Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ 55,1 gói mì ăn liền một năm, đứng thứ hai thế giới, sau Hàn Quốc với 76 gói, báo Yonhap vừa dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp thực phẩm và nông thôn Hàn Quốc cho biết.
Theo các bác sĩ, lạm dụng mì ăn liền có thể khiến cơ thể bị thiếu chất và mắc nhiều bệnh do tác hại của các chất có trong gói mì.
Biết hại vẫn thích ăn
Theo quan sát, quầy bán mì ăn liền trong các hệ thống siêu thị lớn nhỏ luôn thu hút nhiều người tiêu dùng, bất kể thời điểm nào trong ngày.
Một nhân viên phụ trách quầy bán mì trong siêu thị BigC (Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM) cho biết: “Giờ mua sắm cao điểm từ 17g-20g, quầy bán mì luôn trong tình trạng rất đông. Đặc biệt là ngày cuối tuần khi các gia đình đi mua sắm để phục vụ cho cả tuần. Có những gia đình vào siêu thị mua sỉ mì đóng thành thùng. Tuy nhiên số lượng người này không nhiều bằng các gia đình đi chọn rất nhiều loại mì khác nhau, mỗi loại vài gói để thay đổi khẩu vị”.
“Thực phẩm là những gian hàng phải liên tục lấp đầy. Trong đó, mì ăn liền luôn là quầy hàng bán chạy nhất. Người tiêu dùng vào siêu thị thì giỏ hàng của ai cũng có mì ăn liền, không ít thì nhiều”, một nhân viên tính tiền ở siêu thị Co.opmart Phú Thọ (Q. 11) cho biết.
“Nếu nhìn qua cửa kính, giờ ra về, ra chơi, các em học sinh rủ nhau sang cửa hàng tiện ích ăn mì ăn liền, mì ly, mì bát rất nhiều. Bước vào cửa hàng tiện lợi ra là mùi mì ăn liền sực nức, bám cả vào quần áo, đầu tóc. Tiện lợi, hấp dẫn, giá rẻ nên mì ăn liền là sự lựa chọn đầu tiên khi học sinh đói bụng”, chị Trần Thị Hoàng (ngụ quận 1) đang chờ đón con ở cổng Trường Trần Văn Ơn (Q.1) chỉ sang một cửa hàng tiện lợi đang đầy ắp học sinh ăn mì ăn liền.
“Mì ăn liền hiện nay liên tục thay đổi hương vị, bao bì, giá cả lại cạnh tranh, chưa kể đến sự tiện dụng trong một nhịp sống công nghiệp bận rộn. Trong những lúc đói đột xuất, chỉ ngửi thấy mùi mì ăn liền thôi là đã kích thích vị giác rồi”, một sinh viên Đại học Ngoại thương cho biết.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện loại mì gói không chiên. Nhiều người nội trợ chọn loại mì gói này vì cho rằng ít tác hại hơn mì gói chiên. Mì không chiên có giá thành cao hơn, màu sắc tươi sáng hơn mì chiên qua dầu, khi cầm vào không bị dầu dính vào tay.
Chị Thân Thuận Hòa (ngụ Q. 10) cho biết: “Bọn trẻ con nhà tôi thích ăn mì ăn liền hơn bún, phở. Chúng thường học khuya. Đói đói lại đi úp mì ăn. Ăn tới mức nghiện mì úp và nấu phải còn sống sống, cứng cứng mới chịu. Một thời gian tôi mua mì không chiên cho an toàn nhưng các con bảo ăn không ngon nên chúng vẫn đòi mua mì chiên”.
“Giá mì không chiên thì cao nhưng mùi vị không hấp dẫn bằng mì chiên qua dầu. Vậy nên, lượng tiêu thụ mì không chiên đang tăng lên nhưng vẫn chưa thể nhiều bằng mì chiên qua dầu”, một nhân viên cửa hàng tiện lợi trên quận 1 cho biết.
Mắc bệnh nếu lạm dụng
Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, trưởng đơn vị tiêu hóa can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM), mì ăn liền có nhiều hương vị hấp dẫn, kích thích vị giác lẫn thị giác, với nhiều người là ngon. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn mì ăn liền sẽ thiếu và mất cân bằng dinh dưỡng bởi thiếu chất đạm, chất xơ, các vitamin và các yếu tố vi lượng.
Trong thành phần mì ăn liền chủ yếu là bột và rất nhiều chất béo bão hòa, nhất là chất béo chuyển hóa (transfat) do được tạo ra khi chiên trong các loại dầu ăn rồi sấy khô. Sự dư thừa các "chất béo không tốt" này dễ gây nên thừa cân, béo phì, béo bụng. Thêm vào đó, tăng lượng cholesterol (mỡ xấu trong máu) còn dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch như: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim và đột quỵ não.
Sự dư thừa muối trong mì ăn liền cũng dễ làm tăng huyết áp, tổn thương chức năng thận và dễ tạo sỏi thận.
Sở dĩ mì ăn liền hấp dẫn là nhờ nhiều vào các gói gia vị, bột nêm đi kèm. Trong các gia vị này thường có chất phosphate, nếu lạm dụng sẽ dễ bị loãng xương. Hơn nữa, thành phần của các gói gia vị mì có chất điều vị (MSG) giúp ăn ngon miệng, tạo vị giác ngon, nhưng vẫn có một số ít người bị dị ứng gây triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu, hồi hộp, tê nhức chân tay sau khi ăn.
Ngoài ra, việc tiêu hóa và xử lý triệt để mì ăn liền là một gánh nặng cho hệ tiêu hóa, nhất là những người có bệnh viêm, loét dạ dày.
Các chất bảo quản, phụ gia, hương liệu sử dụng trong mì ăn liền đều có hàm lượng an toàn và được cho phép sử dụng. Song nhiều người quá lạm dụng mì ăn liền đến mức cứ đói là nghĩ tới mì ăn liền hoặc do "làm biếng" chuẩn bị bữa ăn gia đình. Việc ăn mì ăn liền ngày qua ngày dẫn đến có nguy cơ bị ung thư cao, nhất là ung thư hệ tiêu hóa do thiếu chất xơ và rau xanh.
Ngoài ra, nhiều cửa hàng tiện lợi còn trang bị máy nước nóng để ăn mì trong ly hoặc bát nhựa, xốp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan, thận. Bởi để mì chín phải ngâm trong nước nóng trên 65 độ C từ 3-5 phút. Khi đó một số thành phần trong nhựa có thể bị biến chất.
Cũng theo bác sĩ Phương, hiện nay nhiều người dân chuyển sang sử dụng các loại mì không chiên. Ưu điểm của loại mì này chỉ là giảm phần chất béo "không tốt" cho cơ thể là chất béo chuyển hóa (transfat) chứ không có nghĩa là an toàn tuyệt đối mà vô tư sử dụng.
Làm sao để giảm tác hại của mì gói?
Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, nếu ai có lỡ quá bận, quá gấp hoặc đang quá thèm ăn mì thì có thể trần mì từ 2-3 lần trong nước sôi rồi đổ bỏ nước. Việc này làm các chất bảo quản, phụ gia tan vào nước và tách khỏi sợi mì.
Ngoài ra có thể sử dụng đường, muối, nước mắm sẵn có trong bếp để nêm nếm. Thêm chút rau xanh, thịt, cá hoặc trứng để bổ sung các chất dinh dưỡng còn thiếu.