Các nhà khảo cổ học Italy vừa khẳng định đã tìm thấy nơi được coi là “cánh cửa dẫn xuống địa ngục” tồn tại trong thần thoại Hy Lạp, thần thoại La Mã suốt nhiều thiên niên kỷ qua.
Cổng địa ngục” được gọi là Ploutonion trong tiếng Hy Lạp hay Plutonium trong tiếng Latin được mô tả là hang động dài dẫn tới thế giới ngầm hoàn toàn khác so với cuộc sống trên mặt đất. Các dữ liệu lịch sử còn lại ở thành phố cổ Phrygian của vương quốc Hierapolis, ngày nay là Pamukkale, Thổ Nhĩ Kỳ, mô tả, cánh cổng địa ngục là nơi nhả ra loại khí gây chết người.
Dựng cảnh khu vực từng được coi là "cánh cửa địa ngục". |
Tuy nhiên, khu vực này đã bị chìm vào quên lãng suốt nhiều năm qua bởi những thay đổi thể chế chính trị cũng như điều kiện môi trường. Chính vì lẽ đó, vị trí chính xác của cánh cửa địa ngục cũng bị rơi vào quên lãng, đồng thời thay đổi hoàn toàn những gì được coi là “đặc trưng chết chóc” của “cánh cổng địa ngục”.
Trong buổi hội thảo vừa được tổ chức ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm nghiên cứu do Giáo sư khảo cổ học Francesco D'Andria, Đại học Salento, Italy dẫn đầu đã công bố phát hiện của họ về nơi từng được coi là “cánh cửa địa ngục”. Dựa vào hàng loạt những dấu tích bị vùi lấp, có thể do động đất, khu vực này bắt đầu tiết lộ những bí ẩn khi việc khai quật được mở rộng.
Các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của các cột, những dòng chữ tôn thờ vị thần Pluto và Kore cũng như một ngôi đền, một hồ nước và hàng loạt bậc thang ngay phía trên hang động. Tất cả những gì vừa được phát hiện trên đều trùng khớp với mô tả “cánh cửa địa ngục” được nhắc đến trong các tài liệu cổ.
Giới khảo cổ cũng cho biết, đây là nơi thường được dùng để tiến hành các nghi lễ tôn thờ thần linh. Theo đó, những người mê tín thả con chim để kiểm tra mức độ ảnh hưởng của khu vực. Nếu như con chim không chết, nó có nghĩa là phần miệng hang có thể tạm an toàn. Nghi lễ được diễn ra với việc đưa một con bò đực được chọn để hiến tế vào sâu trong hang.
Tuy phần ngoài miệng hang an toàn nhưng bên trong "cánh cửa dẫn xuống địa ngục” vẫn vô cùng độc hại. Dù khỏe mạnh như những con bò đực nhưng chúng cũng không thể chịu đựng được môi trường độc hại bên trong hang. Khi nghi lễ hiến tế kết thúc, người ta kéo xác con bò ra khỏi hang động và coi đó là sự chấp nhận của thần linh.
Cũng theo các tài liệu cổ, “cánh cổng địa ngục” có thể ở thời kỳ hưng thịnh của tín ngưỡng vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên nhưng đến thế kỷ thứ 6, Plutonium bất ngờ bị xóa sổ. Rất có thể, một trận động đất mạnh đã khiến toàn bộ khu vực bị phá hủy và chôn vùi cùng với tín ngưỡng của người dân thời kỳ bấy giờ.
Do nằm sâu dưới đất trong thời gian dài, nhóm của Giáo sư D'Andria buộc phải dựa vào những tài liệu ghi chép, dấu vết khảo cổ học và công nghệ kỹ thuật số hiện đại nhằm tái tạo lại hình ảnh của khu vực từng được coi là “cánh cửa địa ngục” trong thần thoại La Mã – Hy Lạp.