Thuê người tống tiền bố mẹ
Thủ phạm gây ra vụ tống tiền là Phạm Thị Hồng T., nữ sinh lớp 11 của một trường phổ thông trung học trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Sau một thời gian “mất tích” những ngày đầu tháng 6-2011, khi vụ án được cơ quan điều tra làm sáng tỏ, T. đã trở về gia đình, từ đây nguyên nhân vụ án được làm sáng tỏ. Cách đây không lâu giữa T. và chàng trai cùng huyện là Phạm Phương L. nảy sinh tình cảm trên mức bạn bè. Khi phát hiện con gái yêu có biểu hiện bất thường như T. thường hay ngẩn ngơ, đi sớm về muộn, sức học có phần sa sút, cha mẹ T. vô cùng lo lắng, đã âm thầm tìm hiểu. Khi phát hiện mối quan hệ “đặc biệt” của con gái với một chàng trai cùng huyện, họ vô cùng sững sờ. Vì không muốn T. vướng vào chuyện tình cảm, xao nhãng việc học hành, đặc biệt vào những năm cuối cấp, bố mẹ T. nhẹ nhàng khuyên bảo con gái. Nhưng càng cấm, T. càng điên cuồng lao vào chuyện tình cảm, cô bé bỏ ngoài tai những lời khuyên giải, răn đe của gia đình.
Một ngày tháng 5-2011, T. “mất tích”… Không ngòi bút nào có thể diễn tả được tâm trạng đau đớn của các bậc sinh thành ra T., lúc đó bố mẹ T. khóc cạn nước mắt vì thương nhớ con, lo lắng cho T. nhẹ dạ, bồng bột mà bỏ phí đời con gái hoặc rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người. Trong khi đó, T. lại cùng bạn trai rủ nhau trốn nhà, tìm xuống Hải Dương thuê một căn phòng trọ. Trong lúc túng thiếu, T. nảy ý định tống tiền bố mẹ đẻ hòng lấy tiền vào Nam lập nghiệp. Không ai có thể ngờ rằng một cô bé 17 tuổi, mặt búng ra sữa lại có thể nghĩ ra màn kịch tống tiền hoàn hảo và tinh vi đến thế.
Để thực hiện ý định, T. thuê Phạm Phú Mạnh (25 tuổi, trú huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Sáng (26 tuổi, trú xã Mê Linh, Hà Nội) thực hiện kế hoạch kiếm tiền. Theo lời khai của Mạnh và Sáng sau khi bị cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh bắt giữ thì T. và bạn trai thuê Mạnh, Sáng gọi điện thoại đến gia đình T., thông báo chúng biết địa điểm nơi T. đang ở. Sau đó, Mạnh và Sáng yêu cầu bố mẹ T. phải đưa tiền để “mua” thông tin. Theo bàn bạc giữa cô nữ sinh lớp 11 và người bạn trai thì nếu phi vụ tống tiền trót lọt, chúng sẽ cho Mạnh và Sáng 2 triệu đồng. Khi ấy, T. biết bố mẹ đang rất lo lắng nên đã lấy lợi thế này triệt để sử dụng. Đúng như những điều T. suy nghĩ, khi nhận được điện thoại của Sáng và Mạnh gọi đến nói rằng biết thông tin T. đang ở đâu, bố mẹ T. đã đồng ý với mức giá mà đối tượng yêu cầu. Ngày 17-5, đúng theo địa điểm mà Mạnh, Sáng đã hẹn bố của T. mang 15 triệu đồng giao cho Mạnh, Sáng.
Nhưng hôm đó, lấy lý do chưa đưa đủ tiền, Mạnh và Sáng tiếp tục chèo kéo hòng lấy nốt số tiền còn lại, mục đích là để được nhận 2 triệu đồng tiền công thì bị Công an huyện Mê Linh bắt giữ. Khi cơ quan CSĐT cho biết T. chính là thủ phạm, bố mẹ T. ngồi sững sờ. Sau khi củng cố hồ sơ vụ án, cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Mạnh và Sáng.
Bài học đắng lòng
Đây là một trong số không nhiều các vụ án cơ quan công an có đủ căn cứ khởi tố hình sự, một cán bộ điều tra cho biết. Thực tế các vụ tống tiền người thân được làm rõ trong thời gian qua cho thấy hầu hết các vụ việc đều dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Vụ tống tiền do hai chị em ruột là Nguyễn Thị Hằng Nga và Nguyễn Hồng Anh (trú huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) thực hiện vào khoảng 10 tháng trước đây là một ví dụ. Vào thời điểm phạm tội, Nga và Hồng Anh đều là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Vì cần tiền đánh bạc, cô chị bàn với em gái tống tiền bố mẹ đẻ. Theo lời khai của cô em, vì thương chị, lại nghĩ rằng đó chỉ là cái cớ để có tiền nên đồng ý “hợp tác”. Vậy là theo đúng kế hoạch được cô chị dày công tìm tòi, hôm đó sau khi tan học Nga không về nhà như bình thường mà ở lại một quán Internet gần nhà, còn Hồng Anh thì mua chiếc sim điện thoại nhắn tin cho bố đẻ là ông Nguyễn Văn Tuyến, tống tiền với lời lẽ sặc mùi xã hội đen: “Con gái ông hiện đang ở trong tay tôi, ông không được báo công an và cũng không được để ai biết”. Hồng Anh cũng yêu cầu ông nộp 30 triệu đồng, nếu không tính mạng của Nga sẽ không được đảm bảo… Khi thấy lực lượng công an gắt gao truy tìm, Hồng Anh lo bị phát giác nên đã yêu cầu em gái đến một địa điểm cách xa địa bàn cư trú của gia đình, gọi điện thoại cho người thân đến đón. Nghĩ là làm, hai chị em Hồng Anh và Nga bán hai chiếc xe đạp, lấy tiền thuê taxi đến một địa điểm rất xa… Trong vụ việc này, chính thái độ hoảng loạn, hoang mang của Nga khiến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ nghi ngờ, tập trung đấu tranh, làm sáng tỏ vụ việc. Song vụ việc này chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, giao cho gia đình phối hợp với nhà trường giáo dục.
Từ thực tế các vụ con tống tiền cha mẹ xảy ra trong thời gian qua trong địa bàn cả nước cho thấy đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hiện nay đều còn rất trẻ, nguyên nhân phần lớn là do cần tiền tiêu xài. Trường hợp của Nguyễn Trung K. (19 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Vì cần tiền chơi điện tử, K. bàn với Vũ Thị Ng., vào thời điểm đó đang là học sinh cấp 3 ở TP. Hồ Chí Minh, tống tiền bố mẹ K. Theo đúng kịch bản đã được hai bên dàn dựng thì K. sẽ về nhà thông báo với bố mẹ rằng đã bị mất trộm xe máy. Đối tượng lấy xe gọi điện thoại yêu cầu K. nộp tiền chuộc là 7,5 triệu đồng. Khi mẹ K. gọi điện thoại, Ng. đã giả giọng của người khác để giao dịch. Trong thời gian đó, Ng. nhờ một đối tượng thứ ba là người bạn học cùng trường giúp sức. Người bạn này đã đi xe máy của K. đến điểm hẹn để nhận tiền và trao xe thì bị phát hiện…
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm của các em xuất phát từ chính sự ích kỷ của bản thân, sự lệch lạc về suy nghĩ và lối sống hưởng thụ của một bộ phận thanh niên ít tuổi, thiếu bản lĩnh. Đơn cử như trường hợp của Phạm Thị Hồng T., chỉ vì bị cha mẹ ngăn cản yêu đương, T. đã liều lĩnh bỏ nhà đi cùng bạn trai mà không hề nghĩ đến sự lo lắng, đớn đau của những bậc sinh thành. Nguyên nhân của các vụ việc tống tiền trên một phần do ảnh hưởng của những bộ phim mang tính chất bạo lực, các trang web thiếu tính giáo dục cùng các trò chơi trực tuyến trên mạng Internet. Nhiều trong số các đối tượng là những thanh niên đua đòi, không được học hành đến nơi đến chốn song lại lười lao động và thích hưởng thụ. Điển hình là trường hợp của Bùi Đình Sinh (17 tuổi, trú xóm Gò Mè, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Vụ án này vừa được cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lương Sơn khởi tố đầu tháng 6-2011. Sinh bỏ học từ sớm và thường ở nhà lêu lổng, đàn đúm với đám bạn bè xấu. Vì cần tiền tiêu xài, Sinh bàn với Nguyễn Văn Công (18 tuổi) và Cao Xuân Kỳ (21 tuổi, đều trú xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn) tống tiền mẹ đẻ Sinh là chị Nguyễn Thị Chiến (44 tuổi). Một màn kịch bắt cóc con tin để đòi tiền chuộc đã được Sinh và các đối tượng thực hiện hòng chiếm đoạt của mẹ 15 triệu đồng.
Để hạn chế các vụ việc có thủ đoạn tương tự, trước hết cần phải giáo dục lối sống lành mạnh, kiến thức về pháp luật cho thanh thiếu niên. Nhà trường không chỉ dừng lại ở việc dạy văn hóa mà cần có sự phối hợp, trao đổi thường xuyên về thông tin để nắm bắt các biểu hiện tâm lý của học sinh. Về phía gia đình phải thường xuyên gần gũi, đặc biệt là ở lứa tuổi “nhạy cảm”, có sự gắn kết với giáo viên chủ nhiệm, biết được các mối quan hệ của con em mình như chúng chơi với ai, mức độ quan hệ như thế nào? Bên cạnh đó cũng cần giáo dục cho các em kỹ năng sống, cách xử lý các tình huống xảy ra. Trong trường hợp các em mắc lỗi cần phải có biện pháp giáo dục thích hợp, tùy vào tâm sinh lý của mỗi em, không để chúng có những hành động phản kháng điều đó, vô hình chung lại trở thành “lợi bất cập hại”.