Nói đến đi lại ngày Tết, ai cũng phải lạnh gáy. Nhất là cánh sinh viên xa nhà, mỗi năm Tết đến thì vấn đề tàu xe trở thành mối lo cũng như gánh nặng hàng đầu. Vậy nhưng với các công tử, tiểu thư dù cũng là dân “ét - vê” nhưng đẳng cấp của họ khác hẳn. Và điều này được thể hiện rõ ngay trong việc đi lại dịp Tết.
Việc về quê ăn Tết với nhiều SV là chuyện “đại sự” nhưng với các công tử, tiểu thư là chuyện quá nhỏ. (Ảnh: Hoài Nam).
Lớp học những buổi cuối năm, bạn bè rôm rả lo lắng chuyện tàu xe về Tết thì N, sinh viên ĐH Luật Hà Nội vẫn “đứng ngoài cuộc”. Thì rõ rồi, bạn bè người lo không mua được vé, người lo không đủ tiền về quê, thậm chí có người đang lăn tăn về hay ở vì việc đi lại tốn kém quá thì N đâu bận tâm. Ai chả biết, trước khi về N chỉ cần alô báo trước 12 tiếng thì y như rằng xe sẽ đón tận nơi.
Trong năm cứ vài tuần N lại về quê mà theo lời cô là về để "mẹ tẩm bổ", ô tô cũng lên đón đón tận nơi nên dịp Tết nhằm nhò gì. Bố mẹ N là dân buôn vàng có tiếng ở Thái Bình, chỉ sinh được độc nhất cô con gái nên chiều con vô tội vạ.
Ảnh minh họa
Một buổi chiều, chiếc Camry đen bóng biển 36 đỗ xoạch trước cổng ký túc xá HV B. Người lái xe đi thẳng lên tầng hai. 10 phút sau, anh ta tay xách nách mang đi xuống cùng một nữ sinh viên., rồi lên xe đi thẳng. Nhiều sinh viên có mặt ở đó vẫn chưa hết trầm trồ, bàn tán.
Cô tiểu thư này quê Thanh Hóa này là “cục cưng” của đôi vợ chồng làm trong ngành ngân hàng. Bạn bè cũng biết gia đình H (tên cô sinh viên) giàu có, bố mẹ chiều hết nước hết cái. Hàng ngày, H chỉ uống bằng nước suối Lavie đóng chai, cơm cô ăn cũng được đặt ở một nhà hàng trên đường Hoàng Quốc Việt, mang đến từng bữa. Tuy nhiên, khá giả như thế H vẫn ở ký túc xá là vì bố mẹ muốn cô được sống trong kỷ luật chung của tập thể.
Một bạn gái cùng phòng với H cho hay: “Nghe đâu, riêng mỗi việc ăn uống hàng tháng của H đã bằng tổng chi tiêu của 7 người còn lại trong phòng. Mà chắc là thế thật, toàn ăn sơn hào hải vị không. Chuyện mua sắm của thì thật kinh khủng, H mua cái gì chẳng bao giờ bạn bè hỏi giá”.
Mỗi lần về quê, S, cậu sinh viên ĐH Bách khoa dù nhà ở tận Nghệ An nhưng xe vẫn ra đón tận nơi. Dù được nghỉ cách đây mấy hôm, nhưng S vẫn ở lại… liên miên mời bạn bè đi ăn tất niên cho hết tiền. Đến ngày S muốn về thì bố mẹ cậu lại có việc, xe không ra đón được.
Chẳng hiểu có phải “công tử” tự ái hay không mà lên ngay xe taxi về quê. Hai cậu bạn ở Thanh Hóa và Ninh Bình cũng được đi "ké" về nhà. Thế là công tử đốt tiền triệu cho quãng đường gần 400 cây số. Thành, cậu bạn cùng lớp với S lắc đầu: “Khủng quá, biết nhà nó giàu nhưng thấy hàng ngày nó cũng giản dị lắm. Riêng cái tiền nó dùng để đi về quê còn hơn nhiều lần tiền sắm Tết của cả nhà mình”.
Ảnh minh họa girl xinh tiểu thư
Cũng chẳng ít, công tử bột về quê lại xách theo hành lý ra sân bay, chuyện mà ít sinh viên khác không dám nghĩ đến. Quỳnh, sinh viên năm thứ 2, ĐH Kinh tế cho biết: “Mình quen người bạn ở Đà Nẵng, đi đi về về thường xuyên bằng máy bay. Mẹ bạn ấy có dịp ra, nói rằng nhà có mỗi đứa con gái, lại vào được đại học nên thích gì cũng chiều. Hơn nữa cậu ấy không ngồi được xe hơi nên phải đi máy bay không thì cũng ra đón”.
Nhắc đến người bạn giàu có của mình, cô sinh viên này lại thêm bùi ngùi: “Họ thì như thế, trong khi không ít bạn Tết lại không thế về quê vì không có tiền tàu xe. Hôm kia, cậu bạn tên Cường, quê ở Quảng Bình, chạy vạy vay tiền mua vé xe để về thì bố mẹ trong nhà gọi điện “xin” con trai đừng về, tốn kém. Trong đó hình như năm nay mất mùa, chẳng biết cậu ấy có về được không nữa?”.