Ngày 29/8 là ngày đầu tiên các trại giam thực hiện chủ trương đặc xá của Đảng, Nhà nước nhân dịp Quốc khánh 2/9.
Sáng 29/8, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá trung ương đã đến dự lễ công bố Quyết định đặc xá năm 2010 của Chủ tịch nước tại Trại giam Thanh Xuân, Bộ Công an (huyện Thanh Oai, Hà Nội).
Một phạm nhân tại Trại giam Thanh Xuân gặp lại con trai và
người thân sau khi được đặc xá. Đợt này, Trại giam Thanh Xuân
có 303 phạm nhân được đoàn tụ với gia đình. Ảnh: TT
“Trại dạy nghề, về nhà có kế sinh nhai”
Chúng tôi có mặt tại Trại giam Thanh Xuân, 303 phạm nhân đủ điều kiện (trong tổng số 17.210 phạm nhân trên cả nước) được đặc xá, tha tù trước thời hạn đã ngồi chật kín hội trường lớn. Ai cũng chờ đợi giây phút được trút bỏ bộ quần áo kẻ sọc. Giọt nước mắt ngày đoàn tụ, sự vui mừng khôn tả của những con người một thời lầm lỡ, những tiếng khóc vỡ òa vì sung sướng đã hâm nóng không khí se lạnh của cơn mưa tầm tã suốt từ đêm.
Đưa phạm nhân về tận nhà
Trong đợt này, có 20 phạm nhân phạm tội “xâm phạm an ninh quốc gia”, 37 người nước ngoài được đặc xá. Theo chủ trương, các trại giam triển khai phương tiện, vật chất, đưa các phạm nhân ở xa về tận nơi cư trú. Tổng số tiền mà các phạm nhân được đặc xá nộp để khắc phục hậu quả vật chất là 130 tỷ đồng.
Trong số những nam phạm nhân có 2 anh em ruột là Nguyễn Cao Nhất (SN 1984) và Nguyễn Cao Nhị (SN 1985). Cả hai đều từng phạm tội “cố ý gây thương tích” trong 1 vụ án, mỗi người phải chịu án phạt 5 năm tù giam. Anh Nhất cho biết: “Ra tù, anh em tôi sẽ về mở xưởng cơ khí. Vào trại được học nghề này, giờ tay nghề chúng tôi đã vững lắm rồi. Tôi mong dự định này sẽ thành công để còn giúp được các anh em, bạn bè khi ra tù nữa”.
Niềm vui của 2 anh em Nhất, Nhị hòa chung với các phạm nhân khác. Chẳng ai bảo ai, họ cầm chặt tay nhau, hồi hộp, nghẹn ngào. Phạm nhân Vũ Thu Thủy (SN 1973, Phúc Tân, Hoàn Kiếm), phạm tội “mua bán trái phép chất ma túy”, án phạt 16 năm tù nói: “Rời khỏi nơi này, tôi không biết lấy gì để đền đáp công ơn đối với sự quan tâm, tấm lòng bao dung nhân ái của Ban giám thị và các cán bộ Trại giam Thanh Xuân đã dành cho chúng tôi trong suốt thời gian chấp hành hình phạt. Không bao giờ tôi quên được những năm tháng đã sống ở nơi này. Chính sự bao dung, tình người ở đây đã giúp tôi nhận ra lỗi lầm mà bản thân đã gây ra đối với xã hội, để quyết tâm phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện trở thành người lương thiện có ích”.
Tái hoà nhập cộng đồng
Phát biểu tại buổi lễ công bố quyết định đặc xá cho các phạm nhân thuộc Trại giam Thanh Xuân, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nói: “Quyết định Đặc xá năm 2010 tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với những người phạm tội đã thực sự hối lỗi, cải tạo tiến bộ. Đặc xá là chủ trương hoàn toàn đúng đắn; phù hợp với truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc; đồng thời cũng khẳng định tính nghiêm minh và nhân đạo trong chính sách hình sự của pháp luật Nhà nước Việt Nam.
Qua đây, cũng khuyến khích các phạm nhân học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và hòa nhập với cộng đồng. Đặc xá mới chỉ là bước khởi đầu của con đường hướng thiện. Phục thiện là con đường thật khó khăn song không phải không làm được nếu mỗi phạm nhân biết quyết tâm phấn đấu, biết chuẩn bị cho mình hành trang để hòa nhập cộng đồng”.
Cùng ngày 29/8, dự lễ công bố đặc xá ở trại Ngọc Lý (Bắc Giang), Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: “Đặc xá là dịp tốt để các phạm nhân có cơ hội suy xét lại những lỗi lầm đã phạm phải, tự mỗi người phải đánh giá kết quả cải tạo của mình. Kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Đa số những người được đặc xá đã có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Rất nhiều người đã có cuộc sống ổn định, thành đạt và tích cực tham gia vào các hoạt động đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. 10 năm qua, hàng trăm ngàn phạm nhân được hưởng chính sách đặc xá, tha tù trước thời hạn”.