệm trên người giai đoạn hai với sự tham gia của hơn 200 người tình nguyện. Các liều dùng khác nhau đã được tiêm nhằm xác định liều dùng tối ưu.
Theo giáo sư Thu Vân, Giám đốc Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1, việc làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin cúm A/H5N1 là điều kiện thuận lợi áp dụng sản xuất vắc-xin phòng cúm A/H1N1. Tiếp sau nghiên cứu sản xuất cúm A/H5N1, H1N1, công ty sẽ nghiên cứu sản xuất vắc-xin cúm mùa thông thường: H3N2, cúm B…
[TP.HCM] A/H1N1 đã “tấn công” vào trường học thứ hai
Nguồn: Thanh Niên