Mù cả hai mắt do biến chứng đau mắt đỏ, Nguyễn Thị Liên rất hạnh phúc khi có người đàn ông ngỏ ý muốn xây dựng gia đình với mình.
Đám cưới tưởng như là cái kết may mắn với người phụ nữ bất hạnh. Nhưng ngay từ những ngày đầu làm vợ, Liên đã phải đón nhận một bi kịch mới do người chồng độc đoán và bạo dâm gây ra.
Từ khi cưới, chị bị chồng cấm nói chuyện với mọi người. Đến đêm, anh lại có những hành vi khiến chị khiếp sợ và cảm thấy nhục nhã. Anh ta bắt chị xem phim đen và buộc vợ phải làm theo.
Khi không thể tiếp tục chịu đựng, chị Liên quyết định ly hôn nhưng bị chồng dọa giết cả nhà. Để bảo vệ gia đình, chị đành phải quay về và tiếp tục chịu đựng.
Sex là một nỗi kinh hoàng với nạn nhân bị bạo lực tình dục. Ảnh: Inter-disciplinary. |
Đó là câu chuyện khiến bà Lê Phương Thúy (Trung tâm Phụ nữ và phát triển - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) ám ảnh. Hiện tại, chị Liên là một thành viên trong Ngôi nhà Bình Yên của trung tâm.
Bà Thúy cho biết khi vào Ngôi nhà Bình Yên, Liên luôn có cảm giác sợ hãi và căng thẳng cao độ. Ban ngày, chị cảm giác chồng hiện diện ở mọi nơi, trong góc nhà, cầu thang, ngoài đường. Ban đêm, những cơn ác mộng kéo đến làm chị không dám ngủ. Thậm chí, khi vừa thiếp đi, chị đột ngột tỉnh dậy, hoảng sợ kêu khóc chỉ vì mơ thấy chồng.
Theo bà Thúy, đó là những biểu hiện của sang chấn trường diễn - kết quả của những năm tháng Liên bị bạo lực tình dục.
“Lúc đó, Liên như con cá nằm trong giỏ và bất lực hoàn toàn, không thể tự bảo vệ sự an toàn của bản thân mình. Chị luôn mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể và cho rằng không có cơ hội thoát khỏi tình trạng bạo lực, không một ai giúp đỡ. May mắn, con gái là người đã biết chuyện và đưa chị đến với chúng tôi”, bà Thúy cho hay.
Cũng theo bà Thúy, câu chuyện của chị Liên chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân khác của các vụ bạo hành gia đình, bạo lực tình dục, đa số là phụ nữ và trẻ em.
Thủ phạm tự coi bạo lực tình dục là vũ khí để làm chủ người phụ nữ, khiến vợ phải phục tùng, công nhận quyền lực, sức mạnh của mình.
Họ có ham muốn chiếm hữu mà không để ý tới cảm xúc, suy nghĩ của nạn nhân. Khi nạn nhân không đồng ý, họ sẽ chửi bới, sỉ nhục, đánh đấm, đạp, bóp cổ, dọa hủy hoại vùng kín, theo dõi quần áo, hành vi, đường đi và suy diễn dựng chuyện ngoại tình để đổ lỗi, làm cho nạn nhân tin mình là kẻ tồi tệ, không dám nói ra và chấp nhận bạo lực trong vô vọng.
Do đó, nhiều phụ nữ đã chấp nhận trong im lặng, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tâm thần.
Bà Thúy cho hay ở Ngôi nhà Bình Yên những nạn nhân sẽ được hỗ trợ trong vòng 3 tháng về pháp lý, tâm lý, cũng như địa chỉ cần thiết khi bị bạo hành. Sau đó, trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để đưa nạn nhân quay về với gia đình.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Hà Quyên (ZingNews)