Sáng 29/9, PV gửi thông tin đến đại tá Phan Hữu Vinh, Phó cục trưởng C49. Đại tá Vinh rất bức xúc trước sai phạm của cơ sở Thái Thành, lập tức phân công thượng tá Đặng Văn Tốt (Phó trưởng phòng Nghiệp vụ) bàn kế hoạch phá án với PV.
Nơi chiết dầu thành phẩm ra can |
Bắt quả tang
Sáng 5/10, từ Bến Tre, PV được biết xe bồn bắt đầu vận chuyển dầu nguyên liệu lên giao cho cơ sở Thái Thành, lập tức tổ công tác mật phục bằng chiếc xe biển số tư nhân. Khoảng 11 giờ 30, chiếc xe bồn giao dầu nguyên liệu vừa lăn bánh ra khỏi cổng cơ sở Thái Thành, tổ công tác bất ngờ xuất hiện. Sự việc diễn ra bất ngờ khiến ông chủ Lý Vinh Ký (đứng tên chủ cơ sở) và những công nhân đều ngỡ ngàng. Ngay tức thì, 60 bao xút và một bồn dầu (trọng lượng khoảng 2 tấn) mới được quậy dầu xong bị lập biên bản.
Hố đựng dầu dừa đen nằm dưới đất không nắp đậy, che chắn |
Đích thân thượng tá Tốt đi kiểm tra toàn bộ khu quậy dầu và khu hút mùi. Thượng tá Tốt bất ngờ bởi một cơ sở hoạt động từ năm 2000 với chức năng chế biến, tinh luyện dầu nhưng lại tồi tàn và mất vệ sinh khủng khiếp.
Khu nhà vệ sinh cũng là khu pha xút, 3 phuy xút đã pha loãng đầy đến miệng, còn 1 phuy vơi một nửa bởi công nhân vừa múc để tinh luyện một bồn dầu dừa thô xong. Hồ chứa dầu vẫn đang hoạt động, các vật dụng như phuy, bồn, can đựng dầu thành phẩm đất bám đen xì.
Thừa nhận sai phạm
Ông chủ Lý Vinh Ký dẫn cán bộ đi kiểm tra toàn bộ hệ thống tinh luyện xong, bắt đầu làm việc với tổ công tác về hành vi dùng xút công nghiệp để tinh luyện dầu. Về nguồn gốc xút ông ta khai mua ở chợ Kim Biên với giá 4 ngàn đồng/kg, nhưng khi cán bộ hỏi mua ở sạp nào, chủ sạp tên gì và số điện thoại thì ông Ký trả lời không biết, không nhớ (!?).
Về giá dầu dừa thô nhập về, ông Ký khai nhập với giá 33 ngàn đồng/kg, tinh luyện xong giao sỉ giá 38 ngàn đồng/kg. Cán bộ hỏi giao cho ai, ông Ký chỉ thừa nhận giao cho mấy cơ sở làm đậu hũ. Số lượng hàng nhập về và tất cả những hóa đơn chứng từ bán hàng, ông Ký nói không có và chống chế “chỉ là cơ sở nhỏ”.
Ông Ký thừa nhận mỗi tháng cơ sở ông nhập khoảng 15 tấn dầu dừa thô, sau đó cho xút vào để tinh luyện. Cán bộ hỏi số lượng xút dùng hết bao nhiêu một tháng, ông Ký khai dùng hết khoảng 700 kg. Tỷ lệ pha xút như thế nào, lúc đầu, ông Ký cho biết pha 15 kg xút/700 kg dầu/bồn, nhưng khi PV đọc rõ bồn chứa khoảng 2 tấn được đổ vào 10 thùng xút, lúc đó ông Ký mới im lặng.
Công nhân Sơn Liêm là người trực tiếp đổ xút vào bồn dầu để tinh luyện thành khẩn khai nhận với cán bộ tổ công tác C49B: anh này đã làm việc cho cơ sở Thái Thành từ năm 2004 nhưng không ký hợp đồng lao động mà chỉ làm công nhật với mức lương khoảng 710 ngàn đồng/tuần.
Công việc chính là pha chế dầu bằng xút, quy trình tinh luyện là xách những thùng xút đã được pha sẵn đổ vào bồn dầu để quậy dầu bằng mô-tơ tự động. Sau khoảng 30 phút dầu dừa lắng cặn thì đóng mô-tơ để xả cặn… Các công nhân khác cũng lần lượt được cán bộ C49B ghi lời khai.[/justify]
[justify]
Tổ công tác C49B lập biên bản vi phạm với chủ cơ sở Thái Thành |
Cuối buổi làm việc, cả ông chủ Lê Vinh Ký và công nhân đều thừa nhận và ký vào biên bản làm việc của tổ công tác C49B về các sai phạm trong việc tinh luyện dầu bằng xút công nghiệp, cơ sở sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh… Vụ việc hiện đang được C49B khẩn trương điều tra làm rõ.
Những giọt dầu "sát thủ"
Để biết rõ mức độ nguy hại của việc dùng xút công nghiệp tinh luyện dầu, PV đã tìm gặp một số nhà khoa học.
Theo tiến sĩ Đàm Sao Mai, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (thuộc trường Đại học Công nghiệp TP.HCM), việc dùng xút công nghiệp để tinh luyện dầu rất nguy hiểm, nếu hàm lượng tồn trong dầu cao, nhiều khi ăn vào sẽ trực tiếp bào mòn bao tử…
Nguyên đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa, người đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực dầu thực vật, hiện là Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM bức xúc: "Dầu được tinh luyện bằng xút công nghiệp là những giọt dầu "sát thủ", giết người không chỉ 3 năm, 5 năm, 10 năm… mà thậm chí còn truyền cho thế hệ sau…”.
(Theo Thanh niên)[/justify]