Những ngày qua, câu chuyện thu phí ô tô, xe máy đang trở thành chủ đề nóng không chỉ trên mặt báo mà còn của mỗi người dân. Hàng chục "phát kiến", hàng trăm ý tưởng, hàng nghìn ý kiến được đưa ra luận bàn nhưng dường như các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí ngày 4/3, "tư lệnh" ngành giao thông đã có một phát ngôn gây tranh cãi khi cho rằng đóng phí hạn chế phương tiện cá nhân cũng là sự thể hiện của lòng yêu nước. Ý kiến này ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có những ý kiến tỏ ra thông cảm với vị tư lệnh ngàng giao thông đang phải đứng mũi chịu sào giải quyết vấn nạn giao thông ở Việt Nam nhưng cũng không ít các ý kiến tỏ ra bất bình.
Bộ trưởng Thăng đang mất lòng dân vì những phát ngôn ồn ào
Một số ý kiến cho rằng việc bộ trưởng Đinh La Thăng nói "đóng phí là yêu nước" là đã đánh tráo khái niệm tuỳ tiện. Trên một phương diện nào đó, việc đóng góp của cá nhân cho một nhiệm vụ nào đó của đất nước cần là một hành động yêu nước. Tuy nhiên khi dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau về sự hợp lý của một số loại phí mà ngành giao thông đưa ra thì chưa thể nói gò ép thành chuyện yêu nước hay không.
Lịch sử đã chứng minh, khi Tổ quốc cần, mọi người dân có thể hi sinh tất cả mọi thứ, kể cả bản thân mình. Trước đây, sau Cách mạng tháng Tám, Chính phủ non trẻ còn gặp rất nhiều khó khăn thì Bác Hồ cũng không yêu cầu nhân dân yêu nước theo kiểu đóng góp có định mức. Ngay cả đối với tầng lớp tư sản thì khi đó Đảng, Bác Hồ và Chính phủ cũng chỉ kêu gọi họ đóng góp trên tinh thần tự nguyện.
Lợi ích của dân phải đặt lên hàng đầu
Nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng cũng nhận định: "Bất cứ việc gì trước khi đi đến quyết sách nên đặt lợi ích của dân lên hàng đầu, không nên bị chi phối bởi một nhóm người. Bộ trưởng giống như một tư lệnh, nên có những đề xuất rõ ràng sao cho xứng đáng với vị trí của mình. Nhiều người cho rằng bộ trưởng Thăng phát biểu nhiều khi hơi "bỗ bã", tuy nhiên cũng không nên "chấp" từng câu. ý tưởng tốt nhưng nếu ý đồ xấu thì nên kịp thời ngăn chặn".
Tuyên bố đó chỉ nên nói trong nội bộ
Với cái nhìn sâu sắc của một người trưởng thành từ chiến tranh, nhà văn Chu Lai chia sẻ: "Đóng phí hạn chế xe cá nhân chưa biết đúng sai thế nào nhưng rõ ràng là không thuận lòng dân. Cuộc sống người dân đã quá khó khăn, làm một Bộ trưởng không góp phần tháo gỡ, còn "đánh" thêm các loại phí "siêu thực", "ngẫu hứng". Điều này đồng nghĩa đẩy người dân đến sự bần cùng hóa. Là tư lệnh, phải vì dân chứ không phải chỉ để thỏa mãn cái cảm hứng "chơi ngông".
Theo nhà văn Chu Lai, phát ngôn "đóng phí cũng là yêu nước" của bộ trưởng Thăng là một thí dụ điển hình. "Đó là một câu nói thiếu từng trải, thiếu chiều sâu tư duy. Một nhà quản lý ở cấp vĩ mô không có quyền được phát ngôn tùy tiện như thế. Là một Bộ trưởng có khả năng quyết đoán, tôi hoan nghênh. Là một thủ lĩnh dám đưa ra những quyết sách táo bạo, tôi tán thành. Tuy nhiên, ông chỉ nên nói trong nội bộ, "không sợ cấp dưới mất lòng" chứ đừng nên "tuyên bố rùm beng" làm mất lòng dân. Mất lòng dân là mất hết!".
Lãnh đạo là phải thẳng thắn
Theo đại biểu QH Dương Trung Quốc: "Người dân phản ứng mạnh mẽ với phí đường bộ đơn giản bởi họ đang thiếu niềm tin vào các công trình xây dựng. Đường vừa làm xong đã nứt hỏng, công trình giao thông bị rút ruột không thương tiếc, bây giờ lại bắt dân nộp phí thì làm sao có thể nhận được sự đồng thuận. Rồi tính đến lúc thu phí, ai sẽ là người quản lí, giám sát những khoản thu đó, khi mà các ngành giao thông, xây dựng đã có truyền thống như thế.
Chưa nói đến việc, bộ trưởng Thăng đang nhầm lẫn giữa thuế và phí. Thuế mới là trách nhiệm của công dân. Còn với phí, nói nôm na là trả tiền cho một dịch vụ nào đó. Tuy nhiên, tôi lại đánh giá cao sự bộc trực của lãnh đạo Bộ GTVT. Ông đã bày tỏ quan điểm và dám đối diện với những phản ứng của người khác. Theo tôi, đó là một tố chất tốt của nhà lãnh đạo".
Bộ trưởng Thăng chưa đủ tư cách để kêu gọi yêu nước
Trao đổi với Người đưa tin, ông Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: "Việc đóng phí cho một ngành mà lại biến thành một thứ tài sản quốc gia là sự mạo nhận. Nếu ngành nào cũng "yêu nước" như thế thì tất cả đều là quốc gia hay sao?. Hành động thu phí không đúng cả về pháp lý lẫn đạo đức".
Theo lời ông Thuận, ngày xưa, khi đất nước gặp khó khăn, lòng yêu nước được thể hiện rõ nhất. Khi đó, Hồ Chủ tịch cũng chỉ mới ra lời kêu gọi lòng yêu nước bằng tinh thần tự nguyện chứ không hề bắt buộc người dân đóng góp. Hơn nữa, người kêu gọi phải có một tư cách cực kỳ quan trọng, được lòng dân, đại diện cho nhân dân. Còn với bộ trưởng Thăng, ông ấy chưa đủ tư cách để kêu gọi người dân yêu nước. Ở đây ông Thăng đã mạo nhận về bản thân mình.
"Tôi thấy một số người ủng hộ ông Thăng, còn tôi thì không nhìn nhận như vậy. Ông ấy đang muốnồ đánh bóng bản thân mình, ma lại đánh bóng theo kiểu cường điệu. Trước đóỏ, ông Thăng còn có nhiều phát ngôn và đề xuất vi hiến. Ví du, như ngoài giờ làm, người ta muốn làm, sao lại cấm người ta đi đánh golf?. Xe máy của người ta để trong nhà thì lại bắt đánh thuế, đánh thuế tài sản?", ông Thuận nói.
Tín nhiệm cá nhân có là gì?
Nguyên chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết: "Bộ trưởng Thăng nên thông báo rộng rãi đến nhân dân xem một năm qua ông và các nhân viên đi xe buýt, đi bộ được mấy lần. Họ thấy, làm được gì sau những lần thực tế ấy?. Trước khi đưa ra một chính sách, hãy quan tâm xem nó có thực sự phù hợp với dân không? Liệu họ có "thích nghi" được những gánh nặng liên tiếp đến từ phía các chính sách được đưa ra một cách ào ạt hay không?. Trong thời bão giá, dân đã quá khổ, phải chịu bao thứ thuế, phí trên đầu, nay lại phải thêm những thứ kiểu trên trời rơi xuống như phí đường bộ thì quả là ức chế. Sao có thể tìm thấy sự đồng thuận ở họ được?”.
Bà Thu cũng nhận định, bộ trưởng Thăng chỉ nghĩ đến bản thân mình khi phát ngôn rằng "không sợ tín nhiệm cao hay thấp". Tín nhiệm của cá nhân có là gì?. Tín nhiệm của nhà nước, của chế độ này mới là quan trọng. Làm quan chỉ là nhất thời. Khi hết đương nhiệm thì sẽ có người khác lên thay. Lúc đóỏ, ai sẽ là người phải gánh những hệ luỵ do chính sách ông đưa ra?. Tôi cho rằng, bộ trưởng Thăng đang hăng quá mức cần thiết, nói nhiều, làm ít. Với một người lãnh đạo, việc phát ngôn thiếu suy nghĩ sẽ là một hạn chế lớn”, bà Thu nói.
Anh Đức- Bích Đào (tổng hợp