Nghi lễ một đám tang được tổ chức theo yêu cầu tang chủ. |
Đây là một trong khá nhiều nội dung quảng cáo đang được giới thiệu trên hàng loạt trang web và các tờ rơi của những cơ sở chuyên tổ chức đám tang tại TP HCM về những dịch vụ “trọn gói” cao cấp từ A-Z cho người quá cố.
Đám tang theo… kịch bản
“Cò” tang lễ Theo ông Trần Văn Hoàng – chủ cơ sở mai táng Huy Hoàng, hiện nay có khá nhiều “cò” mai táng mượn danh nghĩa các cơ sở dịch vụ mai táng xuất hiện trong lúc tang gia bối rối và bày trò kiếm tiền. Các “cò” dịch vụ này lợi dụng sự mê tín, nhẹ dạ và muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của tang chủ để “vẽ hươu vẽ vượn” thêm nhiều dịch vụ trong đám tang. Nhận tiền chủ nhà rồi… biến mất. Sau khi chôn cất người quá cố, thanh toán tiền với chủ trại hòm, một số tang chủ mới hoảng hốt vì những khoản tiền phát sinh quá lớn mà không hề có trong hợp đồng và cũng không hề được thực hiện. |
Kịch bản đám tang của ông cụ vừa quá cố được soạn thảo vô cùng chi tiết về kinh phí lẫn quy trình, thời gian tổ chức cho từng công đoạn: cỗ áo quan được thiết kế theo mẫu đặc biệt bằng gỗ cẩm lai: 200 triệu đồng, phần mộ huyệt ở nghĩa trang tại Bình Dương: 290 triệu đồng; chi phí trang điểm, ướp xác cho người quá cố: 30 triệu đồng; chi phí dựng rạp, phông màn: 50 triệu đồng…, chi phí khóc mướn: 20 triệu đồng. Chỉ riêng phần nghi lễ, nhạc cung đình… trong năm ngày theo “phong cách” hoàng đế đã là 230 triệu đồng.
Ông Nhi lý giải đây là phần quan trọng nhất của toàn bộ tang lễ vì cách bài trí từ cỗ áo quan, trang trí rạp, đội lễ tân đón và tiễn khách hơn 20 người, nghi thức cúng lễ đúng theo lễ nghi của các vua triều Nguyễn mà cơ sở đã nghiên cứu rất nhiều sách vở, tư liệu… mới thiết kế được.
Đặc biệt, phần âm nhạc, ngoài ban nhạc Tây, nhạc Tàu sẽ có đội nhạc cung đình, ca Huế. Cơ sở có riêng một đội ca múa tám người được tập luyện công phu, chuyên phục vụ những lễ tang theo nghi thức dành cho các bậc vương gia theo đề nghị của tang chủ.
“Đêm cuối cùng, chúng tôi sẽ có một lễ tế quân vương mô phỏng theo nghi lễ xưa với quan, quân và cung nữ huy động lên đến gần 50 người. Bảo đảm người dưới suối vàng lẫn thân nhân đều rất vừa lòng, hãnh diện với cách tổ chức trang trọng và độc đáo này” – ông Nhi nói. Cũng theo ông chủ cơ sơ mai táng này, trong gần bảy tháng qua, từ khi khai trương dịch vụ… tổ chức đám tang cao cấp dành cho người chết, cơ sở đã nhận được gần 40 hợp đồng tổ chức lễ tang cao cấp theo đơn đặt hàng. Mỗi hợp đồng dịch vụ lo trọn gói có giá thấp nhất từ 300 triệu đồng và cao nhất là 1,1 tỉ đồng/đám.
Theo ông Nhi, ngoài những kịch bản chung, có sẵn của cơ sở thì giá “mềm” hơn, hầu hết các tang chủ là dân “đại gia” đều muốn đặt kịch bản riêng cho đám tang. Có người muốn tổ chức đám tang cho vợ của mình theo “phong cách” một nữ nghệ sĩ có tiếng vừa qua đời, nên ban tổ chức phải mời cho bằng được một vài ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đến dự. Lại có người muốn tổ chức đám tang cho người cha quá cố theo phong cách Ả Rập huyền bí thì nhất định phải có tiết mục múa Ả Rập cùng những điệu nhạc, cách bài trí đám tang đúng như xứ 1.001 đêm…
Cỗ áo quan bằng gỗ giáng hương phải cần đến 25 đạo tì khiêng, có giá gần 200 triệu đồng. |
Bà Nguyễn Lê Hoàng An, chủ cơ sở mai táng Tiến Phước, đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, cho biết: “Ngoài trang web riêng, chúng tôi còn có cả đội quân tiếp thị gần 40 người chuyên đi phát tờ rơi, tìm hiểu các gia đình đang có người thân vừa qua đời để tiếp thị. Muốn tổ chức tang lễ long trọng cỡ nào, nghi thức nào, theo Âu hay Á, VN, Trung Quốc, Nhật Bản hay Pháp, Mỹ, cơ sở đều bảo đảm lo được trọn gói…”.
Theo bà An, trong hơn 20 hợp đồng mà cơ sở nhận được từ đầu năm 2010 đến nay, hơn phân nửa là các đám tang được đề nghị tổ chức theo nghi thức “băng hà” của các ông hoàng bà chúa VN và Trung Quốc. Cá biệt có đám tang vừa được tổ chức đầu tháng 3 mới đây tại quận 11, tang chủ là phó chủ tịch HĐQT một công ty xây dựng lớn ở TP, đề nghị tổ chức đám tang cho vợ mình với các nghi thức cho thật giống đám tang của Từ Hi thái hậu bên Trung Hoa.
Đám tang này, đương nhiên, các nhân viên lễ nghi phải mặc đúng trang phục của triều đại nhà Thanh. Người đến dự cứ ngỡ như lạc vào khung cảnh của các bộ phim dã sử. “Ngoài lực lượng nhân viên gồm cả đạo diễn, người mẫu, đội ngũ, thiết kế thời trang, họa sĩ, nhạc công trên 150 người, chúng tôi có mối liên kết chặt chẽ với các cơ sở dịch vụ mai táng khác và cả các nghệ sĩ, đội múa có tiếng trong TP để khi cần là có thể hoán đổi, yêu cầu và mời đến theo đề nghị của tang chủ” – bà An khẳng định.
Hàng “độc” … đám tang
Ông Trần Văn Hoàng, chủ cơ sở mai táng Huy Hoàng trên đường xuyên Á, huyện Củ Chi, cho biết hiện nay khá nhiều “đại gia” cất công đi “săn” các quan tài bằng gỗ nguyên khối để lo phần hậu sự cho mình và người thân. Các loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương… dùng làm áo quan đang được đặt hàng nhiều nhất.
“Khuôn hòm muốn giá nào cũng có, tầm 30-40 triệu đồng/cái cho tới các khuôn hòm bằng gỗ trai, giáng hương lên đến 170 triệu đồng/cái…”. Đối với các loại hòm thiết kế theo mẫu riêng, bài trí hoa văn theo yêu cầu phải đặt hàng trước, có thể lên tới hơn 250-300 triệu đồng/cái, cần đến 27-30 đạo tì mới khiêng được các cỗ áo quan cầu kỳ này.
Kèm theo đó là dịch vụ huyệt mộ. Nghĩa trang công viên Bình Dương, một nơi được đánh giá là nghĩa trang cao cấp, được khá nhiều “đại gia” chọn lựa. Trên bản đồ tổng thể, nhân viên của nghĩa trang cho biết hiện nay cung cấp mộ ở ba khu là khu I, B và K với giá dao động từ 50 triệu đồng đến… hơn 300 triệu đồng. Theo ông Hoàng, chỉ riêng hai “khâu” cỗ quan tài và huyệt mộ, nhiều tang chủ phải chi 300-400 triệu đồng là chuyện bình thường.
Cơ sở của ông vừa tổ chức đám tang cho mẹ của phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn ở quận 11 vào đầu tháng 3. Do con cháu khá đông, để chờ con cháu về kịp nhìn mặt lần cuối, gia chủ đã đồng ý tốn đến gần 30 triệu đồng cho chi phí bảy ngày dùng đá khô ướp xác rất kỳ công thay cho chích thuốc bảo quản (vì chích tới ba lít hóa chất vào xác nên tang chủ xót).
Để đám bớt buồn tẻ và hiu quạnh, gia chủ sẵn lòng bỏ thêm 80 triệu đồng tổ chức các đêm văn nghệ “Nhớ mẹ hiền”. Đêm nào cũng có ca sĩ và nghệ sĩ cải lương loại B đến hát. Riêng đêm cuối, tang chủ yêu cầu phải mời cho bằng được ca sĩ nổi tiếng đến hát vài bài với phần chi riêng cho đêm ca nhạc này là 40 triệu đồng.
Để tăng phần trang trọng, tang chủ thuê hẳn một đội lễ tân toàn người mẫu chân dài xếp thành hai hàng ngay ngắn, đồng phục áo dài khăn đóng chỉn chu chỉ để cúi đầu chào, gắn một bông hồng trắng lên áo mỗi khi khách viếng cùng với phần nhạc nghi lễ nổi lên ai oán.
Dịch vụ mai táng cao cấp được giới thiệu trên mạng |
“Những dịch vụ khá đông khách trước đây như thuê thầy tụng đông đảo, chương trình cầu nguyện rình rang, người đi theo quan tài mặc vest, mặc áo dài khăn đóng, cờ xí khá nhiều… đã xưa rồi. Nhạc Nam, nhạc Bắc, tân nhạc cũng không mới. Bây giờ hơn nhau phải là dịch vụ đám tang theo “đặt hàng”: từ nghi lễ tang của các vua, quan, hoàng hậu, công chúa… đến tang lễ của nghệ sĩ, doanh nhân… Phần văn nghệ bây giờ thì phải là chương trình tạp kỹ: hát, xiếc, múa lửa, ảo thuật, kịch… được phóng lên màn hình lớn cho cả người ngoài đường có thể xem được.
Quan trọng nhất là phải mời cho kỳ được một hai ca sĩ, diễn viên ngôi sao đến biểu diễn” – bà Lê Thanh Ngọc, chủ cơ sở dịch vụ mai táng Hồng Phúc ở đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh (TP HCM), “tổng đạo diễn” cho nhiều chương trình đám tang lớn theo dịch vụ “cao cấp”, nói.